Suy tim xảy ra khi cơ tim giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể. Chẩn đoán suy tim giúp xác định nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh, từ đó lên phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Để chẩn đoán suy tim, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và bệnh sử. Bác sĩ muốn biết các thông tin như:
– Người bệnh có mắc các bệnh khác như tiểu đường, bệnh thận, đau thắt ngực, tăng huyết áp và các vấn đề về tim.
– Có hút thuốc hay không?
– Có uống rượu hay không? Nếu có thì uống nhiều hay ít?
– Tên các loại thuốc mà người bệnh hiện đang dùng.
Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng để tìm kiếm các dấu hiệu của suy tim cũng như bất cứ căn bệnh nào gây suy tim.
Một số xét nghiệm chẩn đoán suy tim mà bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện bao gồm:
– Các xét nghiệm máu: dùng để đánh giá chức năng thận, chức năng tuyến giáp và kiểm tra nồng độ cholesterol cũng như sự hiện diện của bệnh thiếu máu.
– Xét nghiệm BNP: BNP là một chất do tim sản xuất ra để đáp ứng với những thay đổi về áp suất xảy ra khi suy tim phát triển và trở nên nghiêm trọng hơn. Nồng độ BNP trong máu tăng khi các triệu chứng suy tim tồi tệ hơn, và giảm khi tình trạng suy tim ổn định. Nồng độ BNP ở một người có suy tim có thể cao hơn so với một người có chức năng tim bình thường.
– Chụp X – quang: đây là một xét nghiệm chẩn đoán suy tim giúp kiểm tra kích thước trái tim và xác định xem liệu đã có chất lỏng tích tụ ở tim và phổi hay chưa.
– Siêu âm tim: là kỹ thuật dùng sóng siêu âm để chụp và nghiên cứu các cấu trúc của tim trong khi tim đang hoạt động (co bóp). Trong chẩn đoán suy tim, siêu âm tim được thực hiện để đánh giá lưu lượng máu qua van của tim.
– Điện tâm đồ: xét nghiệm điện tâm đồ được dùng để ghi lại các xung điện đi qua tim. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ quan tâm tới việc xác định phân suất tống máu (EF). Đây là số đo cho biết bao nhiêu máu được bơm ra khỏi tim trong mỗi nhịp đập. Khi chỉ số EF thấp hơn chỉ số bình thường nghĩa là tim đã có dấu hiệu suy yếu rõ ràng và đặc biệt nếu chỉ số này thấp hơn dưới 35%.
– Nghiệm tim gắng sức: người bệnh được yêu cầu đạp xe với tốc độ tăng dần hoặc chạy trên thảm chạy có chương trình với tốc độ tăng dần, đồng thời được gắn điện tim để ghi theo các diễn biến. Qua đó bác sỹ có thể biết được người bệnh có thể bị bệnh ĐMV hay không và mức độ như thế nào.
– Thông tim: Đây là một thử nghiệm xâm lấn mà các biện pháp cho dù bạn đã bị tắc động mạch tim (bệnh mạch vành).
– Chụp CT mạch vành: đây là một xét nghiệm không xâm lấn trong đó sử dụng tia X – quang và chất cản quang tĩnh mạch để xác định xem liệu người bệnh có bệnh động mạch vành hay không.
– Chụp MRI tim: xét nghiệm này ít được sử dụng, giúp xác định những bất thường của cơ tim hay các mô quanh tim (màng ngoài tim).