Bị nấm âm đạo khi mang thai chiếm tỉ lệ khoảng 10 – 20% ở thai phụ, bệnh lý phụ khoa này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Viêm nấm âm đạo trong thời gian mang bầu không chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở vùng kín mà còn khiến mẹ lo lắng cho sức khỏe thai kỳ cũng như sự phát triển của em bé. Vậy có biện pháp nào để điều trị nấm âm đạo mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi?
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây nấm âm đạo trong thời kỳ mang thai
Bệnh nấm âm đạo là tình trạng số lượng vi khuẩn nấm men phát triển vượt mức do sự mất cân bằng tính acid trong môi trường âm đạo. Nấm âm đạo xâm nhập sẽ khiến cho dịch tiết âm đạo (khí hư) tiết nhiều hơn bình thường, có màu trắng đục, đặc quánh như bã đậu, đôi khi có lẫn chút máu do bị sung huyết. Đi kèm đó là tình trạng ngứa ngáy, sưng mẩn, nóng rát ở vùng kín
Hiện tượng nhiễm nấm âm đạo thực chất là bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở nữ giới, trong đó, các bà bầu là đối tượng có nguy cơ dễ mắc nấm phụ khoa cao hơn cả do nồng độ hormone estrogen trong thai kỳ tăng cao, đồng thời những thay đổi về cơ thể cũng khiến cho môi trường âm đạo không được cân bằng như trước, độ ẩm tăng cao cũng tạo điều kiện để vi khuẩn nấm men phát triển.
Nấm candida là loại vi khuẩn nấm men phổ biến nhất và là tác nhân gây nên bệnh nấm âm đạo ở phụ nữ nói chung và bà bầu nói riêng. Nếu độ pH trong âm đạo cân bằng và ổn định, nấm Candida hoàn toàn vô hại, tuy nhiên chúng không bị tiêu diệt mà vẫn tồn tại song song trong cơ thể. Khi nội tiết thay đổi, độ pH ở vùng âm đạo cũng biến đổi theo, nấm candida sẽ sinh sôi và phát triển mạnh mẽ hơn, gây nên hiện tượng viêm nhiễm.
Nữ giới từng có tiền sử mắc nấm Candida âm đạo thì khả năng tái phát khi mang bầu khá cao. Để điều trị triệu chứng thì không quá khó khăn, nhưng để triệt tiêu hoàn toàn vi khuẩn nấm trong âm đạo thì không phải điều dễ dàng.
Mẹ bầu nên lưu ý những dấu hiệu của bệnh nấm âm đạo sau đây:
– Sưng tấy, ngứa rát đi kèm cảm giác nóng ran ở âm hộ và xung quanh khu vực âm hộ
– Xuất hiện khí hư có màu trắng ngà hoặc giống bã đậu, có thể có thêm mùi hôi khó chịu
– Một số trường hợp khí hư có lẫn máu nâu do âm đạo bị sung huyết
2. Mắc nấm vùng kín khi mang thai có ảnh hưởng gì tới thai nhi?
Các bệnh nhiễm trùng đều có thể gây ảnh hưởng ít nhiều tới thai nhi ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác thai nhi bị ảnh hưởng như thế nào và mức độ có nghiêm trọng không là điều rất khó phán đoán. Viêm nhiễm âm đạo do nấm có thể tác động và gây ảnh hưởng đến thai nhi theo các cách sau:
– Ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe và đời sống hàng ngày của mẹ, khiến cơ thể mẹ luôn trong tình trạng mệt mỏi, lo lắng. Bên cạnh đó việc sử dụng các loại thuốc để điều trị tình trạng nấm âm đạo cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
– Mẹ bị viêm âm đạo do nấm có thể bị kích thích chuyển dạ sớm hoặc thai nhi bị sinh non.
– Gây tác động trực tiếp cho thai nhi qua quá trình mẹ chuyển dạ như: nhiễm trùng phổi và mắt, viêm niêm mạc miệng, viêm da, tưa lưỡi. Ngoài ra trẻ còn đối diện với nguy cơ suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc suy giảm miễn dịch sau khi chào đời.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng và rủi ro này hoàn toàn có thể điều trị và phòng ngừa được nếu như được theo dõi tích cực và có phương pháp chữa trị kịp thời.
3. Điều trị và phòng tránh nấm âm đạo dành cho mẹ bầu để không ảnh hưởng thai nhi
3.1 Biện pháp điều trị bị nấm âm đạo khi mang thai
Với sự phát triển của khoa học hiện đại, không khó để có biện pháp điều trị nấm âm đạo khi mang thai. Cách phổ biến nhất là sử dụng thuốc bôi tại khu vực bị nhiễm nấm, đây là phương pháp được chứng minh hiệu quả và an toàn cho cả mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể có thể kể đến là kem bôi Clotrimaxol 2%.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng nhiễm nấm của mẹ nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp thuốc kháng nấm đường uống như fluconazole (chống chỉ định ở 3 tháng đầu), có thể sử dụng từ tháng thứ 4 thai kỳ hoặc trong thời gian cho con bú.
Ngoài ra, để việc điều trị nấm âm đạo hiệu quả, không bị tái phát, mẹ nên lưu ý một số điều sau:
– Giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh vùng âm đạo để tránh cho vi khuẩn nấm có cơ hội xâm nhập.
– Không sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có độ pH cao, cũng như các loại giấy vệ sinh thô ráp dễ gây kích ứng da.
– Đồ dùng cá nhân, nhất là đồ lót phải luôn được giặt sạch hoặc tiệt trùng sấy khô, thay mới đồ lót định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần.
– Nếu mẹ gặp khó khăn trong việc tiểu tiện như tiểu buốt, đau rát, mẹ hãy vệ sinh vùng kín bằng nước nóng để trung hòa axit có trong nước tiểu.
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Uống nhiều nước ấm, ăn sữa chua, bổ sung đa dạng các loại rau xanh để tăng cường hệ miễn dịch, đẩy lùi nguy cơ phát triển của vi khuẩn nấm.
3.2 Biện pháp phòng ngừa bị nấm âm đạo khi mang thai
– Mẹ nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều tinh bột và đường hoặc các thực phẩm chế biến sẵn.
– Hạn chế ngâm mình hoặc tắm bồn mà nên tắm trực tiếp dưới vòi hoa sen
– Trong trường hợp mẹ gặp khó chịu vì ngứa ngáy, hãy pha một ít dung dịch carbonate soda hoặc dấm và ngâm vùng kín một lúc trong hỗn hợp trên, điều này sẽ khiến bạn dễ chịu hơn.
– Sau khi tắm hoặc đi bơi ở những nơi công cộng, mẹ hãy lau khô vùng kín trước khi mặc quần áo
– Không sử dụng thuốc xịt âm đạo hoặc các loại chất khử mùi vùng kín, hạn chế việc thụt rửa quá sâu làm tổn thương vùng kín.
– Không sinh hoạt tình dục trong thời gian điều trị nấm âm đạo vì việc quan hệ sẽ khiến mẹ bị đau rát, kích ứng và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm nấm cho bạn tình.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết vừa cung cấp, các mẹ sẽ có cho mình biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm nấm âm đạo phù hợp để tránh lây nhiễm cho em bé và có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Trong trường hợp mẹ mắc nấm âm đạo, tuyệt đối không nên tự điều trị mua thuốc tại nhà mà nên tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu mẹ còn có bất kì thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ tới tổng đài tư vấn của Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để nhận tư vấn miễn phí cũng như đặt lịch khám phụ khoa cùng chuyên gia.