Bệnh lây qua đường tiêu hóa là các bệnh lý có khả năng lây truyền qua nguồn thực phẩm và nước uống. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về các bệnh lây qua đường tiêu hóa phổ biến và kiến thức cần thiết giúp bạn phòng tránh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lây qua đường tiêu hóa phổ biến
1.1. Viêm gan virus A
Virus viêm gan A (HAV) là nguyên nhân gây bệnh viêm gan siêu vi A. Chúng có trong nước bọt, nước tiểu và nhiều nhất là trong phân của người bệnh. Virus viêm gan A có thể ô nhiễm vào nước, đất nếu không được xử lý tốt. Ngoài ra, HAV còn tồn tại trong thức ăn, nước uống, bể bơi, vật dụng sinh hoạt cá nhân, đồ dùng gia đình,…
Virus viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, cụ thể qua các hình thức chính như sau:
– Ăn thực phẩm bị nhiễm virus.
– Uống nước bị nhiễm bệnh; bơi lội trong bể bơi, ao hồ bị nhiễm bệnh.
– Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như: bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng, xô, chậu,…
HAV tồn tại ở nhiệt độ 25 độ C trong nhiều tháng. Chúng có thể sống tới 1 năm trong nước đá. Virus này sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C. Sau 15 – 45 ngày kể từ khi ăn thực phẩm, uống nước có nhiễm virus, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, phân bạc màu, vàng da, vàng mắt… Các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn có trường hợp chỉ thoáng qua.
10 – 15 ngày trước khi có triệu chứng vàng da, virus viêm gan A đã được thải trừ ra ngoài qua phân. Bệnh lý này thường diễn biến thành dịch, khiến nhiều người mắc phải.
1.2. Tiêu chảy cấp – một trong các bệnh lây qua đường tiêu hóa phổ biến
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị tiêu chảy cấp cao nhất. Người bệnh sẽ bị mất nước và một số chất quan trọng trong cơ thể do đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Tình trường mất nước, đặc biệt ở trẻ em, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được bù nước và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp nhất bao gồm:
– Sử dụng các loại đồ ăn, thức uống không thích hợp;
– Nhiễm khuẩn đường ruột do các loại vi sinh vật như: Rotavirus, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ, shigella, trực khuẩn thương hàn,…;
– Viêm nhiễm ngoài ruột như: viêm tai giữa, viêm mũi họng, sở hoặc ho gà gây viêm phổi,…
Điều kiện vệ sinh môi trường kém, thời tiết nóng ẩm là yếu tố thuận lợi giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển. Tiêu chảy cấp dễ gặp hơn ở người bị suy dinh dưỡng, thường kéo dài và tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường. Ngoài ra, trẻ em bị rối loạn vi khuẩn đường ruột cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh.
1.3. Bệnh tả
Vi khuẩn Vibrio cholerae, thường được gọi là phẩy khuẩn tả, là nguyên nhân gây bệnh tả. Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính này có các triệu chứng điển hình là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải cấp tính,… Bệnh tả có nguy cơ lây lan nhanh trở thành đại dịch với tỷ lệ tử vong cao. Sử dụng thức ăn và nước uống nhiễm vi khuẩn tả (đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản) khiến người lành bị nhiễm bệnh.
Nhiệt từ ánh nắng mặt trời có thể tiêu diệt phẩy khuẩn tả. Loại vi khuẩn này tồn tại trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 55 độ C và 5 phút ở nhiệt độ 80 độ C.
1.4. Bệnh kiết lỵ thuộc các bệnh lây qua đường tiêu hóa phổ biến
Bệnh lý này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính sau đây:
Do amip: Người lớn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ em, dễ tiến triển thành mạn tính. Các biểu hiện của bệnh là: đau quặn bụng, sốt, mót rặn, đại tiện nhiều lần nhưng phân ít và chủ yếu là chất nhầy có lẫn máu,… Gan cũng là cơ quan chịu sự tấn công của amip khiến gan sưng lên và có mủ. Trường hợp này được gọi là áp-xe gan do amip.
Do trực trùng: Ngược lại, bệnh lỵ do trực trùng phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Người bệnh có triệu chứng sốt cao, đau bụng, đại tiện nhiều lần, đại tiện ra nước màu đỏ. Trẻ em có nguy cơ tử vong nhanh chóng do độc tố của vi trùng và mất nước nhiều.
1.5. Bệnh thương hàn
Bệnh bắt nguồn từ trực khuẩn Salmonella, gây nhiễm độc toàn thân, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Người bệnh bị sốt cao kéo dài khoảng 2 tuần, sốt cao kèm đau quặn bụng, đầy hơi, chậm tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón,…
Người bệnh thương hàn cần được cấp cứu kịp thời để tránh các biến chứng xấu như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày,…
6. Cách phòng ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa
Dưới đây là những lời khuyên giúp phòng ngừa hiệu quả những bệnh lý lây qua đường tiêu hóa:
– Chú trọng vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng (trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thức ăn), hạn chế ra vào vùng đang có dịch,…
– Có ý thức vệ sinh môi trường, đảm bảo không gian sống sạch sẽ, không đại tiện bừa bãi,…
– Nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm: Tránh tập trung ăn uống đông người; ăn chín uống sôi; không ăn các thực phẩm tái/sống (tiết canh, gỏi, rau sống…), không uống nước lã; tránh các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, hàng quán vỉa hè;…
– Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đồng thời có ý thức bảo vệ nguồn nước.
Như vậy, bài viết đã gửi đến bạn đọc thông tin về các bệnh lây qua đường tiêu hóa thường gặp. Bạn hãy chú ý vệ sinh cá nhân – môi trường – thực phẩm để phòng tránh các bệnh lý kể trên, bảo vệ tốt nhất sức khỏe bản thân.