Các giai đoạn của sa sút trí tuệ và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Sa sút trí tuệ là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, trong đó Alzheimer chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ. Cùng tìm hiểu các giai đoạn của sa sút trí tuệ để hiểu hơn về căn bệnh này và cách chẩn đoán cũng như điều trị.

1. Sa sút trí tuệ tấn công người cao tuổi

Sa sút trí tuệ xảy ra do não bộ bị tổn thương với các đặc trưng là suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, định hướng, điều hành, lập kế hoạch,… Sa sút trí tuệ có nhiều thể trong đó thường gặp nhất là bệnh Alzheimer, chiếm khoảng 60-80% tổng số bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng thường tấn công người cao tuổi, độ tuổi từ 60 tuổi trở lên.

Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, điều này khiến tỷ lệ người mắc bệnh Alzheimer tăng cao. Cần có biện pháp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội.

các giai đoạn của sa sút trí tuệ tấn công người cao tuổi

Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ tấn công.

2. Nhận biết các giai đoạn của sa sút trí tuệ

Có hai cách chia các giai đoạn của sa sút trí tuệ, đó là: sa sút trí tuệ trải qua 5 giai đoạn hoặc sa sút trí tuệ trải qua 3 giai đoạn chính.

2.1 Các giai đoạn của sa sút trí tuệ: 5 giai đoạn

Giai đoạn 1: Sa sút trí tuệ không suy giảm

Ở giai đoạn này người bệnh không nhận biết được các biểu hiện và không thấy vấn đề về trí nhớ. Rất dễ bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm là chứng suy giảm trí theo tuổi tác.

Giai đoạn 2: Sa sút trí tuệ giảm rất nhẹ

Ở giai đoạn này bắt đầu xuất hiện các vấn đề nhỏ về trí nhớ hoặc mất đồ đạc xung quanh nhà. Nhưng chủ yếu các triệu chứng diễn ra rất mờ nhạt, thường sẽ bị chủ quan bỏ qua hoặc không điều trị.

Giai đoạn 3: Sa sút trí tuệ suy giảm nhẹ

Trong giai đoạn này, người bệnh bắt đầu gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực như: tìm từ đúng với đoạn hội thoại, khả năng tổ chức và lập kế hoạch, nhớ tên người quen mới.

Người bệnh Alzheimer ở giai đoạn này thường xuyên để mất các tài sản cá nhân, trong đó có những vật có giá trị.

Giai đoạn 4: Sa sút trí tuệ suy giảm vừa phải

Ở giai đoạn này người bệnh gặp phải những khó khăn với các con số học đơn giản như các phép tính toán đơn giản, không nhớ những gì họ đã ăn vào bữa sáng, gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính và thanh toán hóa đơn, quên các chi tiết về quá khứ cuộc sống,…

Giai đoạn 5: Sa sút trí tuệ suy giảm vừa, nghiêm trọng

Người bệnh bắt đầu gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như khó mặc quần áo, khó ghi nhớ các chi tiết đơn giản như số điện thoại của chính mình, nhầm lẫn đáng kể, cần sự giúp đỡ của người khác trong các hoạt động hàng ngày,…

các giai đoạn của sa sút trí tuệ nhẹ

Ở các giai đoạn đầu người bị sa sút trí tuệ thường mất trí nhớ nhưng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân.

2.2 Các giai đoạn của sa sút trí tuệ: 3 giai đoạn

Giai đoạn 1: giai đoạn sớm (nhẹ)

Ở giai đoạn này, các trí nhớ ngắn hạn của người bệnh bị suy giảm khiến việc học tập và ghi nhớ thông tin mới trở nên khó khăn.

Suy giảm khả năng xác định đồ vật, suy giảm khả năng thực hiện các động tác đã được học trước đây, suy giảm khả năng hiểu hoặc sử dụng ngôn ngữ.

Giai đoạn 2: giai đoạn trung bình

Ở giai đoạn này, bệnh nhân không thể học và nhớ lại thông tin mới. Khả năng ghi nhớ các sự kiện trong quá khứ bị giảm nhưng chưa mất hoàn toàn. Thay đổi tính cách tiến triển tăng dần như dễ trở nên cáu kỉnh, hung hãn, lo lắng, trầm cảm, tự ti,…

Người bệnh có thể thay đổi cảm giác hoặc nhận thức như hoang tưởng bị hại. Giấc ngủ bị rối loạn.

Giai đoạn 3: giai đoạn muộn (nghiêm trọng)

Người bệnh Alzheimer ở giai đoạn này không thể tự đi bộ, ăn uống hoặc làm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Các trí nhớ gần và xa gần như biến mất hoàn toàn. Người bệnh bị rối loạn chức năng nuốt, có thể không nuốt được, dễ sặc dẫn đến viêm phổi, loét tỳ đè do phải nằm nhiều.

Ở giai đoạn cuối cùng của bệnh Alzheimer, người bệnh có thể rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong, nguyên nhân thường là do nhiễm trùng.

các giai đoạn của sa sút trí tuệ nặng

Ở giai đoạn nặng, người bệnh sa sút trí tuệ phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân và những người xung quanh.

3. Chẩn đoán và điều trị chứng sa sút trí tuệ

3.1 Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ hay Alzheimer chính xác, người bệnh nên được khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Ban đầu là đánh giá chức năng nhận thức thông qua khám lâm sàng với chuyên gia thần kinh để sàng lọc và loại trừ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự.

Một số bài trắc nghiệm thần kinh tâm lý có thể được áp dụng để đưa ra kết luận chẩn đoán lâm sàng cho bác sĩ.

Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật khám cận lâm sàng như chụp CT (cắt lớp vi tính) hoặc chụp MRI (cộng hưởng từ), và có thể áp dụng điện não đồ trong trường hợp cần thiết.

Theo các chuyên gia, chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI nên được thực hiện trong lần đầu đánh giá về chứng sa sút trí tuệ, khi mà chưa rõ nguyên nhân về tình trạng nhận thức và tình trạng tinh thần.

3.2 Điều trị

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào có thể chữa khỏi căn bệnh này. Nhưng việc điều trị là cần thiết, vì nó giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Việc điều trị sa sút trí tuệ hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) để hỗ trợ cải thiện tình trạng. Điều trị sa sút trí tuệ hiện nay được phân ra các nhóm điều trị phòng ngừa, điều trị triệu chứng suy giảm nhận thức và điều trị rối loạn hành vị tâm thần. Về phương pháp điều trị thì có hai phương pháp: điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Bên cạnh đó, việc tổ chức hỗ trợ người chăm sóc tốt cũng góp phần tăng cao hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng cho người chăm sóc.

Thuốc điều trị sa sút trí tuệ: nhóm thuốc kháng men cholinesterase.

Liệu pháp không dùng thuốc: Rèn luyện chức năng nhận thức dưới 3 hình thức: tập luyện nhận thức, phục hồi nhận thức và kích thích nhận thức là phương phát rèn luyện phối hợp có giá trị rất cao trong gìn giữ và phục hồi chức năng nhận thức.

Hiện nay liệu pháp điều trị nhận thức bằng TMS đã được FDA công nhận, liệu pháp kích thích não bằng dòng điện một chiều (tDCS) được các nước Châu Âu sử dụng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital