Cao răng hình thành như thế nào, có hại không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Cao răng bám chặt trên răng lâu ngày nếu không được xử lý sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng. Vậy cao răng hình thành như thế nào, làm sao để loại bỏ cao răng? Bài viết sau đây sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc xoay quanh cao răng và cách chăm sóc răng miệng phòng ngừa cao răng, đừng bỏ lỡ!

1. Thế nào là cao răng?

Cao răng là khái niệm dùng để chỉ mảng bám ở thân răng, cổ răng hoặc ở dưới mép lợi. Cao răng có màu trắng đục hoặc vàng nhạt hoặc thậm chí là màu nâu sẫm nếu bám lâu ngày trên răng mà không được loại bỏ. Đối với những người hút thuốc, cao răng thường có màu thẫm hơn.

Về cơ bản có hai loại cao răng là cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường có màu sắc trắng đục, vàng nhạt. Còn cao răng huyết thanh thì có màu đỏ, đỏ thẫm do bị nhiễm máu khi mắc bệnh lý viêm nướu răng, viêm nha chu…

Cao răng có màu trắng đục, vàng hoặc nâu sẫm ở thân răng hoặc dưới mép lợi

Cao răng có màu trắng đục, vàng hoặc nâu sẫm ở thân răng hoặc dưới mép lợi

2. Cao răng hình thành như thế nào?

Cao răng hình thành từ mảng bám, thức ăn thừa… không được làm sạch trên răng, kẽ răng. Sau khi ăn khoảng 15 phút, hình thành một lớp màng vô khuẩn trên bề mặt răng. Màng vô khuẩn tạo điều kiện để vi khuẩn có thể bám trụ và sinh sôi. Vi khuẩn phát triển càng nhiều thì mảng bám càng lớn.

Thói quen vệ sinh răng miệng kém khoa học chính là tác nhân khiến cao răng dễ hình thành hơn:

– Không vệ sinh răng miệng thường xuyên sau khi ăn, trước khi đi ngủ.

– Không dùng chỉ nha khoa, máy tăm nước để làm sạch kẽ răng.

– Không vệ sinh mặt lưỡi và toàn bộ khoang miệng.

– Sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, tính axit cao.

– Uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có gas, có cồn…

Cao răng hình thành như thế nào? - Do sự vôi hóa của mảng bám, thức ăn thừa trên bề mặt răng hoặc kẽ răng

Cao răng hình thành như thế nào – Do sự vôi hóa của mảng bám, thức ăn thừa trên bề mặt răng hoặc kẽ răng

Ở giai đoạn còn là mảng bám, mọi người có thể dễ dàng làm sạch bằng việc chải răng và sử dụng chỉ nha khoa. Tuy nhiên khi tồn tại lâu, mảng bám sẽ bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ có trong nước bọt. Điều này khiến mảng bám trở nên cứng hơn, bám chắc hơn vào bề mặt răng. Khi đó, cao răng hình thành và mọi người cần tới nha khoa để loại bỏ kịp thời.

3. Cao răng ảnh hưởng gì tới sức khỏe răng miệng?

– Khó vệ sinh răng miệng: Cao răng giữa các kẽ răng, mép lợi khiến việc vệ sinh răng miệng gặp phải nhiều khó khăn, khó làm sạch thức ăn thừa khiến cao răng hình thành càng nhiều và bám càng chắc hơn lên thân răng.

– Hơi thở có mùi: Do chất thải của vi khuẩn khiến miệng của mọi người có mùi hôi khó chịu, khó loại bỏ chỉ bằng việc súc miệng thông thường.

– Dễ mắc bệnh lý: Cao răng chính là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh lý răng miệng nguy hiểm như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, viêm chân răng… Nếu không được loại bỏ kịp thời, cao răng có thể làm tổn thương tới các mô quanh răng và khiến lợi bị lỏng lẻo, có thể dẫn tới mất răng.

– Ảnh hưởng tới sức khỏe: Vi khuẩn từ cao răng có thể xâm nhập vào hệ hô hấp, tiêu hóa ở người và gây bệnh viêm họng, viêm amidan, rối loạn tiêu hóa

Cao răng không được loại bỏ thường xuyên khiến răng dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm như sâu răng, viêm nha chu...

Cao răng không được loại bỏ thường xuyên khiến răng dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm như sâu răng, viêm nha chu…

4. Cách nào ngăn ngừa cao răng?

Cách tốt nhất để cao răng không hình thành chính là vệ sinh răng miệng khoa học, đúng cách:

– Đánh răng 2-3 lần mỗi ngày vào thời điểm sau khi thức dậy, sau khi ăn uống và trước khi đi ngủ.

– Sử dụng kem đánh răng có chứa flour để chải răng.

– Sử dụng bàn chải có sợi mềm, mảnh để dễ len lỏi vào kẽ răng.

– Sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước để vệ sinh cả kẽ răng.

– Vệ sinh mặt lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng.

– Làm sạch toàn bộ khoang miệng bằng việc sức miệng với nước muối sinh lý.

Lấy cao răng thường xuyên và thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ để chủ động phòng và điều trị bệnh lý nha khoa ở giai đoạn sớm.

Lấy cao răng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh lý nha khoa nguy hiểm

Lấy cao răng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh lý nha khoa nguy hiểm

Đồng thời, bảo vệ sức khỏe răng miệng bằng một kế hoạch sinh hoạt hợp lý:

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đa dạng các nhóm chất.

– Tăng cường sử dụng rau xanh, trái cây tươi để cung cấp đủ vitamin cho cơ thể.

– Uống đủ nước, có thể uống nước trái cây, sử dụng sữa chua để cân bằng hệ vi sinh vật trong khoang miệng.

– Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ hoặc có tính axit cao.

– Không hút thuốc, không uống nhiều rượu bia hoặc đồ uống có gas.

– Loại bỏ các thói quen xấu như mút tay, cắn móng tay, nghiến răng, cắn nắp chai…

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu được cao răng được hình thành như thế nào. Cao răng là một trong những tác nhân gây hại tới sức khỏe răng miệng nên cần được loại bỏ thường xuyên từ 3-6 tháng/lần. Hãy lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín khi có nhu cầu lấy cao răng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe hàm răng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital