Rối loạn nhịp tim thường vô hại nếu là những phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu không được đánh giá đúng mức hoặc không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu cách chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Chẩn đoán rối loạn nhịp tim
1.1 Khám rối loạn nhịp tim ở đâu?
Rối loạn nhịp tim không chỉ đơn giản là việc nhịp tim đập với tần số bất thường mà còn liên quan đến nhiều yếu tố sinh lý và bệnh lý. Do vậy, khi có triệu chứng nghi bị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân cần được chẩn đoán bằng các phương pháp y khoa hiện đại để xác định đúng nguyên nhân của bệnh.
Khi bị rối loạn nhịp tim, bạn nên đến chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám một cách kỹ càng, chuyên nghiệp và nhận được những kết luận chính xác.
1.2 Các bước thăm khám
– Khám lâm sàng: Hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh, các thói quen; sờ tim, nghe tim, phổi, đo huyết áp,…
– Khám cận lâm sàng: Tùy vào kết quả thăm khám cận lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định một số chẩn đoán cận lâm sàng như:
+ Điện tâm đồ: Phương pháp truyền thống để đo nhịp tim và đánh giá hoạt động điện của tim.
+ Holter nhịp tim (điện tim 24 giờ): Thiết bị ghi lại hoạt động suốt cả ngày của tim.
+ Siêu âm tim: Phương pháp khảo sát hình ảnh về cấu trúc, kích thước và chuyển động của tim.
+ Nghiệm pháp bàn nghiêng: Phương pháp theo dõi nhịp tim và huyết áp khi bệnh nhân thay đổi tư thế, bao gồm nằm ngang và đứng lên.
+ Xét nghiệm loại trừ: Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện để phân biệt rối loạn nhịp tim với các tình trạng bệnh khác với triệu chứng tương tự. Ví dụ như kiểm tra bất thường của tuyến giáp.
Tùy vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp chẩn đoán phù hợp bao gồm: Có phải bạn bị rối loạn nhịp tim không? Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim của bạn hoặc bệnh lý khác. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
2. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim
Một số phương pháp được sử dụng để điều trị các rối loạn nhịp tim hiện nay:
2.1 Điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc
– Cơ chế tác động:
Dùng thuốc là phương pháp điều trị được ưu tiên để điều chỉnh các rối loạn xung điện và phục hồi nhịp tim bình thường. Cơ chế tác động của các loại thuốc điều trị gồm: ngăn chặn nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường; giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền xung điện trong tim; tăng thời gian phục hồi cơ tim.
– Các nhóm các thuốc thường sử dụng để điều trị các loại rối loạn nhịp tim gồm:
+ Nhóm thuốc chống loạn nhịp: Gồm các thuốc như Dronedaron, sotalol, amiodaron, propafenon,…có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường.
– Nhóm thuốc chẹn beta: Tác dụng của nhóm này là làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim, giảm gánh nặng cho tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất. Các loại thuốc nhóm này gồm: Atenolol, Metoprolol, bisopropol,…
+ Nhóm thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm thuốc này có tác dụng giãn mạch, làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, gồm các thuốc: Diltiazem, Verapamil,…
– Các thuốc phụ trợ
Ngoài các nhóm thuốc chính, một số loại thuốc được dùng phụ trợ như:
+ Digoxin: Giúp tăng sức co bóp cơ tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
+ Adenosine: Giãn mạch và làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất.
Các loại thuốc kể trên chỉ mang tính tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải dựa trên kết quả thăm khám kỹ lượng tại chuyên khoa tim mạch với các bác sĩ giỏi, hệ thống máy móc hiện đại. Dựa trên kết quả thăm khám, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bao gồm đơn thuốc trong trường hợp cần điều trị bằng thuốc.
Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ, không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc, liều lượng để đảm bảo an toàn và hạn chế tác dụng phụ như: sưng chân, dị ứng thuốc, sạm da, mờ mắt, chán ăn táo bón, tiêu chảy,… và gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
– Cần làm gì nếu điều trị bằng thuốc không có tác dụng?
Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không có tác dụng, các bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp như sốc chuyển nhịp tác động lên các xung điện để khôi phục nhịp tim bình thường; tác động lên hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim, giúp ngăn chặn chứng nhịp nhanh trên thất; tác động vào động mạch vành nhằm khai thông đường máu nuôi dưỡng cơ tim, từ đó giúp tim co bóp bình thường, cải thiện nhịp tim.
2.2 Thay đổi lối sống góp phần tích cực vào quá trình điều trị rối loạn nhịp tim
Trong quá trình điều trị chứng rối loạn nhịp tim, ngoài sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật thì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, tập luyện khoa học cũng góp phần hạn chế những diễn tiến xấu, cải thiện chứng rối loạn nhịp tim.
Theo đó, các bệnh nhân bj rối loạn nhịp tim cần rèn luyện các thói quen sinh hoạt lành mạnh sau:
– Bổ sung các thực phẩm tốt cho tim: chất béo tốt, trái cây, các loại và ngũ cốc, thực phẩm ít muối.
– Tập thể dục thường xuyên: nên duy trì việc tập luyện mỗi ngày, tham khảo ý kiến của bác sĩ khi lựa chọn bài tập và cường độ tập luyện.
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim như cafe, thuốc lá, rượu bia.
– Duy trì cân nặng và kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp ổn định.
– Giữ tâm trạng thoải mái bằng các hình thức thiền định, yoga, các kỹ thuật thư giãn…
Tóm lại, việc chẩn đoán sớm và điều trị rối loạn nhịp tim đúng hướng là vô cùng quan trọng giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh, một cuộc sống vui vẻ, tích cực. Những thông tin được chia sẻ trong bài viết chỉ mang tính tham khảo và không thể thay thế việc thăm khám chuyên khoa. Hãy đi khám thường xuyên và khám ngay khi có những triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.