Các loại bệnh lao là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Người mắc bệnh lao cần được điều trị kịp thời nếu không sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp bệnh lao là gì?
Bệnh lao là bệnh truyễn nhiễm do trực khuẩn lao gây ra. Đây là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.
Các loại bệnh lao được chia thành 2 nhóm bệnh chính gồm:
– Lao phổi
– Lao ngoài phổi
Lao có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng lao phổi là bệnh phổ biến nhất. Ghi nhận lao phổi chiếm tỷ lệ 80-85% và là nguồn lây chính trên cộng đồng. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh từ trẻ em đến người lớn đặc biệt những người có hệ miễn dịch yếu kém.
2. Thông tin cụ thể về các loại bệnh lao
2.1. Các loại bệnh lao phổ biến là lao phổi
Lao phổi hay còn gọi là ho lao, là bệnh truyền nhiễm cướp đi tính mạng hàng triệu người mỗi năm.
Cơ chế cụ thể là khi người lành hít phải trực khuẩn lao từ hạt nước bọt li ti hoặc trong các hạt bụi nhỏ rồi di chuyển xuống phế nang và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, trực khuẩn lao đi theo đường máu, bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể và tiếp tục gây bệnh.
2.2. Các loại bệnh lao gồm bệnh lao ngoài phổi
2.2.1. Bệnh lao làm tràn dịch màng phổi
Triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh là đau tức ngực, khó thở, tình trạng bệnh ở mức độ tăng dần. Khi siêu âm màng phổi sẽ thấy có dịch.
2.2.2. Bệnh lao tràn dịch màng tim
Triệu chứng của bệnh dựa trên lượng dịch và tốc độ hình thành dịch ở màng tim. Người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng như:
– Đau ngực
– Khó thở
– Nổi tĩnh mạch cổ
– Chi dưới phù
– Nhịp tim nhanh
– Huyết áp thấp
Khi thăm khám và tiến hành chụp X-quang, hình ảnh cho thấy hình bóng tim to, có hình giọt nước; siêu âm có dịch màng bên ngoài tim.
2.2.3. Bệnh lao màng não – não
Dấu hiệu của bệnh lý viêm màng não thường khởi phát bởi tình trạng đau đầu tăng dần và rối loạn tri giác. Bệnh lao màng não cần được điều trị sớm, phù hợp để tránh các tổn thương, biến chứng nguy hiểm.
2.2.4. Bệnh lao xương khớp
Bệnh phổ biến ở xương cột sống với triệu chứng ở giai đoạn sớm gồm đau lưng, đau đốt xương sống, hạn chế vận động. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh gây biến dạng gù xương cột sống thậm chí liệt vận động do tủy sống bị chèn ép.
2.2.5. Bệnh lao tiết niệu, sinh dục
Triệu chứng thường gặp ở bệnh lý này gồm:
– Tiểu rắt kéo dài từng đợt
– Tiểu ra máu
– Nước tiểu có màu sẫm đục
– Đau vùng thắt lưng âm ỉ
Bệnh có xu hướng thuyên giảm sau khi điều trị bằng kháng sinh nhưng có thể tái phát. Ở người bệnh nam giới, lao sinh dục có thể làm sưng đau tinh hoàn, mào tinh hoàn. Nếu người bệnh là nữ, lao sinh dục có thể gây tiết dịch âm đạo như khí hư, rối loạn kinh nguyệt, kéo dài có thể gây vô sinh, mất kinh nguyệt.
Dù là lao phổi hay lao ngoài phổi đều nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ngay khi cơ thể xuất hiện triệu chứng cảnh báo của các loại bệnh lao, bạn nên thăm khám để được điều trị sớm, phù hợp, an toàn.
3. Các nguyên tắc trong điều trị bệnh lao bạn cần biết
3.1. Phối hợp các loại thuốc
Trường hợp bệnh lao còn nhạy cảm với thuốc: nên phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công, giai đoạn duy trì cần ít nhất 2 loại.
Với trường hợp bệnh lao đa kháng: cần phối hợp ít nhất 5 loại thuốc có hiệu lực.
3.2. Dùng thuốc đúng liều
Các thuốc chống lao có tác dụng nhất định với từng trường hợp bệnh. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và tạo điều kiện cho chủng vi khuẩn kháng thuốc hình thành. Ngược lại, dùng liều cao có thể dẫn đến tai biến.
Do đó, người bệnh cần sử dụng đúng liều lượng bác sĩ chỉ định và báo ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.
3.3. Dùng thuốc đều đặn
Các thuốc chống lao phải được uống vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày và nên uống cách xa bữa ăn. Người bệnh cần uống đều đặn thuốc hàng ngày và hết liệu trình bác sĩ kê đơn.
3.4. Dùng thuốc đủ thời gian, dựa trên 2 giai đoạn tấn công và duy trì
Giai đoạn tấn công kéo dài 2 đến 3 tháng, mục đích tiêu diệt số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương. Giai đoạn duy trì thường kéo dài 4 đến 6 tháng để tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát về sau.
3.5. Chuyên gia giải đáp: Bệnh lao có tự khỏi không?
Nhiều người nghĩ rằng bệnh lao có thể tự biến mất. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng. Khi một người khỏe mạnh bị vi khuẩn lao tấn công, hệ thống miễn dịch của họ sẽ hoạt động mạnh mẽ để chống lại sự lây nhiễm đó. Với một số trường hợp, nếu hệ thống miễn dịch và sức đề kháng tốt có thể tiêu diệt vi khuẩn lao tại chỗ.
Ở một số trường hợp khác, cơ thể chỉ có thể cố gắng làm cho vi khuẩn không hoạt động – tình trạng này còn được xem là bệnh lao tiềm ẩn. Bệnh lao tiềm ẩn không có biểu hiện rõ ràng, cụ thể, không lây nhiễm nhưng vẫn có khả năng bùng phát nếu gặp các tác nhân gây bệnh hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Người mắc bệnh lao cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc điều trị trên và được theo dõi sát sao trong thời gian điều trị. Chuyên gia cảnh báo việc không tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sẽ tạo điều kiện cho thể lao kháng thuốc hình thành và phát triển. Từ đó, tình trạng bệnh ngày càng nặng, khó chữa hơn, tỷ lệ điều trị thành công thấp và dễ biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Đặc biệt, đây cũng là nguồn lây dai dẳng, gây nguy hiểm cho cộng đồng.