Sa sút trí tuệ là bệnh lý thần kinh liên quan đến việc suy giảm trí nhớ, hành vi, giao tiếp, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên trì. Cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu về chứng sa sút trí tuệ và những lưu ý quan trọng khi chăm sóc người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng gây ra bởi một số bệnh lý, bao gồm bệnh Alzheimer. Người mắc bệnh này có thể gặp rối loạn hoặc suy giảm về trí nhớ, suy nghĩ, hành vi, giao tiếp, do đó ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày.
Các thống kê cho thấy, có tới 50 triệu người dân trên thế giới mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ và số người mắc bệnh này tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Suy giảm trí nhớ là một trong những biểu hiện sớm của bệnh. Người bệnh thường dễ quên những sự việc mới xảy ra; hay bị quên và lẫn mất đồ đạc, dễ bị lạc ở nơi mới đến, thậm chí cả những nơi quen thuộc, không nhận ra người quen cũ, lặp lại nhiều lần một câu chuyện hay một việc…
Ở giai đoạn sau của sa sút trí tuệ, người bệnh sẽ có các biểu hiện suy giảm nhận thức như: quên nhiều hơn, gặp khó khăn khi giao tiếp bằng lời và chữ viết, không định hướng được trong không gian. Một số người có các biểu hiện tâm thần như trầm cảm, lo âu, loạn thần, nhân cách thay đổi, dễ kích động, hay đi lang thang, đứng ngồi không yên… Điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động hằng ngày, khiến người bệnh phải sống phụ thuộc vào người thân.
2. Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ
Việc chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ là vô cùng quan trọng với việc điều trị bệnh. Khi được chăm sóc đúng cách, người bệnh có sức khỏe tốt, hỗ trợ tăng cường hoạt động của trí não, phòng ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ và một số chức năng khác.
Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ:
2.1 Nhắc nhở người bệnh tuân thủ lịch uống thuốc
Các loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ không đúng liều lượng hoặc thời gian có thể tác dụng lên hệ thần kinh của người bệnh. Do đó, bạn phải nhắc nhở, đảm bảo người bệnh uống đúng loại thuốc, đúng giờ và liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ để các loại thuốc có thể đem lại hiệu quả cao nhất, tránh các tác dụng phụ.
2.2 Tăng cường vận động não bộ – Rất quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ
Một số nghiên cứu cho thấy việc vận động, hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Các bộ môn được khuyến cáo là các tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức, các bài tập dưỡng sinh…
Trong quá trình chăm sóc, người nhà nên khuyến khích bệnh nhân sa sút trí tuệ tham gia các hoạt động tư duy, ví dụ như các trò chơi đố chữ, các trò chơi sử dụng kỹ năng tư duy. Điều này có thể hỗ trợ làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và rối loạn tâm thần ở những người sa sút trí tuệ.
2.3 Chế độ dinh dưỡng
Để cải thiện khả năng ghi nhớ và nhận tức, người bệnh sa sút trí tuệ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh. Người chăm sóc nên duy trì cho người bệnh khẩu phần ăn hợp lý nhằm hạn chế lượng đường và cholesterol nạp vào cơ thể. Đồng thời nên ăn nhiều rau quả tươi, ngũ cốc và omega-3. Việc này cũng giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tránh cho người bệnh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia để tránh gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.
2.4 Thăm khám sức khỏe định kỳ để chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ
Việc điều trị chứng sa sút trí tuệ không hề đơn giản và cần nhiều thời gian, cần có sự theo dõi, giám sát, đồng hành của các bác sĩ chuyên khoa. Do đó, người nhà cần đưa người bệnh đi kiểm tra sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt nếu trong quá trình điều trị hoặc dùng thuốc, bệnh nhân có những biểu hiện bất thường thì cần đi khám ngay để được kiểm tra và điều chỉnh phù hợp.
3. Đối tượng có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ?
Trên thực tế, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc chứng sa sút trí tuệ hơn cả. Tuy nhiên, ngoài tuổi tác, các nhà khoa học cho biết nhiều yếu tố nguy cơ khác cũng có thể gây sa sút trí tuệ gồm:
3.1 Người gặp vấn đề về huyết áp
Tăng huyết áp ở tuổi trung niên có thể là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình thoái hóa thần kinh, gây teo não. Ngược lại những người già có huyết áp thấp thường có khả năng bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cao hơn.
3.2 Người béo phì
Tình trạng béo phì ở tuổi trung niên cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già.
3.3 Người đái tháo đường
Bệnh sa sút trí tuệ dễ xảy ra ở người bệnh đái tháo đường.
3.4 Người mắc bệnh tim
Những người mắc bệnh tim mạch cũng dễ mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
3.5 Người mắc bệnh mạch máu não
Sau cơn nhồi máu não đa ổ, đột quỵ, người bệnh rất dễ gặp phải biến chứng sa sút trí tuệ.
3.6 Người uống nhiều rượu bia
Nếu uống rượu quá mức, người bệnh có thể mắc chứng sa sút trí tuệ do rượu, đồng thời tăng nguy cơ sa sút trí tuệ do mạch máu.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều mỡ bão hòa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer…
Trên đây là những thông tin về bệnh sa sút trí tuệ và những lưu ý khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Để đảm bảo phát hiện và điều trị sớm, hiệu quả căn bệnh này, khi thấy người thân có các biểu hiện bất thường, người nhà cần đưa họ đi khám ngay chuyên khoa Nội Thần kinh.