Người từng trải qua cơn đau đầu mãn tính thường cho rằng đây là yếu tố làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của họ bởi: các cơn đau đầu thường xuyên tái diễn khiến cơ thể mệt mỏi, khả năng ghi nhớ giảm sút. Ngoài ra, đau đầu mãn tính còn có thể gây ra các bệnh về thần kinh – tâm thần như: trầm cảm, suy nhược thần kinh,… nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Cơn đau đầu mãn tính là gì?
Cơn đau đầu mãn tính hay còn gọi đau đầu kinh niên là tình trạng đau đầu tái đi tái lại nhiều lần. Cơn đau thường xảy ra từ 15 ngày cho đến 1 tháng hoặc kéo dài trên 3 tháng. Nếu điều trị tích cực từ sớm và kiểm soát tốt, sẽ giúp giảm tình trạng đau nhức và khiến cơn đau đầu ít tái phát. Một số trường hợp có thể chấm dứt hoàn toàn cơn đau đầu kéo dài khi tìm ra đúng nguyên nhân và có thể điều trị triệt để cắt cơn đau.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện cơn đau đầu mãn tính kéo dài đến hơn 4 tiếng mỗi ngày. Cơn đau đầu mãn tính có thể ảnh hưởng từ một bên hoặc cả hai bên đầu, người bệnh có cảm giác đau nhói từ vừa đến nặng, về lâu dài có thể dẫn tới những rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, thay đổi tính cách, gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội.
2. Nguyên nhân gây đau đầu mãn tính
Rất nhiều nguyên nhân làm xuất hiện cơn đau đầu mãn tính. Sau đây là 3 nhóm nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu kéo dài gồm:
– Đau đầu không do viêm: thường do đau các phần liên quan như đau đầu, đau lưng, đau cổ do co cơ.
– Đau do viêm: thường là tình trạng đau sau mổ, do chấn thương, do thoái hóa, đau do viêm khớp, do gout hoặc do bệnh ung thư gây ra.
– Đau do yếu tố thần kinh: do các bệnh liên quan đến thần kinh như đau sau zona, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn. Đau dây thần kinh số V…
3. Các loại đau đầu mãn tính thường gặp
Khi bị đau đầu mãn tính có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, để giúp người bệnh giảm đau hiệu quả và tránh các cơn đau đầu tái phát thì việc điều trị cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu. Sau đây là 2 loại đau đầu mãn tính thường gặp.
3.1. Cơn đau đầu mãn tính do căng thẳng
Trong trường hợp đau đầu do căng thẳng, cơn đau có thể xảy ra liên tục, người bệnh có cảm giác có một dải quấn quanh đầu. Cơn đau xuất hiện khi bạn: Lo âu, phiền muộn, làm việc liên tục trên máy tính thời gian dài, ngủ ở tư thế không đúng…
Đau đầu bởi căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cả hai bên đầu của người bệnh. Để điều trị, bác sĩ có thể kê các loại thuốc chống trầm cảm để giúp giảm đau đầu và phòng ngừa các vấn đề nghiêm trọng khác. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cũng nên tạo khoảng thời gian thư giãn và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng quá mức.
3.2. Cơn đau đầu mãn tính do bệnh đau nửa đầu
Đau nửa đầu cũng có thể là dấu hiệu báo trước tình trạng nhức đầu mãn tính, thường là gây đau nhói ở 1 bên đầu, đi kèm với một số triệu chứng như nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi, buồn nôn, nôn mửa, mờ mắt hoặc nhìn thấy các đốm…
Chứng đau nửa đầu có thể kéo dài đến vài ngày. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc để ngăn chặn hoặc làm giảm cơn đau đầu xảy ra thường xuyên, một số biện pháp cũng được áp dụng bao gồm:
– Liệu pháp hormon dành cho phụ nữ bị đau nửa đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
– Kiểm soát tình trạng căng thẳng thần kinh: Thư giãn, tập thể dục và phản hồi sinh học.
– Giảm dần thuốc giảm đau và dùng thuốc phòng ngừa trong trường hợp đau đầu do thuốc.
4. Làm sao để phòng ngừa các cơn đau đầu mãn tính tái phát?
Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh đau đầu mãn tính có thể áp dụng một số biện pháp sau để phòng ngừa và giảm các cơn đau đầu mãn tính hiệu quả:
– Tránh xa các tác nhân gây đau đầu, tốt nhất là bạn nên tạo một cuốn nhật ký tác nhân để phòng trừ những tác nhân gây đau đầu.
– Tránh lạm dụng thuốc: Rất nhiều người lựa chọn uống thuốc giảm đau khi bị đau đầu, việc sử dụng thuốc trong khoảng thời gian dài sẽ gây ra tình trạng đau đầu do thuốc.
– Ngủ đủ giấc: Theo các chuyên gia, người bình thường khỏe mạnh cần ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm. Tốt nhất là nên ngủ và thức vào một khung giờ cố định. Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ, hãy thăm khám ngay để có biện pháp điều trị phù hợp.
– Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện lưu thông máu và trao đổi chất tốt hơn. Hãy lựa chọn bộ môn thể dục phù hợp với bản thân để bắt đầu tập luyện.
– Giảm căng thẳng: Stress là một trong những tác nhân phổ biến gây đau đầu mãn tính. Để giảm stress, người bệnh nên phân bổ thời gian cho công việc phù hợp, suy nghĩ tích cực hơn, lạc quan hơn. Có thể áp dụng một số biện pháp như tập yoga, thái cực quyền hay thiền định.
– Lựa chọn thực phẩm phù hợp: Nên hạn chế các đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả. Trường hợp người bệnh thừa cân, béo phì thì nên có kế hoạch giảm cân.
Những thông tin trên đã cho thấy cơn đau đầu mãn tính gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt thế nào. Hiện nay với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các thiết bị y tế như máy chụp cộng hưởng từ não MRI, máy chụp cắt lớp vi tính não,… có thể tầm soát và phát hiện nhiều bệnh lý về thần kinh – não bộ. Qua đó giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đầu kéo dài. Từ kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất nhằm chấm dứt cơn đau cho người bệnh. Để đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa đau đầu mãn tính từ sớm, bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh tại các cơ sở y tế uy tín.