Đột quỵ ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi và gây những hậu quả nặng nề đến tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động, làm việc của bệnh nhân. Cùng tìm hiểu cách đề phòng bệnh đột quỵ ở những người trẻ tuổi trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ ở người trẻ có nguy hiểm không?
Đột quỵ là tình trạng não bị gián đoạn hoặc ngừng cung cấp máu đột ngột. Điều này có thể khiến não bị tổn thương và chết đi trong thời gian rất ngắn. Nguy cơ tử vong ở những người bị đột quỵ lên tới 50% tổng số ca đột quỵ. Các vùng não bị ảnh hưởng sau đột quỵ có thể làm việc kém hiệu quả, gây ra các biến chứng như yếu, liệt vận động, suy giảm nhận thức, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tiểu tiện,…
Nếu như trước đây, bệnh đột quỵ xảy ra chủ yếu ở những người lớn tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi thì ngày nay, căn bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Năm 2022, thế giới có khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Khoảng 16% trong số đó ở trong độ tuổi 15 – 49 tuổi. Khoảng 6% số người tử vong do đột quỵ mỗi năm là người trẻ tuổi.
Đột quỵ là một gánh nặng lớn với bất cứ ai gặp phải. Đối với người trẻ, những người ở trong độ tuổi lao động chính thì mối đe dọa từ đột quỵ càng lớn hơn. Những di chứng do đột quỵ để lại có thể khiến người trẻ mất đi hoặc giảm khả năng, học tập và tận hưởng cuộc sống. Sau đột quỵ, người trẻ dễ rơi vào trầm cảm do chưa có khả năng thích ứng với những thay đổi của cơ thể.
Bệnh đột quỵ ở người trẻ nếu không được tầm soát và dự phòng sớm sẽ khiến người trẻ đối mặt với những hậu quả khôn lường.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
Nếu như đột quỵ ở người già xảy ra chủ yếu do quá trình lão hòa và sự tích tụ bệnh lý thì ở người trẻ, nguyên nhân gây đột quỵ thường đến từ những thói quen thiếu lành mạnh như:
– Ăn uống “vô tội vạ”, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, mỡ động vật, nội tạng,.., lười ăn rau xanh, trái cây.
– Uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá thường xuyên (ở cả dạng chủ động và bị động)
– Lối sống thụ động, lười tập luyện, ít vận động
– Thường xuyên căng thẳng do công việc, do lo nghĩ về cuộc sống, do các cú sốc về tình cảm, mất người thân
Ngoài ra, hiện nay các loại bệnh tật như tim mạch, tiểu đường, huyết áp ngày càng có xu hướng trẻ hóa, với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ. Bên cạnh đó, nếu gia đình có ông bà, bố mẹ từng mắc đột quỵ thì nguy cơ mắc bệnh của con cháu cũng cao hơn.
Một điều quan trọng khiến đột quỵ ở người trẻ thêm phần nguy hiểm là do những người trẻ tuổi thường cho rằng mình vẫn còn trẻ khỏe, coi thường sức khỏe, chủ quan với bệnh tật.
3. Cách đề phòng bệnh đột quỵ ở người trẻ
Đột qụy ở người trẻ tuy nguy hiểm nhưng vẫn có thể phòng ngừa, nhất là khi tác nhân gây đột quỵ ở giới trẻ hầu hết là các yếu tố nguy cơ thay đổi được.
Các biện pháp đề phòng bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi bao gồm:
– Tạo dựng lối sống lành mạnh, duy trì các thói quen tốt
– Tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm
– Điều trị tốt các bệnh lý nếu mắc phải
3.1 Tạo lối sống lành mạnh là cách đề phòng bệnh đột quỵ hiệu quả cho người trẻ
Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không điều độ là nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo chế độ dinh dưỡng cho người trẻ cần đảm bảo những điều sau:
– Ăn đủ chất, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít vì đều có thể làm rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể
– Nên ăn lượng muối vừa đủ theo khuyến cáo của WHO (không quá 5mg/ngày)
– Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, nội tạng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán…
– Không uống rượu bia, không hút thuốc lá
– Bố trí thời gian thư giãn trong hoặc sau khi làm việc để cơ thể được nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, stress quá mức, gây ảnh hưởng đến não bộ
– Uống nhiều nước
– Tăng cường vận động thể chất để cải thiện tuần hoàn, tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật
3.2 Tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ tại cơ sở y tế
Ngay từ khi còn ít tuổi, người trẻ nên quan tâm đến sức khỏe của mình, đặc biệt là các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Cụ thể nên đi khám tầm soát nguy cơ đột quỵ ngay từ khi còn trẻ để xem mình có nguy cơ hay dấu hiệu mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, mỡ máu hay không; các thành phần trong máu, các chỉ số huyết áp, nhịp tim, chức năng gan, thận của mình có bình thường hay không.
3.3 Điều trị các bệnh lý một cách hiệu quả là một trong những cách đề phòng bệnh đột quỵ xảy ra
Sự trẻ hóa của các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp,… một trong những yếu tố gây ra bệnh đột quỵ ở người trẻ. Nếu không may mắc các căn bệnh này, người trẻ không nên chủ quan. Thay vào đó, hãy tuân thủ điều trị theo phác đồ điều trị của bác sĩ, nhằm kiểm soát, tránh để bệnh tăng nặng gây biến chứng đột quỵ.
Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập khoa học cũng góp phần tăng hiệu quả phòng ngừa đột quỵ.
Trên đây là những lưu ý về cách đề phòng bệnh đột quỵ mà người trẻ cần lưu ý. Trong mọi trường hợp, hãy tầm soát và điều trị tại các cơ sở uy tín để cho kết quả chính xác và giải pháp điều trị tối ưu.