Các bệnh lý xương khớp thường tiến triển âm thầm và diễn ra trong thời gian dài, người bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu và chữa trị không đúng cách khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng. Dưới đây là một vài lời khuyên của chuyên gia về cách phòng và chữa bệnh xương khớp bạn đọc nên tham khảo.
Menu xem nhanh:
1. Điều chỉnh các tư thế và thói quen sinh hoạt hằng ngày
Tư thế sai, chẳng hạn như ngồi lâu, chùng lưng khi ngồi làm việc, cúi gập cổ bấm điện thoại, nằm sấp… là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh về cơ xương khớp, đặc biệt với người trẻ. Tuy nhiên rất ít người quan tâm cải thiện tình trạng này mà thường duy trì các tư thế theo thói quen hàng ngày của mình khiến các bệnh lý xương khớp tiến triển âm thầm dần dần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh cơ xương khớp, các chuyên gia cơ xương khớp khuyên mọi người không nên đứng hay ngồi cùng một tư thế quá lâu, không mang vác vật quá nặng hay nằm ngủ trên bề mặt hình võng hoặc quá mềm. Tăng cường tập thể dục thể thao với cường độ phù hợp, đều đặn để gia tăng sức bền cơ bắp và phòng tránh xơ cứng khớp.
2. Chú ý các biểu hiện lạ của cơ thể
Đa số bệnh nhân đi khám khi bị các cơn đau hành hạ đến nỗi không thể chịu đựng nổi. Lúc này bệnh thường ở giai đoạn nặng, việc điều trị không còn dễ dàng. Vì thế các chuyên gia khuyên mọi người nếu cơ thể có những biểu hiện khác thường, kể cả khi nghe âm thanh “rắc rắc” phát ra từ xương khớp, cần đến bệnh viện kiểm tra tầm soát chính xác về bệnh trạng để được chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng cần được chú trọng để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh chữa trị kịp thời.
3. Chọn phương pháp điều trị phù hợp
Các chuyên gia lưu ý người mắc bệnh xương khớp giai đoạn đầu thường tự ý sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm… nhằm chữa trị các cơn đau và ngừng thuốc khi không còn thấy đau. Thói quen này có thể dẫn đến nhiều hệ quả và biến chứng vì thuốc chỉ làm giảm triệu chứng mà không loại bỏ triệt để nguyên nhân gây bệnh.Vì vậy bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không bỏ ngang việc điều trị khi thấy bệnh vừa thuyên giảm.
4. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng và các bài tập bổ sung
Đối với bệnh nhân xương khớp, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị. Một số loại thực phẩm có thể giúp quá trình hồi phục tốt hơn, ngược lại một số thức ăn khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân xương khớp được khuyên nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, các loại gia vị có tính ấm như hành, tỏi, gừng và các loại ngũ cốc. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo vì có thể làm gia tăng phản ứng viêm, gây đau nhức dữ dội.
Bên cạnh các phương pháp được bác sĩ đề nghị trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên áp dụng thêm một số bài tập bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên có chuyên môn.