Viêm tuyến giáp là vấn đề sức khỏe không hiếm gặp, tuy nhiên phần lớn mọi người vẫn chưa có sự quan tâm đúng mực về căn bệnh này. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm tuyến giáp là vô cùng quan trọng giúp bạn bảo vệ sức khỏe và duy trì chất lượng cuộc sống.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm, xảy ra trên mô giáp bình thường hoặc bướu giáp có sẵn. Bệnh dẫn đến sự tăng tiết quá mức hormone tuyến giáp hoặc giảm tiết hormone tuyến này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng tuyến giáp cũng như sức khỏe của người bệnh.
Thông thường, người bệnh viêm tuyến giáp sẽ trải qua 3 giai đoạn:
– Nhiễm độc giáp: thời điểm tuyến giáp bị viêm và tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp.
– Suy giáp: Sau khi tiết quá nhiều hormone tuyến giáp trong một thời gian dài, tuyến giáp không còn đủ lượng hormone để giải phóng vào máu dẫn đến thiếu hormone tuyến giáp hoặc suy giáp.
– Bình giáp (hồi phục): thường diễn ra sau giai đoạn nhiễm độc giáp. Khi này, nồng độ hormone tuyến giáp có thể tạm thời ổn định trước khi chuyển sang giai đoạn suy giáp. Ngoài ra, bình giáp còn mô tả trạng thái tuyến giáp khi đã phục hồi sau điều trị.
Viêm giáp không phải là bệnh lý gây huy hiểm ngay lập tức, tuy nhiên, ở một số thể bệnh, tùy vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng, khó thở, liệt dây thanh âm hay một tình trạng đe dọa tính mạng người bệnh như cơn bão giáp… Do đó, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh và thăm khám kịp thời có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng tỷ lệ điều trị bệnh thành công.
2. Dấu hiệu viêm tuyến giáp
Tương ứng vào từng dạng viêm và các giai đoạn bệnh mà dấu hiệu viêm tuyến giáp biểu hiện ở mỗi người có thể khác nhau.
2.1 Dấu hiệu viêm tuyến giáp ở thể cấp tính
Viêm tuyến giáp cấp đặc trưng bởi các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi toàn thân.
Vùng cổ người bệnh cũng có thể bị sưng đau, cơn đau lan tỏa đến xương hàm dưới, thậm chí tới tai gây khó nói, khó nuốt.
Trong một số trường hợp viêm cấp tính, tại tuyến giáp có thể hình thành các khối áp xe.
2.2 Dấu hiệu viêm tuyến giáp bán cấp
Viêm tuyến giáp u hạt bán cấp
Giai đoạn nhiễm độc giáp: có thể kéo dài từ 4 – 8 tuần, thường bắt đầu với các triệu chứng giống như viêm đường hô hấp trên như: đau họng, sốt nhẹ, đau cơ. Sau đó,tuyến giáp bắt đầu đau. Cơn đau thường từ một bên sau đó lan ra vùng dưới hàm, lên tai và sang cả bên còn lại. Người bệnh lúc này có thể cảm thấy khó thở, khó nuốt và có các triệu chứng cường giáp như tim đập nhanh. sụt cân đột ngột, đổ mồ hôi, khó chịu được nóng…
Giai đoạn bình giáp: Chỉ duy trì được từ 1-2 tuần.
Giai đoạn suy giáp: Có thể kéo dài từ sau bình giáp đến nhiều tuần, nhiều tháng sau đó hoặc vĩnh viễn không thể phục hồi. Tuyến giáp khi này không đau, mật độ chắc. Một số ảnh hưởng người bệnh có thể gặp phải như: táo bón, khô da, khó tập trung, mệt mỏi…
Giai đoạn hồi phục: Tuyến giáp sau viêm sẽ thu nhỏ kích thước, người bệnh không đau, nồng độ hormone giáp trạng trở về trạng thái bình thường.
Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp
Giai đoạn nhiễm độc giáp: vùng cổ người bệnh xuất hiện bướu giáp to, không đau. Ngoài ra bệnh cũng gây ra các triệu chứng cường giáp như: sút cân dù không giảm ăn, tăng tiết mồ hôi, đánh trống ngực, hồi hộp…
Giai đoạn bình giáp: Sau khi giải phóng hết lượng hormone tuyến giáp ở giai đoạn đầu, bướu giáp dần thu nhỏ lại.
Giai đoạn suy giáp: xảy ra ở khoảng 25-40% người mắc viêm tuyến giáp Lympho bán cấp. Lúc này tuyến giáo thu nhỏ lại, chắc. Người bệnh có thể cảm thấy dễ bị lạnh, da tóc khô, mạch chậm…
2.3 Viêm mạn tính
Viêm tuyến giáp Hashimoto
Người bệnh có bướu giáp to vừa phải ở phía trước cổ, không đau, tuy nhiên có thể chèn ép các cơ quan lân cận gây nuốt vướng, nuốt nghẹn. Ở giai đoạn đầu, bệnh không biểu hiện các triệu chứng toàn thân. Cho đến khi người bệnh cảm thấy các dấu hiệu như táo bón, sợ lạnh, mạch chậm…, bệnh thường đã ở giai đoạn tiến tiến nặng.
Viêm tuyến giáp Riedel
Bướu cổ hình thành do viêm tuyến giáp Riedel thường to dần ra theo thời gian, không đau nhưng có thể xâm lấn vùng lân cận gây chèn ép, khó thở, khó nuốt. Một số trường hợp bệnh có thể gây xơ hóa màng bụng, trung thất, xơ hóa sau nhãn cầu…
Bệnh không biểu hiện triệu chứng toàn thân rõ rệt, song một số ca bệnh có thể có các dấu hiệu của suy giáp.
3. Chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp
Sau khi thăm khám lâm sàng (có thể bao gồm khai thác triệu chứng bệnh, tiền sử, các loại thuốc đang sử dụng…), bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định.
Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
– Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: bao gồm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và hai loại hormone tuyến giáp trong máu (T3 và T4). Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định loại viêm tuyến giáp người bệnh mắc phải, cũng như viêm đang ở giai đoạn nào và có hướng điều trị hiệu quả.
– Xét nghiệm kháng thể kháng giáp như: kháng thể thyroperoxidase (TPO-ab) hoặc kháng thể kháng thụ thể hormone kích thích tuyến giáp TSH (TRAb). Sự xuất hiện của các kháng thể này thường là dấu hiệu của hiện tượng “tự miễn tuyến giáp” (kháng thể tuyến giáp chiến đấu với thành thần tuyến giáp bị nhầm là các protein lạ), gây tình trạng viêm tuyến giáp.
– Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR): giúp theo dõi tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Kết quả ESR cao có thể cho thấy tình trạng viêm tuyến giáp.
– Siêu âm: giúp phát hiện các tăng trưởng bất thường về kích thước tuyến giáp, lưu lượng máu cũng như kết cấu, mật độ tuyến giáp. Siêu âm giáp trạng thường được ứng dụng cho những trường hợp viêm tuyến giáp có sờ thấy bướu nhân.
4. Điều trị
Căn cứ vào thể viêm giáp, biểu hiện triệu chứng và giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Với viêm cấp tính, phương pháp điều trị phổ biến là sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu xuất hiện ổ áp xe có thể tiến hành rạch và dẫn lưu mủ.
Người bệnh mắc các thể viêm khác, điều trị như thế nào sẽ căn cứ vào giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn nhiễm độc giáp (cường giáp): Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số thuốc nhằm thuyên giảm triệu chứng như:
– Thuốc chống viêm, giảm đau như aspirin, ibuprofen hoặc cân nhắc liệu pháp steroid.
– Thuốc chẹn beta dùng điều trị các triệu chứng toàn thân như đánh trống ngực, lo lắng, run tay chân, tăng tiết mồ hôi…
Giai đoạn suy giáp: liệu pháp thay thế hormone có thể được chỉ định để bổ sung lượng hormone tuyến giáp thiếu hụt do suy giảm chức năng tuyến giáp.
Trường hợp viêm tuyến giáp có bướu nhân to, không thể thu nhỏ lại như bình thường, gây chèn ép, khó thở, khó nuốt… phương pháp phẫu thuật có thể được bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Viêm tuyến giáp thường khởi phát âm thầm, trong khi dấu hiệu viêm tuyến giáp thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cũng chính vì vậy mà người bệnh thường chỉ phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan mà cần có sự theo dõi sát sao những thay đổi vùng cổ để sớm phát hiện bệnhvà can thiệp kịp thời.