Hẹp van tim hai lá là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý van tim. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây phù phổi cấp, suy tim trái, rung nhĩ rất nguy hiểm. Bởi vậy, nhiều người bệnh cảm thấy lo lắng và không biết phải làm sao khi bị hẹp van tim hai lá. Hãy tìm hiểu thông tin về bệnh hẹp van hai lá và cách điều trị trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh hẹp van tim hai lá
1.1 Hẹp van tim hai lá là bệnh gì?
Tim người gồm có 4 buồng: 2 buồng tim phía trên được gọi là buồng nhĩ, 2 buồng tim dưới là buồng thất. Buồng thất nhận máu từ buồng nhĩ và bơm máu sang phổi và động mạch chủ..
Quá trình nhận và bơm máu của các buồng tim được diễn ra theo một chiều là nhờ sự điều khiển của hệ thống van tim bao gồm: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi.
Trong đó, van hai lá là van nằm giữa nhĩ trái và thất trái. Van này mở ra khi dòng máu từ nhĩ trái được bơm xuống thất trái và đóng lại để ngăn dòng máu chảy ngược về nhĩ trái.
Hẹp van tim hai lá là bất thường ở van tim liên quan đến việc van tim không thể mở ra hoàn toàn trong thời kỳ tâm trương, khi nhĩ trái tống máu xuống thất trái. Bình thường diện tích lỗ van hai lá là 4 – 6 cm2. Khi diện tích lỗ van < 2.5 cm2, dòng máu qua van hai lá bị cản trở, dẫn đến chênh áp giữa nhĩ trái và thất trái trong thì tâm trương.
Điều này khiến lưu lượng máu đến thất trái giảm, khiến quá trình bơm máu giữa các buồng tim và hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể đều bị ảnh hưởng.
1.2 Hẹp van tim hai lá có nguy hiểm không?
Van hai lá không mở hết khiến máu ứ lại tại nhĩ trái, làm máu ứ lại phổi, làm tăng áp phổi, gây suy tim. Bệnh nhân hẹp van hai lá thường có biểu hiện khó thở trên lâm sàng giống như suy tim trái nhưng thực chất là suy tim phải.
Biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh hẹp van hai lá là phù phổi cấp. Hiện tượng này thường xảy ra khi gắng sức, mang thai, nhiễm trùng, truyền dịch nhiều… Khó thở dữ dội, vật vã, kích thích, trào bọt hồng,… là những dấu hiệu rõ nét cho thấy bạn đã bị phù phổi cấp. Các trường hợp này cần được cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Các biến chứng khác có thể gặp ở bệnh nhân hẹp van hai lá gồm suy tim phải, rung nhĩ. Các biến chứng này gây nguy cơ tắc mạch, nhồi máu não rất cao, cần được phát hiện và điều trị sớm.
Bệnh hẹp van tim hai lá chia thành nhiều cấp độ khác nhau tùy vào khả năng mở của van tim. Cụ thể như sau:
– Hẹp van hai lá nhẹ: diện tích mở van > 1,5 cm2
– Hẹp van hai lá vừa: diện tích mở van 1 – 1,5 cm2
– Hẹp van hai lá nặng: diện tích mở van < 1 cm2
Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào mức độ hẹp của van và thời điểm phát hiện bệnh. Vì thế, bạn cần thường xuyên đi khám tim mạch để phát hiện sớm bất thường này và điều trị kịp thời.
2. Mắc bệnh hẹp van hai lá phải làm sao?
2.1 Điều trị cho bệnh nhân bị hẹp van tim hai lá nhẹ
Khi được chẩn đoán hẹp van hai lá, tùy vào tình trạng cụ thể của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, người bệnh bị hẹp van hai lá nhẹ hoặc chưa có triệu chứng thường không cần điều trị. Bạn vẫn có thể sống chung với bệnh, chỉ cần thay đổi lối sống và duy trì kiểm tra định kỳ.
Cụ thể, các biện pháp cân bằng lối sống gồm:
– Ăn hạn chế muối, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn, dưa cà muối,…
– Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo như mỡ động vật, đồ chiên rán…
– Sử dụng các loại thịt gia cầm bỏ da, dầu thực vật…
– Hạn chế rượu, cafein và các đồ uống chứa chất kích thích khác
– Bổ sung các thực phẩm tốt cho tim như cá, rau củ quả tươi, các loại hạt,…
2.2 Điều trị cho bệnh nhân bị hẹp van tim hai lá vừa và nặng
Trong trường hợp hẹp van hai lá nặng, các triệu chứng xuất hiện thường xuyên với mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được điều trị nội khoa hay can thiệp phẫu thuật. Mục đích của việc điều trị lúc này là làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa sự hình thành huyết khối và giảm nguy cơ đột quỵ.
– Điều trị hẹp van vừa
Tuy thuốc điều trị không thể giải quyết những khiếm khuyết hoặc tổn thương về cấu trúc van tim nhưng một số loại thuốc vẫn có tác dụng làm giảm triệu chứng và ngăn biến chứng của bệnh hẹp van hai lá như: thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống loạn nhịp, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh…
Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo, không áp dụng chung có tất cả các trường hợp bệnh nhân, vì vậy cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa tùy vào tình trạng của từng người bệnh. Bạn nên chủ động thăm khám tim mạch để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê đơn.
– Điều trị hẹp van nặng
Nếu việc điều trị nội khoa không có tác dụng, bệnh nhân không thể điều trị bằng thuốc, hoặc khi van tim hẹp quá nặng gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim và cơ thể, một số biện pháp khác có thể được áp dụng nhằm tác động vào cấu trúc, khôi phục hoạt động của van tim.
Tóm lại, khi bị hẹp van tim hai lá, bạn cần thực hiện một lối sống lành mạnh, tuân thủ nghiêm chỉnh phác đồ điều trị của bác sĩ mới mong bệnh có thể cải thiện. Trong quá trình điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện bất cứ bất thường nào để được tư vấn và điều chỉnh phác đồ phù hợp.