Các nhóm nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim chủ yếu

Tham vấn bác sĩ

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập bất thường, có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động co bóp và thực hiện chức năng của tim. Có nhiều rất nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim khác nhau. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ những nguyên nhân phổ biến nhất khiến tim đập bất thường và cách phòng ngừa hiệu quả.

1. Các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim phổ biến

1.1 Bệnh lý – Nhóm nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim hàng đầu

Nếu thấy tim đập bất thường (quá nhanh, quá chậm, không đều), bạn có thể nghĩ đến các bệnh lý sau:

Bệnh động mạch vành

Những mảng bám xuất hiện ở động mạch vành sẽ khiến lòng mạch hẹp đi và cản trở việc lưu thông máu. Điều này dẫn đến ứ đọng máu trong lòng mạch. Những chứng bệnh đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì cùng với thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý đều có thể làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Rối loạn nhịp tim do những nguyên nhân nào gây ra?

Bệnh mạch vành có thể là nguyên nhân khiến tim loạn nhịp.

Đau tim

Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở những người từng bị đau tim trước đó. Nguyên nhân là do các mô tại đây bị tổn thương. Tổ chức Y khoa Langone NYU tại New York (Mỹ) cho biết, rung thất là chứng loạn nhịp nguy hiểm nhất do những cơn đau tim gây ra. Rung thất có thể dẫn đến đột quỵ hoặc bất tỉnh đột ngột.

Các triệu chứng mà bệnh nhân đau tim thường gặp gồm đau tức ngực, buồn nôn, chóng mặt, thở gấp, thậm chí bất tỉnh. Khi phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có những triệu chứng trên, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu để được hỗ trợ.

Tăng huyết áp

Tình trạng tăng áp lực trong các mạch máu có thể khiến nhịp tim bị ảnh hưởng. Khi huyết áp cao hơn 140 mmHg/90 mmHg, tim sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Điều này cũng có thể tác động và gây nhiều biến chứng cho một số bộ phận khác trong cơ thể như não bộ, thận…

Tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây hẹp động mạch, khiến người bệnh đối mặt với tình trạng rối loạn nhịp tim.

Tiểu đường

Khi cơ thể không sản sinh đủ insulin để hấp thụ glucose, lượng đường bị tích tụ trong máu sẽ gây chèn ép thành mạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhịp tim tăng cao và là tiền đề cho những biến cố khác như động mạch vành hay đau tim.

Rối loạn gen

Một số nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng rối loạn nhịp tim có thể liên quan tới rối loạn gen. Tiêu biểu nhất của rối loạn nhịp nhóm này là hội chứng Brugada, hội chứng QT ngắn hạn hoặc QT kéo dài. Các nhà khoa học Mỹ cho biết các hội chứng này phần lớn liên quan tới sự xáo trộn các gen của cơ tim.

Rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp hoạt động không hiệu quả, quá mạnh hoặc quá yếu cũng có thể gây ra bất ổn cho hệ tim mạch. Các dấu hiệu của bệnh tuyến giáp bao gồm mệt mỏi, khó tập trung, sút cân, mất ngủ, rụng tóc. Rối loạn chức năng tuyến giáp cũng khiến hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả, dễ gây nhiễm trùng ở tim.

Bệnh tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Bệnh tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây loạn nhịp tim, khiến cơ thể đối mặt với nhiều nguy hiểm

1.2 Các thói quen thiếu lành mạnh là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Bên cạnh các bệnh lý, những thói quen thiếu lành cũng có thể khiến nhịp tim bất thường, gồm:

Sử dụng rượu quá nhiều hoặc thường xuyên

Rượu là loại đồ uống được sử dụng quá nhiều trong các mối hệ bạn bè, công việc, được không ít người ưa thích bởi khả năng mang lại cảm giác hưng phấn mạnh mẽ. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều thức uống có cồn này có thể gây hại cho tim. Cụ thể rượu gây tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim.

Caffein

Caffein là thành phần quan trọng trong các loại thức uống như trà, cà phê, có tác dụng mang lại sự tỉnh táo và sảng khoái cho người dùng. Tuy nhiên sử dụng quá nhiều cà phê cũng có thể dẫn tới loạn nhịp tim. Các chuyên gia khuyến cáo người bình thường chỉ nên uống mỗi ngày khoảng 400mg caffein. Phụ nữ mang thai chỉ nên tiêu thụ khoảng 300mg/ngày.

Hút thuốc lá

Các chất độc trong khói thuốc lá là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cho cả người hút thuốc lá chủ động và bị động.

Sử dụng thuốc không đúng cách

Các loại thuốc trị bệnh tim, huyết áp, trầm cảm đều có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tim. Khi sử dụng các loại thuốc này bạn nên tuân thủ liều lượng được bác sĩ kê đơn. Nếu gặp bất kì dấu hiệu khác thường nào trong khi dùng thuốc, bạn cần liên hệ ngay để được tư vấn bởi các chuyên gia y tế.

2. Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rối loạn nhịp tim

Các rối loạn nhịp không phải lúc nào cũng biểu hiện thành triệu chứng rõ ràng. Vì vậy thăm khám định kỳ, tầm soát tim mạch là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm bất thường hoặc các yếu tố nguy cơ, từ đó điều trị hoặc dự phòng hiệu quả. Việc kiểm tra này cũng giúp bạn kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong cơ thể. 

Nếu có bệnh lý nguy cơ, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để kiểm soát bệnh hiệu quả, tránh biến chứng gây hại cho tim.

Bên cạnh đó, chế độ ăn lành mạnh dưới đây cũng là bí quyết giúp phòng tránh hoặc cải thiện tình trạng rối loạn nhịp tim:

– Ăn nhạt, sử dụng ít muối hơn trong khẩu phần ăn hàng ngày.

– Tăng cường trái cây, rau, ngũ cốc, cá… Đây đều là các nhóm thực phẩm tốt cho tim.

– Hạn chế tối đa các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, giảm tiêu thụ các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.

– Loại bỏ các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê ra khỏi chế độ ăn uống

Ngoài ra, nên tập thể dục thường xuyên, tránh thức khuya, kiểm soát căng thẳng,…

Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có thể giúp ổn định nhịp tim, phòng tránh và kiểm soát các rối loạn nhịp.

Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có thể giúp ổn định nhịp tim.

Trên đây là những nguyên nhân gây loạn nhịp tim phổ biến nhất. Loại bỏ hoặc hạn chế các tác nhân này sẽ giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh và một cuộc sống chất lượng hơn. Khi có các dấu hiệu rối loạn nhịp tim, hãy đăng ký khám chuyên khoa Tim mạch sớm để được chẩn đoán và tư vấn điều trị, khắc phục một cách hiệu quả. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital