Thông tin về sỏi mật và cách chữa sỏi mật tối ưu luôn là chủ đề được đông đảo bạn đọc quan tâm. Hiểu đúng và hiểu rõ về bệnh bao gồm sỏi mật là gì, các loại sỏi mật, nguyên nhân hình thành sỏi, phương pháp chữa sỏi mật hiệu quả,… sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi mật và các loại sỏi mật
Sỏi mật là những tinh thể rắn, cứng được hình thành qua quá trình kết tinh của các chất có trong dịch mật. Người bệnh có sỏi mật thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể ra bên ngoài, hầu hết các trường hợp chỉ được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc thông qua khám bệnh lý khác về gan.
Sỏi mật gồm 2 loại chính:
1.1. Sỏi cholesterol
Với thành phần chính là cholesterol (chiếm đến 70%). Đây là loại sỏi phổ biến và thường gặp nhất. Sỏi có màu vàng nhạt hoặc vàng đậm, kích thước đa dạng, được hình thành do lượng cholesterol dư thừa có trong dịch mật kết tinh lại.
1.2. Sỏi sắc tố mật (hay còn gọi là sỏi bilirubin)
Với thành phần chính là bilirubin. Sỏi sắc tố thường có màu nâu sẫm hoặc đen, được hình thành khi hàm lượng bilirubin trong túi mật quá cao. Sỏi sắc tố thường gặp phải ở những người bệnh xơ gan, nhiễm trùng đường mật hoặc một số người bệnh có bệnh lý về máu.
2. Quá trình hình thành sỏi mật
Nguyên nhân chính dẫn tới việc hình thành sỏi mật thường đến từ những rối loạn trong chuyển hoá. Cụ thể, khi dịch mật có nồng độ cholesterol hoặc bilirubin ở mức quá cao sẽ dẫn đến hình thành sỏi cholesterol và sỏi sắc tố tương ứng.
2.1. Sỏi cholesterol
Thông thường, gan sẽ sản xuất đủ dịch mật thực hiện chức năng hòa tan hết lượng cholesterol sản sinh ra. Nhưng khi cholesterol dung nạp vào cơ thể quá nhiều, dịch mật không đủ để hòa tan hết sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa cholesterol trong túi mật. Khi đó, các cholesterol không tan này sẽ đọng lại dạng bùn sỏi (tiền thân của sỏi cholesterol), theo thời gian bắt đầu kết tinh và dần hình thành nên sỏi dạng viên.
2.2 Sỏi sắc tố
Hàm lượng bilirubin trong dịch mật tăng cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hình thành sỏi sắc tố. Bilirubin sẽ kết hợp cùng với các thành phần khác có trong dịch mật như canxi, cholesterol,.. để tạo thành sỏi.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn tới hình thành sỏi mật có thể kể tới là khi chức năng lưu thông dịch mật của túi mật diễn ra bất thường. Nếu túi mật không thể tống xuất dịch mật hoàn toàn hoặc thường xuyên thì dịch có thể trở nên cô đặc lại và lâu dần sẽ hình thành sỏi. Trường hợp này thường gặp phải ở những người hay nhịn ăn, bỏ bữa, thói quen ăn uống thất thường hoặc trường hợp người bệnh phải tiến hành nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch lâu ngày.
3. Cách chữa sỏi mật đúng cách được áp dụng
Việc lựa chọn phương pháp điều trị sỏi mật sẽ cần phụ thuộc vào tình trạng cụ thể và mức độ ảnh hưởng do sỏi gây ra. Người bệnh có sỏi mật cần tiến hành thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phương pháp điều trị đúng cách.
Thông thường, điều trị sỏi mật sẽ được dựa theo 2 trường hợp: Sỏi mật không triệu chứng và sỏi mật có triệu chứng.
3.1. Cách chữa sỏi mật không triệu chứng
Các trường hợp có sỏi mật nhưng không gây ra các triệu chứng, người bệnh có thể “sống chung” bình thường với sỏi mà chưa cần can thiệp bất kỳ phương pháp điều trị nào. Thay vào đó, người bệnh cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, vận động phù hợp và tuân thủ thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp ích trong việc làm chậm lại quá trình hình thành sỏi mới và theo dõi các dấu hiệu phát triển của sỏi.
Ngoài ra, với một số trường hợp khác, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng các loại thuốc tan sỏi có chức năng như một acid mật. Điều trị bằng thuốc chỉ được áp dụng với sỏi cholesterol, không có tác dụng với sỏi sắc tố. Lưu ý, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, thực hiện đúng theo chỉ định từ bác sĩ để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
3.2. Cách chữa sỏi mật có triệu chứng
Tất cả các trường hợp sỏi mật gây đau quặn mật kéo dài, kèm theo các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng đều cần phải tiến hành điều trị ở mọi kích thước và số lượng sỏi. Phương pháp điều trị sỏi mật được chỉ định thường là cắt túi mật bao gồm: Phẫu thuật cắt túi mật nội soi hoặc phẫu thuật cắt túi mật mổ mở.
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến hơn cả nhờ những ưu điểm nổi bật mà phẫu thuật nội soi mang lại như ít xâm lấn, ít gây đau đớn, khắc phục biến chứng, thời gian thực hiện nhanh chóng (chỉ khoảng 15-30 phút), người bệnh sớm được xuất viện sau 1-2 ngày và nhanh chóng hồi phục,…
Phẫu thuật cắt túi mật mổ mở
Phẫu thuật mổ mở được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng đủ các yêu cầu từ phẫu thuật nội soi. Cụ thể, với các trường hợp người bệnh sỏi mật có biến chứng nhất định như viêm, nhiễm trùng đường mật, người béo phì, người bệnh đã từng phẫu thuật trước đó và để lại nhiều sẹo dính hay người bệnh có rối loạn chảy máu/đông máu,.. sẽ cần chuyển qua thực hiện phẫu thuật cắt túi mật mổ mở. Phẫu thuật mổ mở sẽ gây nhiều đau hơn, thời gian xuất viện là 3-4 ngày.
Như vậy, cách chữa sỏi mật tối ưu nhất sẽ được bác sĩ chỉ định sau khi đánh giá chi tiết mức độ ảnh hưởng do sỏi gây ra. Người bệnh có sỏi mật hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín và nhanh chóng tiến hành thăm khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách.