Chụp cắt lớp vi tính CT Scan là gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Cho đến nay, qua thực tế ứng dụng, chụp cắt lớp vi tính đã và đang khẳng định được vai trò của nó trong công cuộc chăm sóc sức khỏe con người. Kĩ thuật này cho phép bác sĩ chẩn đoán các vấn đề bên trong cơ thể mà không cần giải phẫu. Hãy cùng TCI theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm về phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến này.

1. Chụp cắt lớp vi tính là gì?

1.1. Định nghĩa

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) là một kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt sử dụng tia X. Kĩ thuật này cho ra những hình ảnh chi tiết của các cơ quan bên trong cơ thể mà không cần can thiệp xâm lấn. Đặc biệt, phương pháp này cho hình ảnh mô mềm trong cơ thể tốt hơn chụp x-quang.

Hiện nay chụp CT được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến và được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế khác nhau.

1.2. Vai trò của chụp cắt lớp vi tính

Chụp CT có thể được sử dụng để khảo sát bất kì bộ phận nào của cơ thể. Ảnh chụp CT có thể hiển thị các mô mềm, mạch máu, dây thần kinh và xương ở các bộ phận khác nhau như đầu, vai, xương sống, tim, bụng, đầu gối, ngực… So với chụp X-quang, CT Scan là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và toàn diện hơn.

Ứng dụng phổ biến nhất của chụp CT là chụp sọ não để xác định nguyên nhân đột quỵ hoặc đánh giá chấn thương sọ não nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số ứng dụng khác có thể kể đến:

– Phát hiện những bất thường trong cơ thể như khối u, áp xe, bất thường mạch máu khi người bệnh có các triệu chứng hoặc xét nghiệm nghi ngờ.

– Cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết trước khi tiến hành phẫu thuật.

– Xác định vị trí khối u trước khi tiến hành xạ trị.

– Xác định vị trí sinh thiết.

chụp cắt lớp vi tính

Bạn cần tuân thủ hướng dẫn của kĩ thuật viên để quá trình chụp diễn ra hiệu quả.

2. Quá trình chụp CT

2.1. Chụp cắt lớp vi tính diễn ra như thế nào?

Khi thực hiện chụp CT, bạn sẽ được yêu cầu tháo đồ trang sức, phụ kiện kim loại bao gồm cả kính và răng giả. Việc này giúp cho kết quả chụp CT đạt kết quả chính xác nhất.

Bạn sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn máy chụp và trượt dần vào trung tâm máy cho đến khi bộ phận cơ thể cần thực hiện chụp nằm hoàn toàn trong máy. Hệ thống x-quang sẽ từ từ quay xung quanh bạn. Trong quá trình này, các tia X đi xuyên qua cơ thể bạn. Thông tin được thu nhận bởi các đầu dò cung cấp dữ liệu cho máy vi tính. Các loại mô với mức độ dày đặc khác nhau sẽ được hiển thị bằng hình ảnh trên máy tính với sắc độ xám khác nhau. Kết thúc chu trình này, những hình ảnh lát cắt mỏng của một bộ phận trong cơ thể được tạo ra một cách hiệu quả và chi tiết.

Trong quá trình thực hiện chụp CT, bạn có thể nghe thấy tiếng lách cách, ồn ào khi quét chụp.

2.2. Lưu ý trước khi thực hiện

Thông thường, không cần chuẩn bị quá nhiều trước khi chụp CT. Những công tác chuẩn bị này phụ thuộc vào bộ phận cơ thể cần chụp. Bạn sẽ được hướng dẫn kĩ càng ở khoa chẩn đoán hình ảnh trước khi thực hiện.

Theo nguyên tắc chung, bạn cần bỏ các vật dụng kim loại như trang sức, kẹp tóc,… Tốt nhất, bạn không nên mặc quần áo có dây kéo hoặc khóa kim loại. Tùy thuộc vào bộ phận cần chụp, bạn có thể phải nhịn ăn uống vài giờ. Trong trường hợp cần tiêm thuốc cản quang, bạn có thể phải tạm ngưng sử dụng một số loại thuốc trước khi chụp. Ví dụ như metformin – thuốc dùng cho bệnh nhân tiểu đường. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn kĩ càng.

Tùy theo bộ phận cơ thể cần chụp CT, bạn cần thực hiện thêm một số thao tác sau đây để tăng mức độ cản quang của một số mô khác nhau. Từ đó tạo độ tương phản tốt hơn giữa các mô và cơ quan trong cơ thể trên hình chụp.

– Với chụp bụng và vùng chậu: Bạn cần uống những thức uống đặc biệt để giúp dạ dày và ruột được thấy rõ hơn.

– Với chụp vùng chậu: Bác sĩ có thể bơm một lượng dịch vào trực tràng của bạn thông qua hậu môn.

– Với chụp vùng chậu cho phụ nữ: Bạn có thể được chỉ định đặt tampon vào âm đạo.

– Trong một vài trường hợp, bạn sẽ được tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch cánh tay. Thuốc cản quang sẽ gây cảm giác nóng bừng và vị lạ trong miệng. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Chụp CT là kĩ thuận không xâm lấn và không gây đau đớn. Bạn không thể nhìn hoặc cảm thấy tia X. Ngoài ra, bạn cần nằm yên để hình chụp không bị mờ. Thời gian chụp có thể kéo dài từ 5-30 phút tùy bộ phận.

Đối với phụ nữ mang thai, nếu không thực sự cần thiết thì không nên thực hiện chụp CT vì có nguy cơ nhỏ tia X sẽ gây bất thường thai nhi.

chụp cắt lớp vi tính

Chụp CT giúp phát hiện nhiều vấn đề bất thường và bệnh lý tiềm ẩn.

2.2. Lưu ý sau khi thực hiện

Biến chứng sau chụp CT là rất hiếm. Một số ít trường hợp có hiện tượng dị ứng thuốc cản quang và sẽ được điều trị ngay lập tức. Thuốc cản quang có thể gây ra tổn thương ở thận nhưng rất hiếm gặp. Phần lớn bất thường xảy ra ở những bệnh nhân đã có sẵn bệnh lý thận.

Ngay sau khi thực hiện chụp CT, bạn có thể quay trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên nếu có sử dụng thuốc an thần khi chụp, bạn cần có người đồng hành về nhà. Đặc biệt lưu ý không lái xe cho đến khi thuốc an thần hết tác dụng.

chụp cắt lớp vi tính

Thu Cúc TCI được trang bị đầy đủ máy móc tiên tiến, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đa dạng bệnh lý.

Nếu bạn đang băn khoăn không biết chụp CT ở đâu uy tín thì Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI chính là một sự lựa chọn dành cho bạn. Thu Cúc TCI trang bị máy chụp CT đa dãy giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, đội ngũ kĩ thuật viên chuyên môn cao sẽ giúp trải nghiệm thăm khám của bạn đơn giản và dễ dàng hơn. Trên đây là những thông tin về chụp CT Scan. Nếu bạn đang nghi ngờ hay có vấn đề sức khỏe, đừng ngần ngại đi thăm khám ngay để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sớm nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital