Chăm sóc người bị rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Rối loạn nuốt là một di chứng thường gặp sau đột quỵ não. Việc phát hiện rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não và chăm sóc đúng cách là điều hết sức quan trọng, tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bệnh nhân.

1. Rối loạn nuốt là gì?

Rối loạn nuốt là một cảm giác “mắc kẹt” ở họng khi nuốt hay đường đi của thức ăn bị tắc nghẽn từ miệng, họng, thực quản xuống dạ dày. Không chỉ gây khó khăn trong ăn uống, rối loạn nuốt trong đột quỵ còn gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như khó thở, viêm phổi, hít sặc, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này là tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Lúc này cơ hầu họng bị liệt khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt thức ăn hay nuốt nước bọt.

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh rối loạn nuốt trong đột quỵ

Tai biến mạch máu não là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh

2. Các giai đoạn và dấu hiệu bệnh

Tình trạng rối loạn nuốt ở người bệnh đột quỵ não được thể hiện cụ thể qua 3 giai đoạn dưới đây với nhiều dấu hiệu khác nhau:

– Rối loạn giai đoạn miệng: Người bệnh hay chảy nước dãi, thức ăn rơi vãi hoặc tồn đọng trong miệng.

– Rối loạn giai đoạn hầu họng: Xuất hiện triệu chứng trào ngược miệng – mũi, ho hoặc sặc khi nuốt thức ăn, khó khăn khi bắt đầu nuốt. Bệnh nhân trì hoãn nuốt, ho chủ động không hiệu quả hay thay đổi giọng nói.

– Rối loạn giai đoạn thực quản: Người bệnh có cảm giác thức ăn tồn đọng trong cổ, ngực; giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân. Thói quen ăn uống bị thay đổi, bị viêm phổi tái phát nhiều lần.

Nếu người bệnh đang nằm viện để điều trị, rối loạn nuốt sẽ được bác sĩ chuyên môn phát hiện bằng các bài tập kiểm tra vận động cơ hầu họng, lưỡi. Ngoài ra, các biện pháp khác như nội soi ống mềm hoặc thực hiện nghiệm pháp GUSS, đánh giá độ bão hòa oxy trong mao mạch… cũng giúp phát hiện bệnh này.

Rối loạn nuốt gây khó khăn khi ăn uống

Bệnh gây nên tình trạng khó khăn khi nuốt.

3. Lưu ý chăm sóc người bị rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não

Chăm sóc bệnh nhân bị rối loạn nuốt trong tai biến là việc làm đòi hỏi sự thận trọng. Nếu thực hiện không đúng các yêu cầu đề ra sẽ để lại hậu quả lớn tới sức khỏe người bệnh.

3.1. Dinh dưỡng cho người bị rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não

Dinh dưỡng cho người bệnh cần phù hợp vì nhu cầu năng lượng sẽ thấp hơn người bình thường. Cụ thể như sau:

– Chất béo: Bổ sung nhiều chất béo từ vừng, lạc, đậu nành.

– Chất đạm: Nên sử dụng vừa phải, bổ sung nhiều hơn đạm thực vật. Nên ăn các loại đậu, đỗ tương, ăn nhiều cá biển để cung cấp đạm động vật cho cơ thể.

– Vitamin và khoáng chất: Bổ sung các loại rau, quả nhiều dinh dưỡng như cam, chuối, bưởi…

3.2. Một số lưu ý về thức ăn

– Thức ăn cho người bệnh phải đủ các chất dinh dưỡng cơ bản, cân đối về thành phần.

– Thức ăn cần cắt nhỏ, nấu mềm hoặc được xay nhuyễn như cháo, súp, sữa. Thức ăn tốt nhất nên được nấu lỏng, tình trạng sặc khi ăn sẽ được hạn chế. Tránh các thức ăn khô, xơ cứng, dễ dính vào nướu, răng.

– Khi bệnh nhân có biểu hiện sặc thì không nên ăn thức ăn có dạng lỏng (trừ khi phải ăn qua Sonde).

– Ăn đều đặn 3 – 4 bữa/ngày, không được bỏ bữa tự ý. Mức tổng calo trung bình khuyến cáo một ngày khoảng 30kcalo/kg cân nặng.

– Không nên uống rượu bia, cafe, các gia vị cay nóng…

– Bệnh nhân cần ăn thức ăn nhạt để giữ huyết áp ổn định và giúp thận dễ dàng đào thải. Tránh đồ ăn sẵn chứa lượng mỡ và muối cao như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên.

Rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não là bệnh lý nguy hiểm

Dinh dưỡng cho người bệnh cần phù hợp

3.3. Quy tắc khi ăn uống với người bị rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não

– Tư thế ăn uống: Bệnh nhân cần ngồi thẳng khi ăn, uống thuốc hoặc khi súc miệng. Bàn chân người bệnh nên chạm sàn hoặc kê trên bục, không để chân lơ lửng. Trường hợp không ngồi được, người chăm sóc cần đỡ người bệnh xuống ghế có tựa lưng và chỗ đỡ tay.

+ Nên sử dụng thêm gối chêm điều chỉnh tư thế ngồi đúng và thoải mái. Để tránh hiện tượng trào ngược, người bệnh cần ngồi hoặc đi nhẹ nhàng sau khi ăn 30 phút.

– Thực hiện quy tắc an toàn: Chỉ nên cho bệnh ăn ăn uống trong trạng thái tỉnh táo. Ăn, uống không được nhanh vội mà phải từng muỗng, từng ngụm nhỏ, nuốt cho hết trước khi ăn tiếp. Thức ăn nên để ở phía trên môi và lưỡi bên mạnh (bên thức ăn chảy ra ngoài là bên yếu).

+ Tuyệt đối không nói khi đang nhai và nuốt. Khi người bệnh khó mở miệng, người chăm sóc nên dùng tay hỗ trợ phần hàm, cằm, môi. Không nên để người bệnh ngậm nuốt bọt lâu, người chăm sóc nên nhắc người bệnh nuốt hoặc nhổ nước bọt ra. Có thể nhắc bệnh nhân nuốt bằng lời nói hoặc thực hiện động tác sờ vào 2 bên má.

– Môi trường ăn uống: Cần đủ ánh sáng. Tránh các yếu tố gây xao nhãng, mất tập trung khi ăn như tivi, radio và nơi đông người. Người chăm sóc cần khuyến khích, động viên người bệnh về mặt tinh thần.

– Vệ sinh miệng: Nếu vệ sinh miệng không sạch sẽ sau khi ăn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp bệnh nhân không thể súc miệng và đánh răng thì cần thực hiện thao tác rơ miệng để làm sạch răng, lưỡi và 2 bên má. Tuyệt đối không sử dụng mật ong vì dễ gây sâu răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Dùng nước súc miệng có cồn sẽ làm khô miệng, dễ gây nhiễm trùng cho người bệnh.

4. Các bài tập phục hồi chức năng cho người bị rối loạn nuốt

– Các bài tập giúp gia tăng nhận thức, kích thích phản xạ nuốt, nhận biết được nóng, lạnh, vị mặn, ngọt.

– Thay đổi tư thế: Bệnh nhân nên thực hiện bài tập gập cằm ra trước, tư thế đầu ở khoảng chuẩn từ 30 – 45 độ. Xoay mặt về bên liệt khi nuốt, đồng thời nghiêng đầu bệnh nhân sang phía lành.

– Các bài tập phát âm, vận động lưỡi giúp tăng độ bền, độ mạnh của lưỡi hàm và các cơ môi. Tham khảo các bài tập đẩy hàm, nuốt gắng sức, tập nhóm cơ hỗ trợ nuốt. Các bài tập này sẽ giúp làm sạch họng và giảm lượng thức ăn, nước bọt còn tồn đọng ở miệng bệnh nhân.

Do các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nên nếu có nghi ngờ mắc các dấu hiệu rối loạn nuốt sau tai biến, người nhà nên đưa người bệnh đi thăm khám để có phương án điều trị bệnh kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital