Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh động kinh ngày càng gia tăng, tác động xấu tới sức khỏe người bệnh. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện nay có khoảng 50 triệu người trên toàn cầu bị bệnh và ước tính mỗi năm có thêm 2,4 triệu người mắc động kinh. Do đó, việc chữa bệnh động kinh cần được tiến hành sớm, đề phòng biến chứng xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh động kinh
Động kinh là bệnh lý mạn tính, xảy ra do sự bất thường của não bộ dẫn đến kích thích nhóm tế bào thần kinh của vỏ não và gây phóng điện đột ngột, không thể kiểm soát. Sự kích thích của vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra biểu hiện như co giật, co cứng tay chân và các cơn vắng ý thức.
Động kinh là bệnh lý thần kinh thường gặp và có ảnh hưởng tới mọi độ tuổi, chủng tộc. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện nay có khoảng 50 triệu người trên toàn cầu bị bệnh và ước tính mỗi năm có thêm 2,4 triệu người mắc động kinh.
Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát được các cơn co giật, nhanh chóng phục hồi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Động kinh là căn bệnh phổ biến. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như:
– Do di truyền
Theo các nhà nghiên cứu, một số loại động kinh có liên kết với các gen cụ thể. Song, gen này chỉ là yếu tố khiến bệnh nhân nhạy cảm hơn nếu có sự tác động của môi trường, gây ra các cơn động kinh. Hay nói cách khác, gen không phải yếu tố quyết định hoặc chắc chắn gây bệnh mà chỉ là yếu tố có thể tác động.
– Do chấn thương sọ não
Những tai nạn nghiêm trọng khiến vùng não bị tác động mạnh, chấn thương sọ não cũng là một trong những nguyên nhân gây nên động kinh.
– Bệnh gây tổn thương não
Khả năng mắc bệnh động kinh ở những người có khối u trong não hoặc có tiền sử bị đột quỵ cũng rất cao. Việc tổn thương não sẽ làm rối loạn hệ thần kinh trung ương, khiến hoạt động não thay đổi và nguy cơ bị động kinh tăng cao.
– Bệnh liên quan tới não
Viêm màng não, cấu trúc bất thường trong não không rõ nguyên do hay viêm não cũng là nguyên nhân gây ra động kinh.
– Chấn thương trước khi sinh
Trẻ sơ sinh vốn nhạy cảm với các tổn thương ở não nên nếu người mẹ bị nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng… em bé sau khi chào đời cũng có nguy cơ bị tổn thương não, dẫn tới động kinh ở trẻ sơ sinh. Thậm chí việc sốt cao, co giật kéo dài ở trẻ nhỏ cũng dễ tiến triển thành động kinh.
– Một số nguyên nhân khác
Những người có thói quen sử dụng thuốc chống trầm cảm hay người lạm dụng rượu bia, ma túy… cũng có thể mắc bệnh.
3. Các dạng động kinh phổ biến và dấu hiệu điển hình
Động kinh có hai dạng chính là động kinh toàn thể và động kinh cục bộ. Ở mỗi trường hợp, người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.
3.1. Động kinh cục bộ
Nếu một phần não bộ hoạt động bất thường, cơn động kinh cục bộ sẽ xuất hiện. Khi đó, chỉ có một vài bộ phận trên cơ thể biểu hiện triệu chứng.
– Động kinh cục bộ đơn giản
Người bị động kinh cục bộ đơn giản thường bị co cứng một phần cơ thể hoặc co giật. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện một vài triệu chứng như khó chịu dạ dày, lo lắng, sợ sệt, chóng mặt, thị giác và khứu giác bất thường.
– Động kinh cục bộ phức tạp
Người bệnh sẽ mất đi ý thức khi cơn động kinh cục bộ phức tạp xảy ra. Lúc này, họ sẽ có loạt biểu hiện như đờ đẫn, nhìn chằm chằm vào khoảng không, có hành vi vô thức như xoa đầu, xoa tay. Đáng chú ý, khi cơn động kinh qua đi, họ sẽ không nhớ những gì đã diễn ra.
3.2. Động kinh toàn thể
Động kinh toàn thể xảy ra khi hoạt động phóng điện bất thường ở trong não tác động tới toàn bộ não.
– Cơn vắng ý thức
Cơn vắng ý thức khiến con người mất đi ý thức trong thời gian ngắn, khoảng 5 -15 giây. Biểu hiện của người bệnh lúc này là đánh rơi đồ hoặc nhìn chằm chằm vào vô định. Đặc biệt sẽ vô cùng nguy hiểm nếu người bệnh đang tham gia giao thông hoặc đi bơi.
– Cơn co giật toàn thể
Người bệnh có biểu hiện mất thăng bằng, bị té ngã và mất đi ý thức. Lúc này, các cơn co giật, không thể kiểm soát tay chân cũng xuất hiện ở người bệnh.
Thông thường, cơn co giật toàn thể diễn ra trong vài phút và bệnh nhân có thể gặp thêm tình trạng sùi bọt mép.
4. Những cách chữa bệnh động kinh hiện nay
Có 2 phương pháp chữa bệnh động kinh hiện nay là điều trị nội khoa (dùng thuốc) và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật). Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa bệnh động kinh phù hợp.
4.1. Chữa bệnh động kinh bằng nội khoa
Đa số người bệnh động kinh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng động kinh để tránh cơn con giật. Dựa trên mức độ động kinh của bệnh nhân mà các bác sĩ có thể dùng 1 hoặc nhiều loại thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, phát ban.
Thuốc kháng động kinh thường phải sử dụng lâu dài và tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, suốt quá trình điều trị người bệnh cần kiên trì để có được hiệu quả tốt.
Bệnh nhân cũng tuyệt đối không được bỏ thuốc trong bất cứ trường hợp nào. Bên cạnh đó, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị khác. Nếu thấy điều gì bất thường, cần thông báo ngay với bác sĩ, tránh tình huống xấu xảy ra.
Ngoài ra, người bệnh nên loại bỏ rượu bia, cà phê, thuốc lá. Bởi những chất kích thích trên sẽ khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, dẫn tới việc điều trị gặp nhiều khó khăn, bệnh dễ tái phát.
4.2. Chữa bệnh động kinh bằng phương pháp ngoại khoa
Phương pháp phẫu thuật được tiến hành trong trường hợp bệnh nhân kháng thuốc hoặc quá trình điều trị không mang lại hiệu quả, các cơn co giật vẫn xuất hiện.
Lúc này, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám, kiểm tra xem người bệnh có đáp ứng đủ tiêu chuẩn phẫu thuật hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ xác định vị trí tổn thương của người bệnh và tiến hành phẫu thuật.
Ngoài những cách chữa trên, một số phương pháp khác cũng có tác dụng trong việc điều trị là kích thích thần kinh phế vị, kích thích não sâu, chế độ ăn kiêng ketone…
Theo các bác sĩ, bệnh động kinh có thể kiểm soát được. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh đã được chữa khỏi và trở lại bình thường. Do đó, người bệnh cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp tăng khả năng khỏi bệnh.