Sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp một số phản ứng không mong muốn, đa số là các triệu chứng nhẹ. Cha mẹ có thể bỏ túi ngay một số cách xử trí tại nhà tương ứng với từng phản ứng sau tiêm vacxin sau.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ có những phản ứng sau tiêm vacxin là nguy hiểm?
Vacxin được đánh giá là an toàn vì cần phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, bất kể thứ gì đưa vào cơ thể con người đều được xem là “yếu tố lạ” có thể gây ra những phản ứng nhất định và vacxin cũng không ngoại lệ. Tùy theo cơ địa của từng người mà vacxin có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm chủng.
Tâm lý chung của nhiều cha mẹ là lo lắng cho sức khỏe của con sau tiêm bị ảnh hưởng. Điều này khiến bậc phụ huynh do dự và bỏ mũi tiêm cho trẻ khi đến lịch tiêm chủng. Nhưng thực tế nguy cơ mắc và hậu quả nặng nề do bệnh truyền nhiễm gây ra nếu trẻ không được tiêm chủng lớn hơn rất nhiều. Điển hình nhất là sự bùng phát của đại dịch sởi năm 2013-2014, nguyên nhân là sự do dự, lo ngại phản ứng sau tiêm nên nhiều cha mẹ không tiêm cho trẻ.
Có thể thấy, việc trẻ có những phản ứng sau tiêm là điều không tránh khỏi, cho thấy cơ thể trẻ đáp ứng miễn dịch với vacxin. Cha mẹ không nên quá lo lắng, thay vào đó cần cẩn thận theo dõi trẻ sau tiêm với 2 mốc thời gian sau:
– Trẻ được tiêm chủng cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng.
– Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 tiếng. Đặc biệt cha mẹ cần lưu ý trẻ vào ban đêm vì có thể có những phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
2. Những phản ứng sau tiêm có thể xử trí nhanh tại nhà
2.1. Sốt – Phản ứng sau tiêm vacxin phổ biến ở trẻ
Biểu hiện sốt sau tiêm chủng là phản ứng bình thường ở trẻ. Đa số các trường hợp đều sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), khi sờ vào trán thì thấy hơi âm ấm.
Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, lau người bằng nước ấm và ưu tiên những bộ quần áo có độ thoáng mát. Về chế độ dinh dưỡng thì nên cho trẻ ăn đồ dễ tiêu hóa như cháo, súp gà,…
Cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ liên tục bằng cách đo nhiệt độ 2 – 3 lần/ngày. Nếu trẻ sốt gần 39 độ thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt phù hợp và chườm khăn mát. Để trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, không để điều hòa quá lạnh hoặc quá nóng.
2.2. Vết tiêm sưng đỏ – Phản ứng sau tiêm vacxin phổ biến ở trẻ
Một trong những phản ứng sau tiêm vacxin phổ biến đó là vị trí tiêm có biểu hiệu sưng đỏ. Khi chạm nhẹ tại vị trí tiêm hoặc vùng da xung quanh vị trí tiêm thì trẻ sẽ cảm thấy hơi đau nhẹ. Có trẻ sẽ quấy khóc vì phản ứng này sẽ gây khó chịu. Hiện tượng này sẽ kéo dài 2 – 3 ngày rồi tự biến mất.
Nếu trẻ quấy khóc liên tục vì vết tiêm sưng đau thì cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc giảm đau điều trị triệu chứng cho trẻ.
2.3. Bầm tím
Một số trẻ sẽ gặp hiện tượng bầm tím sau tiêm vacxin do tình trạng xuất huyết vì giảm tiểu cầu. Phản ứng này không quá nghiêm trọng nên cha mẹ đừng lo lắng quá. Hiện tượng bầm tím sẽ biến mất sau vài ngày.
Nếu sau 1 tuần kể từ khi tiêm xong mà hiện tượng bầm tím không biến mất, cha mẹ hãy đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra chính xác nguyên nhân.
2.4. Choáng
Sau khi tiêm vacxin, cơ thể trẻ khá nhạy cảm: mệt lả, giảm đáp ứng với các tương tác với cha mẹ, bạn bè. Thường trẻ dưới 10 tuổi là rơi vào tình trạng phản xạ chậm, choáng váng trong vòng 48 tiếng sau tiêm. Các triệu chứng này cũng chỉ ở mức độ nhẹ, không cần điều trị đặc biệt mà tự hết sau một thời gian ngắn.
2.5. Phản ứng khác sau tiêm vacxin
Tùy vào từng loại vacxin mà trẻ có thể gặp phải những phản ứng khác nhau. Điển hình như vacxin BCG ngừa bệnh lao, nhiều trẻ gặp phải tình trạng vị trí tiêm bị sưng, kích thước to hơn 1,5cm, có mủ, xuất hiện hốc rỉ dịch. Hiện tượng này có thể kéo dài từ 2 đến 6 tháng sau khi tiêm, tự lành và không cần điều trị. Cha mẹ lưu ý không có nặn dịch ra khỏi vết sưng hoặc tự ý bôi kem/đắp lá lên chỗ sưng.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp phản ứng về tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy,… Cha mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ sau tiêm, bổ sung cho trẻ những món ăn dễ tiêu hóa và cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ. Tránh để trẻ vui chơi, học tập quá mức, thay vào đó nên cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.
3. Những phản ứng nghiêm trọng cần tới bệnh viện
Rất hiếm trường hợp có phản ứng sau tiêm nặng và nghiêm trọng. Tuy nhiên không phải không có. Trong quá trình theo dõi, nếu thấy trẻ có những phản ứng sau thì cần đưa ngay tới bệnh viện để kiểm tra và xử trí:
– Sốc phản vệ: với biểu hiện mẩn đỏ, mề đay, huyết áp tụt (có khi không đo được), khó thở, người tím tái, đi ngoài không tự chủ, đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê, choáng váng, co giật,…
– Quấy khóc liên tục, không có dấu hiệu ngừng: Trẻ quấy khóc sau tiêm là điều bình thường nhưng tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, liên tục thì cần đặc biệt cẩn trọng. Nếu trẻ quấy khóc dai dẳng từ 3 tiếng trở lên thì cần đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn cho trẻ uống thuốc giảm đau phù hợp.
– Các phản ứng quá mẫn cấp tính: Thường xuất hiện trong vòng 2 tiếng sau tiêm với một hoặc nhiều triệu chứng như khò khè, phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân.
Có thể thấy, với các phản ứng sau tiêm vacxin thể nhẹ thì cha mẹ hoàn toàn có thể xử trí tại nhà. Còn với phản ứng nặng thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế uy tín để kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp, ngăn chặn rủi ro xảy ra.