Hội chứng ống cổ tay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng làm việc và thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Do vậy, việc chẩn đoán và chữa hội chứng ống cổ tay cần phải được quan tâm một cách đúng đắn và thực hiện sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh chèn ép trong ống cổ tay. Nguyên nhân chủ yếu gây nên hội chứng này là do dây thần kinh cánh tay chịu áp lực quá lớn. Những người thường xuyên làm việc với máy tính hoặc phải thực hiện các công việc hàng ngày bằng cánh tay như chơi nhạc cụ, chơi tennis, bóng rổ, bóng chuyền hoặc sử dụng dụng cụ cầm tay, bê vác vật nặng,… Hội chứng này cũng có thể gặp phải ở các bệnh nhân bị viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường, nhiễm độc rượu mạn tính.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ nữ giới bị hội chứng ống cổ tay cao gấp 3 lần so với nam giới bởi kích thước cổ tay nữ giới thường nhỏ hơn so với nam giới. Vì vậy, dây thần kinh dễ bị chèn ép và gây cảm giác đau, tê tay.
Thống kê cho thấy, số người mắc hội chứng ống cổ tay đang tăng nhanh do tính chất công việc cần hoạt động cổ tay lặp đi lặp lại ngày càng nhiều.
2. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay bằng cách nào?
Việc chẩn đoán hội chứng ống cổ tay thường bắt đầu bằng thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ thu thập thông tin chi tiết về triệu chứng và tiền sử của người bệnh. Sau khi hỏi về các hoạt động hàng ngày hoặc chấn thương gần đây, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sự nhạy cảm và phản xạ của các dây thần kinh ở khu vực cổ tay, kiểm tra sức mạnh và khả năng cử động của cổ tay và ngón tay. Hầu hết những người mắc hội chứng này đều có các triệu chứng như đau, tê, cảm giác kim châm và yếu tay.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác và tìm ra cách chữa hội chứng ống cổ tay phù hợp, các chuyên gia thường kết hợp thăm khám lâm sàng với các biện pháp siêu âm, chụp chiếu. Siêu âm có thể được sử dụng để xem xét các cấu trúc trong cổ tay và đánh giá sự chèn ép dây thần kinh. Phương pháp này giúp xác định các bất thường như viêm khớp, sưng tấy hay tổn thương mô mềm.
Ngoài ra, chuyên gia có thể sử dụng các nghiệm pháp Tinel, Phalen dương tính. Trong đó, Tinel là biện pháp chẩn đoán mà bác sĩ gõ trên ống cổ tay đang duỗi, gây đau hoặc tê giật ở ngón tay. Với nghiệm pháp Phalen, người bệnh cần gấp 2 cổ tay tối đa (90 độ) trong khoảng ít nhất một phút.
3. Chữa hội chứng ống cổ tay kịp thời, đúng cách
3.1. Biện pháp điều trị nội khoa
Điều trị bằng thuốc thường được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng ống cổ tay. Biện pháp này thường tập trung vào việc giảm đau, giảm viêm và tái tạo chức năng của cổ tay. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm non-steroid hoặc corticoid qua đường uống.
Bên cạnh đó, nếu hội chứng ống cổ tay xuất phát từ vấn đề nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm, bác sĩ thường đề xuất sử dụng kháng sinh hoặc liệu pháp chống viêm để điều trị nguyên nhân gốc. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm thuốc trực tiếp vào vùng cổ tay để giảm viêm và đau.
Lưu ý, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế trước khi sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn và phù hợp.
3.2. Chữa hội chứng ống cổ tay bằng biện pháp ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa thường được áp dụng cho những người mắc hội chứng ống cổ tay giai đoạn nặng. Bệnh nhân thường bị rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc không thuyên giảm triệu chứng dù đã điều trị nội khoa.
3.3. Vật lý trị liệu hỗ trợ chữa hội chứng ống cổ tay hiệu quả
Các bác sĩ có thể chỉ định vật lý trị liệu để giúp tăng cường sự cải thiện và tái tạo chức năng của cổ tay. Người bệnh nên thực hiện tập luyện, sử dụng liệu pháp nhiệt để giảm viêm và cải thiện triệu chứng khác.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể dùng nẹp cổ tay trong cả ngày hoặc khi ngủ giúp giảm áp lực và hỗ trợ quá trình điều trị.
3.4. Hạn chế chèn ép cổ tay
Nên hạn chế tối đa các hoạt động gây chèn ép hoặc căng thẳng lên cổ tay, bao gồm điều chỉnh tư thế làm việc hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ trong các hoạt động thường ngày. Một lưu ý nhỏ cho những người mắc hội chứng này là hạn chế thực hiện các động tác uốn cong cổ tay quá nhiều. Hãy giữ cho tay thẳng để giảm chèn ép dây thần kinh. Với những người bệnh có tính chất công việc cần hoạt động cổ tay liên tục, nên có đầy đủ các thiết bị bảo hộ khi làm việc.
3.5. Bổ sung dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe cơ xương khớp
Mặc dù việc thay đổi chế độ ăn không phải là biện pháp điều trị trực tiếp hội chứng ống cổ tay nhưng việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và giúp giảm viêm. Người bệnh nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa như hạt chia, dầu ô-liu, quả mọng, cá và các loại rau xanh lá.
Bên cạnh đó, bổ sung canxi và vitamin D là vô cùng cần thiết với những người vị viêm, đau cổ tay. Các dưỡng chất này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe xương khớp. Nên bổ sung canxi từ các nguồn như sữa, sữa chua, cá, hạt và uống đủ nước để hỗ trợ sự hấp thụ canxi. Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mỗi ngày cũng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D tốt hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh thời điểm nắng gắt gây hại cho da và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hạn chế các thực phẩm có khả năng gây viêm như thức ăn chứa nhiều chất béo có hại, bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhanh.
Để điều trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả, người bệnh có thể cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Lưu ý, mỗi bệnh nhân sẽ có biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Không nên tự ý điều trị tại nhà, dùng các biện pháp dân gian hoặc mua thuốc tùy tiện để tránh tình trạng viêm đau trở nên nặng hơn hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe khác.