Viêm họng mạn tính thường kéo dài dai dẳng và khó điều trị, gây mệt mỏi về sức khỏe lẫn tinh thần của người bệnh. Tìm hiểu ngay các dạng viêm họng mạn tính và cách điều trị bệnh hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Viêm họng mạn tính là gì?
Viêm họng kéo dài trong thời gian trên một tuần được coi là viêm họng mạn tính. Đa số các bệnh nhân này trước đây đã từng mắc viêm họng cấp tính nhưng không đạt được kết quả điều trị tốt, dẫn đến tái phát bệnh nhiều lần và dần chuyển sang trạng thái mạn tính. Bệnh viêm họng mạn tính có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là ở những người có sức đề kháng kém như trẻ em.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm họng mạn tính có thể bao gồm: nhiễm trùng, tiếp xúc với khói bụi và môi trường ô nhiễm, thói quen sinh hoạt không lành mạnh… Ngoài ra, những người có polyp mũi, lệch vách ngăn và các vấn đề bất thường ở mũi họng cũng có nguy cơ tiến triển mạn tính cao hơn so với người bình thường.
Viêm họng mạn tính là một trong những bệnh lý ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tai mũi họng của người bệnh. Các triệu chứng bệnh thường kéo dài dai dẳng và rất dễ tái phát, khiến cuộc sống và công việc của người bệnh bị đảo lộn. Trường hợp người bệnh không được điều trị kịp thời thì có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
2. Các dạng viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính thường biểu hiện thành các dạng bệnh cụ thể như sau:
– Viêm họng mạn tính sung huyết: Viêm nhiễm dẫn tới sưng, phù nề niêm mạc họng, các tổ chức bạch huyết nổi rõ mao mạch và sưng nhẹ kèm theo các triệu chứng như sốt sao, sổ mũi, ngạt mũi…
– Viêm họng mạn tính xuất tiết: Tình trạng niêm mạc họng đỏ, có nhiều dịch nhầy màu đục hoặc vàng nhạt, kèm theo các triệu chứng như niêm mạc nổi hạt, sưng nề, đau rát họng, nuốt vướng, buồn nôn…
– Viêm họng hạt mạn tính: Các hạt lympho quá sản thành các đám nhỏ màu hồng, niêm mạc sưng nề kèm theo tình trạng ho khan, đau rát họng…
– Viêm họng teo mạn tính: Viêm họng quá phát lâu ngày dẫn chuyển sang tình trạng teo, xơ hóa tuyến nhầy và nang tân, đồng thời kèm theo tình trạng niêm mạc mỏng, trắng bệnh, ho nhiều, khó chịu ở vùng họng…
Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường này, người bệnh nên đi khám và chủ động điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
3. Điều trị viêm họng
3.1. Điều trị bằng thuốc
Bệnh viêm họng mạn tính tiềm ẩn nguy cơ biến chứng rất cao như viêm amidan, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi… nếu người bệnh không được điều trị sớm và đúng cách. Để ngăn ngừa biến chứng, người bệnh nên đi khám kịp thời để được bác sĩ tư vấn, điều trị với phác đồ phù hợp.
Hiện nay, điều trị viêm họng mạn tính chủ yếu sử dụng các loại thuốc như:
– Kháng sinh
– Kháng viêm
– Giảm phù nề
– Giảm xung huyết
– Hạ sốt
– Giảm đau
– Long đờm…
Các loại thuốc được kê đơn điều trị dựa trên tình trạng và nguyên nhân gây bệnh… Hầu hết thuốc điều trị chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, tránh dùng lâu dài vì có thể gây nhờn thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Người bệnh chỉ được dùng thuốc để điều trị viêm họng khi có chỉ định của bác sĩ, không thay đổi liều lượng hoặc kéo dài thời gian sử dụng. Đồng thời, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc chữa viêm họng bằng các mẹo lưu truyền dân gian vì có thể khiến bệnh không thuyên giảm hoặc dẫn tới hệ lụy khó lường.
3.2. Chăm sóc tại nhà
Ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cần sinh hoạt khoa học để cơ thể nhanh hồi phục và phòng ngừa viêm họng tái phát.
– Súc họng, vệ sinh răng miệng đều đặn hằng ngày để làm sạch thức ăn, loại bỏ các tác nhân có hại trú ngụ và gây bệnh.
– Uống nhiều nước, nước ấm hoặc các loại nước trái cây tươi để bổ sung đủ nước và vitamin cần thiết cho cơ thể.
– Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm tươi xanh, hạn chế những thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường, nhiều dầu mỡ…
– Giữ ấm cổ họng, hạn chế uống nước lạnh, đồ uống có gas…
– Ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa để không làm tổn thương niêm mạc họng.
– Không nên uống rượu bia hoặc các chất kích thích vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
– Không hút thuốc lá bởi trong thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, không chỉ làm tổn thương đường hô hấp mà còn có thể gây ung thư phổi.
– Chủ động tái khám khi thấy bệnh không thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường như chảy máu, sưng nề họng, có mủ trắng ở họng…
5. Phòng ngừa viêm họng
Để ngăn ngừa mắc viêm họng và các bệnh lý tai mũi họng khác, mọi người nên sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh tai mũi họng đúng cách:
– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống, sau khi từ bên ngoài trở về, sau khi đi vệ sinh hoặc dọn dẹp nhà cửa… để loại bỏ tác nhân gây bệnh.
– Không nên sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, quần áo, khăn mặt, thìa muỗng…
– Sử dụng khẩu trang khi tới những ngơi đông người hoặc khu vực có nhiều khói bụi.
– Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ nhỏ…
– Hạn chế tiếp xúc với những người đang hoặc nghi ngờ mắc các bệnh đường hô hấp, bệnh dễ lây truyền.
– Thường xuyên tập thể dục, thể thao để cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn.
– Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo và chủ động thăm khám thường xuyên để tạo hàng rào miễn dịch khỏe mạnh, giúp phòng ngừa bệnh lý tối ưu.
Như vậy, bài viết đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về các dạng viêm họng mạn tính thường gặp hiện nay. Để ngăn chặn biến chứng, người bệnh cần chủ động thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời, xây dựng lối sống khoa học để cơ thể nhanh hồi phục và giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát.