Viêm dây thần kinh số 5 (hay còn gọi là bệnh viêm dây thần kinh sinh ba). Đây là một bệnh lý thường gặp ở độ tuổi từ 50-60 tuổi trở lên, với tỷ lệ nữ gặp nhiều hơn nam. Đau dây thần kinh sọ số V rất dễ bị chẩn đoán nhầm nên không được điều trị kịp thời, làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện viêm dây thần kinh số 5
Vùng mặt là nơi thể hiện rõ nhất các triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh số 5. Cơn đau đột ngột và dữ dội xảy ra ở vùng mặt. Đau có thể khởi phát một cách tự nhiên. Nhưng trong một số trường hợp, cơn đau có thể xuất hiện sau khi người bệnh có những kích thích về cảm giác như sờ chạm vào mặt, nhai thức ăn, đánh răng, gió thổi vào mặt,…
Cơn đau được mô tả giống dạng điện giật hoặc như nghiền xé. Đau thường kèm theo sự co giật ở cơ mặt, vã mồ hôi, sổ mũi, chảy rớt rãi, hạn chế cử động cơ ở mặt khiến mặt có cảm giác bị đơ cứng.
Thời kỳ đầu, bệnh đau dây thần kinh số V có thể chỉ kéo dài một vài giây và rất nhẹ. Nhưng càng về sau, cơn đau càng kéo dài hơn, đau thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Thậm chí, người bệnh còn rất khó nói chuyện, ăn uống,… do cơn đau ngày càng nặng làm hạn chế cử động ở mặt và miệng.
Có những người từng chia sẻ, họ phải chịu đựng cơn đau dây thần kinh số 5 nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm liền. Cơn đau có thể xen kẽ với các thời kỳ không đau nên nhiều người vẫn cố chịu đựng.
Đau điển hình nhất là một bên mặt, ít khi bị cả hai bên. Đau tập trung ở các vùng mà dây thần kinh số 5 chi phối như: má, hàm, răng, lợi, môi, có thể đau lên cả mắt và trán.
2. Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh số 5
Viêm dây thần kinh số 5 có thể do vô căn (không rõ nguyên nhân) hay còn gọi là đau dây thần kinh 5 tiên phát. Trường hợp này chiếm đa số.
Ngoài ra, bệnh có thể do một số nguyên nhân sau đây gây ra:
– U góc cầu – tiểu não
– Zona thần kinh
– Xơ cứng rải rác của não
– Đái tháo đường
– Tổn thương bao myelin bảo vệ một số dây thần kinh
– Các tổn thương phẫu thuật
– Đột quỵ
– Chấn thương mặt
– Có khối u chèn ép dây thần kinh số V,…
Bệnh đau dây thần kinh V rất dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn với đau đầu migraine, tăng nhãn áp, viêm xoang, đau răng, viêm động mạch thái dương nông,…
Một số nghiên cứu khác cho rằng, nguyên nhân gây đau dây thần kinh sọ số V là do sự tiếp xúc giữa một mạch máu bình thường – động mạch hay tĩnh mạch – với dây thần kinh 5 tại nền não. Chính sự tiếp xúc này đã tạo áp lực lên dây thần kinh sọ số 5 và làm cho nó bị rối loạn, thậm chí mất đi chức năng.
Ngoài ra, viêm dây thần kinh sọ số 5 cũng có thể do tuổi tác hoặc có mối liên quan với các yếu tố kích hoạt. Tuy nhiên, vấn đề này mới dừng ở mức phỏng đoán khả năng có thể chứ chưa thể khẳng định chắc chắn được.
3. Mức độ phổ biến
Cơn đau không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh rất đáng kể. Nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, ngại giao tiếp, suy nhược cơ thể bởi cơn đau dai dẳng kéo dài đã gây cản trở hoạt động sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Đây là một bệnh lý thường gặp. Hiện có nhiều cách xử trí hiệu quả và nếu người bệnh được phát hiện sớm bệnh sẽ có tỷ lệ khỏi rất cao. Nhưng nếu để lâu, bệnh có thể biến chứng khiến hiệu quả điều trị kém hơn, rất dễ tái phát lại. Nhưng việc điều trị vẫn cải thiện đáng kể tình trạng viêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
4. Chẩn đoán và điều trị
4.1 Chẩn đoán viêm dây thần kinh số 5
Khám lâm sàng với bác sĩ Nội thần kinh để được kiểm tra và hỗ trợ chẩn đoán chính xác. Với các bài kiểm tra lâm sàng cơ bản như: sờ và thăm khám các vùng của mặt người bệnh để bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí đau. Nếu nghi ngờ đau dây thần kinh V thì sẽ xem xét xem đau nhánh nào của dây.
Sau đó là kiểm tra phản xạ trên cơ mặt của người bệnh, để xác định được các triệu chứng chèn ép thần kinh hay bệnh lý khác.
Khám cận lâm sàng gồm: chụp cộng hưởng từ vùng đầu. Nhằm xác định xem có xơ cứng rải rác ở não hay khối u gây chèn ép làm đau dây thần kinh hay không. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm chất màu vào động mạch và tĩnh mạch để nhìn rõ các mạch máu.
4.2 Điều trị viêm dây thần kinh số 5
Điều trị nội khoa
Đa số các bệnh nhân bị đau dây thần kinh số 5 được phát hiện sớm (giai đoạn đầu) đều đáp ứng với điều trị nội khoa (dùng thuốc). Một số thuốc dùng cho giảm đau hay để ngăn chặn các tín hiệu đau đi lên não gồm có thuốc chống co giật, chất chống co thắt, botox tiêm,…
Tuy nhiên, giống như phần lớn các trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh thì đau dây 5 không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường và đề kháng morphine.
Do đó, có tới khoảng 75% các trường hợp người bệnh nặng sẽ không còn thấy giảm đau sau khi dùng thuốc. Lúc này, các bác sĩ sẽ cân nhắc buộc phải điều trị ngoại khoa.
Điều trị ngoại khoa
Một số phương pháp can thiệp ngoại khoa được lựa chọn áp dụng cho bệnh nhân viêm dây thần kinh sọ số V, khi biện pháp điều trị nội khoa thất bại gồm có:
– Phá hủy hạch Gasser qua da bằng sóng cao tần.
-Cắt chọn lọc các rễ thần kinh sau hạch Gasser qua da bằng tiêm glycerol.
-Đưa qua da một bóng ép nhẹ lên hạch
-Giải áp vi mạch
-Phẫu thuật dao Gamma
-Tiêm cồn diệt hạch Gasser
Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, dựa trên tình trạng bệnh lý và tình hình sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, điều trị nội khoa vẫn ưu tiên được sử dụng. Người bệnh cần phát hiện sớm, đi thăm khám kịp thời để hiệu quả điều trị đạt mức độ cao.