Thoát vị đĩa đệm ở hông không chỉ gây đau nhức, khó chịu, mà còn có thể gây yếu, liệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các biểu hiện thoát vị đĩa đệm ở hông, nguyên nhân và cách điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về thoát vị đĩa đệm ở hông và nguyên nhân
1.1 Thoát vị đĩa đệm ở hông là gì?
Thoát vị đĩa đệm ở hông thực chất là tình trạng/bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng, có/không chèn ép rễ thần kinh.
Điều này xảy ra do lớp vòng sợi bên ngoài đĩa đệm mất khả năng giãn hoặc bị rạn rách (rách vòng xơ), khiến cho lớp nhân nhầy bên trong khớp thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh.
1.2 Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây thoát vị hông, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân phổ biến như sau:
– Tuổi tác: sự thoái hóa dần theo tuổi tác khiến đĩa đệm dễ bị thoát vị hơn.
– Bệnh lý bẩm sinh, di truyền: người mắc các bệnh lý bẩm sinh ở cột sống như dị dạng cột sống hay yếu tố di truyền, yếu tố miễn dịch và chuyển hóa thường có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao hơn người không gặp các vấn đề này.
– Chấn thương
– Tư thế sinh hoạt, làm việc sai cách: sinh hoạt và làm việc không đúng tư thế, mang vác vật nặng quá sức, ngồi ì một chỗ và/hoặc một tư thế quá lâu.
2. Biểu hiện thoát vị đĩa đệm ở hông
2.1 Biểu hiện chung
Cơn đau thường dọc theo dây thần kinh tọa (đau vùng thắt lưng hông), sau đó có thể kéo dài từ hông xuống đùi, cẳng chân, bàn chân. Đau có thể kèm theo biểu hiện tê cứng (tê bì) vùng lưng và chân, đau dữ dội, không thể cử động.
2.2 Biểu hiện cụ thể
Cơn đau bắt đầu ở vùng thắt lưng hông, đau đột ngột hoặc sau vài ngày, vài tuần lan theo rễ thần kinh. Cơn đau khiến người bệnh không dám vận động mạnh. Đau thường tăng lên khi người bệnh làm việc nặng, ho, hắt hơi, sổ mũi và đau giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.
Qua thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu chèn ép rễ hoặc căng rễ thần kinh như đau lan xuống chi dưới, yếu vận động chi dưới, tê bì, giảm phản xạ gân xương.
Hội chứng chùm đuôi ngựa: Người bệnh xuất hiện triệu chứng rối loạn cơ vòng (ứ đọng nước tiểu, đại tiểu tiện không tự chủ, giảm trương lực cơ vòng hậu môn). Mất cảm giác vùng vùng đáy chậu và thường bị liệt bàng quang. Yếu hai chi dưới. Đau thắt lưng và/hoặc đau thần kinh tọa. Mất phản xạ gân gót hai bên. Rối loạn chức năng tình dục (thường gặp ở bệnh nhân có tình trạng hẹp ống sống, dị tật tủy bám thấp,…)
3. Biến chứng
Thoát vị đĩa đệm hông có thể gây đau đột ngột, nhưng tình trạng này thường là hậu quả của một quá trình diễn ra trong nhiều tháng, nhiều năm.
Nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời hiệu quả, bệnh rất dễ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như đại tiểu tiện không tự chủ, teo dần các chi, mất khả năng đi lại, tàn phế suốt đời.
4. Chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm hông
4.1 Các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng
Các phương pháp cận lâm sàng được sử dụng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gồm: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính MSCT, điện cơ.
Chụp X quang
Chụp X quang tư thế cúi ngửa tối đa giúp phát hiện những bất thường bẩm sinh và hình ảnh thoái hóa.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Cho hình ảnh rõ nét, độ chính xác tương đối cao, tái tạo hình ảnh dưới dạng 3D, không xâm lấn, không bị nhiễm xạ, có thể đánh giá được cả mô mềm (chụp được cả tủy sống là phần mềm nằm bên trong ống sống).
Chụp cắt lớp vi tính MSCT
Chụp cắt lớp vi tính vùng cột sống lưng có thể phát hiện phần lớn các bệnh lý ở cột sống. Trong đó, dấu hiệu thoát vị đĩa đệm gợi ý gồm có mất lớp mỡ ngoài màng cứng, mất độ lồi bình thường của bao rễ. Trên phim chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể thấy được hình ảnh mô mềm, hình ảnh xương rất rõ, không xâm lấn. Có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Điện cơ
Xét nghiệm điện cơ có giá trị hữu ích cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lý khác không phải thoát vị đĩa đệm cột sống như bệnh lý thần kinh, bệnh lý cơ, bệnh lý tủy, bệnh lý rễ thần kinh,…
4.2 Điều trị
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, kết hợp với nằm nghỉ ngơi tại giường, thay đổi hoạt động, tập thể dục vừa sức là biện pháp được ưu tiên sử dụng nhằm bảo tồn vùng cột sống cho người bị thoát vị đĩa đệm ở hông.
Thuốc: thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ và một số thuốc để điều trị nguyên nhân. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua hay lạm dụng thuốc.
Nằm nghỉ ngơi tại giường: người bệnh không nên nằm nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường, nên thỉnh thoảng vận động đi lại. Nếu đau nhiều như trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau rễ thần kinh nhiều thì nên nằm nghỉ ngơi, và vẫn nên dành thời gian để đi lại vận động cho các khớp được linh hoạt.
– Tạm thời người bệnh nên hạn chế khuân vác đồ vật nặng, hạn chế ngồi lâu một chỗ, hạn chế cúi ngửa hoặc vặn vẹo cột sống thắt lưng.
– Tập thể dục: nên tập thể dục nhẹ nhàng để giúp cơ thể giảm suy nhược, ban đầu vùng thắt lưng cần vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội,… sau đó khi tình trạng dần ổn định rồi mới tăng dần mức độ tập, như vậy sẽ tốt hơn cho người bệnh. Tránh tập mạnh khi cơn đau diễn ra.
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Nếu điều trị bằng phương pháp bảo tồn (nội khoa) không hiệu quả: thông thường các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm hông cấp sẽ cải thiện với điều trị nội khoa trong trung bình 6 tuần. Nếu điều trị nội khoa trung bình 5-8 tuần mà vẫn không hiệu quả thì sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật cấp cứu được chỉ định khi:
– Người bệnh có hội chứng chùm đuôi ngựa
– Yếu liệt cấp hoặc đang tiến triển cần phải phẫu thuật giải áp sớm.
– Bệnh nhân không kiên nhẫn điều trị nội khoa.
Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng hiện nay gồm: phẫu thuật qua ống sống, phẫu thuật trong đĩa đệm.