Xơ gan là bệnh mạn tính được đặc trưng bởi tình trạng mô gan bị thay thế bằng mô xơ sẹo dẫn đến suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Bệnh gồm 4 giai đoạn, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp tăng khả năng điều trị thành công. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm bệnh lý nguy hiểm này và cách phòng tránh ra sao, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Xơ gan có những giai đoạn nào?
Bệnh xơ gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương do sự tấn công của các tác nhân gây hại trong thời gian dài, hình thành các mô sẹo. Các mô này không phục hồi được, khiến gan chai cứng dần và cản trở hoạt động của gan. Các mô sẹo xuất hiện ngày càng nhiều, dòng máu lưu thông qua gan bị ngăn chặn, làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: dịch cơ thể tăng cao, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng, bệnh não gan, nguy cơ phát triển thành ung thư gan,…
Bệnh gồm 4 giai đoạn như sau:
1.1. Giai đoạn 1
Gan có bắt đầu bị viêm và xơ nhẹ nhưng không có dấu hiệu rõ ràng. Ở giai đoạn này, người bệnh rất khó nhận biết vấn đề gì đang xảy ra tại gan. Chức năng gan thay đổi ít do gan chưa bị tổn thương nhiều. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thiếu năng lượng.
Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách ngay từ giai đoạn 1, gan có thể phục hồi hoàn toàn.
1.2. Giai đoạn 2 của bệnh xơ gan
Các mô xơ hóa xuất hiện nhiều hơn, tế bào gan lành dần bị thay thế bởi các mô sẹo. Các tế bào gan ở giai đoạn này bị tổn thương nhiều hơn, chức năng gan bắt đầu suy giảm.
Người bệnh có triệu chứng rõ ràng hơn ở giai đoạn 1, bao gồm mệt mỏi, sút cân, lười vận động,… Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh sẽ làm tăng cơ hội điều trị thành công.
1.3. Giai đoạn 3
Hiện tượng cổ trướng xuất hiện ở giai đoạn này. Gan bị tổn thương nặng, xơ hóa nhiều khiến lượng dịch trong ổ bụng tăng nhanh. Ở giai đoạn này của bệnh xơ gan, gan không thể trở lại bình thường. Hướng điều trị được đề xuất là thực hiện ghép gan.
Người bệnh có các biểu hiện đáng chú ý gồm: vàng da, nhợt nhạt, mệt mỏi; ăn không ngon, sụt cân nhanh; viêm da, Eczema; tăng giảm đường huyết thất thường; phù chân và mắt cá chân;…
1.4. Giai đoạn 4
Đây chính là giai đoạn cuối của bệnh, việc điều trị và khắc phục biến gặp nhiều khó khăn. Lúc này gan gần như bị tổn thương hoàn toàn, số ít tế bào gan khỏe còn lại phải hoạt động bù phần gan xơ dẫn đến suy gan.
Người bệnh có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa,… Ngoài các triệu chứng như ở giai đoạn 3, người bệnh còn có biểu hiện: tinh thần mệt mỏi, lòng bàn tay son, rất buồn ngủ, sốt cao, suy thận, viêm màng bụng,…
Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn khi đã tiến triển đến giai đoạn 4. Người bệnh được chỉ định các biện pháp hỗ trợ để giảm các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất bao gồm:
– Bệnh viêm gan virus (nhất là viêm gan siêu vi B, C).
– Ký sinh trùng: Lỵ amip, ký sinh trùng sốt rét, sán lá gan… là các ký sinh trùng làm tổn thương tế bào gan thường gặp.
– Ứ đọng máu kéo dài: Lưu lượng máu bị giảm do các bệnh lý như suy tim, viêm tắc tĩnh mạch trên…
– Bẩm sinh bị teo ống dẫn mật, không có ống dẫn mật gây ứ mật trong gan, khiến tế bào gan bị tổn thương
– Ứ mật: Do viêm ruột, viêm ống dẫn mật,…
– Lạm dụng rượu: Các chất độc trong rượu làm tổn hại tế bào gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính, sau đó chuyển thành xơ gan. Bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài, có khi lên đến hàng chục năm sau khi nghiện rượu.
– Lối sống không lành mạnh: Ăn uống không lành mạnh (sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất đạm…) và ít vận động dẫn đến thừa cân, gan nhiễm mỡ; hút thuốc lá, lạm dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan; thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại;…
3. Bệnh xơ gan nguy hiểm ra sao?
Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm cho gan và nhiều cơ quan khác, đe dọa đến tính mạng:
– Khiến tĩnh mạch ở thực quản bị giãn to, có nguy cơ bị vỡ gây xuất huyết tiêu hóa.
– Suy gan dẫn đến bệnh não gan (còn gọi là hôn mê gan), gan không thực hiện được chức năng thải lọc các độc chất trong cơ thể. Điều này khiến người bệnh ngủ gà ngủ gật, không tỉnh táo, lơ mơ mất ý thức, tay chân run rẩy.
– Nước trong ổ bụng bị nhiễm trùng gây căng chướng, đau bụng, sốt.
– Tình trạng xơ hóa kéo dài làm xuất hiện các khối u trên gan, có thể biến chứng ung thư.
4. Cách phát hiện sớm bệnh xơ gan
4.1. Phát hiện qua triệu chứng cảnh báo
Khả năng bù trừ của gan rất tốt. Phần gan lành sẽ đảm nhận chức năng của phần gan bị tổn hại và chai cứng. Biểu hiện của bệnh chỉ rõ ràng cho đến khi gan bị chai cứng trên 75%.
Giai đoạn đầu của bệnh thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Người bệnh chỉ có một số biểu hiện như: ăn không ngon; mệt mỏi, sụt cân; đầy bụng, khó tiêu; một số người có biểu hiện giảm ham muốn tình dục;…
Khi bệnh tiến triển, bắt đầu có dấu hiệu suy gan, người bệnh có thể có các biểu hiện như:
– Ngứa da, da sậm màu.
– Có nhiều nốt giãn mạch màu đỏ (nốt sao mạch) trên da ngực, lưng, cổ, mặt, cánh tay.
– Bàn tay son: lòng bàn tay đỏ rực lên.
– Nước tiểu sẫm màu.
– Dễ bị chảy máu mũi, máu răng.
– Khi va chạm da dễ bị bầm hơn.
– Người bệnh bắt đầu nhận thấy triệu chứng vàng da, vàng mắt.
Ở giai đoạn nặng của bệnh xơ gan, khi gan không còn khả năng bù trừ, các triệu chứng thường gặp là: vàng da, vàng mắt, bụng to, tràn dịch màng bụng (màng bụng có nước),…
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các vấn đề về sự tập trung hay trí nhớ, không còn kinh nguyệt (ở phụ nữ), mất khả năng quan hệ tình dục ở nam giới (bắt đầu từ việc ngực phát triển và chảy).
Tuy nhiên cần lưu ý rằng người bệnh chai gan có thể không gặp toàn bộ các triệu chứng kể trên. Đồng thời một số biểu hiện có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác.
4.2. Chủ động thăm khám giúp phát hiện sớm bệnh xơ gan
Để phát hiện sớm tình trạng xơ hóa và các bệnh lý về gan nói chung, cách tốt nhất là thăm khám gan mật định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử sức khỏe và chỉ định các kiểm tra như:
– Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI để xác định gan có bị tổn thương hay không.
– Sinh thiết gan: Mẫu mô ở gan sẽ được sinh thiết và làm các xét nghiệm mô bệnh học, chẩn đoán tình trạng gan với độ tin cậy rất cao.
5. Điều trị xơ gan
Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng tổn thương của gan và nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu điều trị là làm chậm quá trình xơ hóa, giảm triệu chứng, giảm thiểu tối đa tổn thương tại gan và ngăn ngừa các biến chứng.
Ở giai đoạn sớm của bệnh, căn cứ vào nguyên nhân và tình trạng của từng người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các hướng điều trị:
– Điều trị bệnh xơ gan do rượu: Ngừng uống rượu, thực hiện liệu trình cai rượu.
– Điều trị gan nhiễm mỡ: Giảm cân, kiểm soát lượng đường huyết.
– Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh viêm gan, ngăn ngừa quá trình tổn thương tế bào gan do virus viêm gan B, C,…
– Sử dụng một số loại thuốc kiểm soát triệu chứng, làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh.
– Kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học: uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, tăng cường vận động, hạn chế đồ dầu mỡ,…
5. Phòng bệnh xơ gan như thế nào?
Để bảo vệ gan trước sự tấn công của bệnh, hãy tham khảo các biện pháp phòng tránh sau đây:
Tiêm phòng vaccine viêm gan virus cho trẻ em và những người lớn chưa mắc bệnh.
Xây dựng lối sống lành mạnh: chế độ ăn uống và luyện tập khoa học, hạn chế thừa cân; hạn chế uống rượu bia; sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh, không chứa chất độc hại;…
– Ăn chín uống sôi, tránh ăn thực phẩm sống để ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng.
– Sử dụng thuốc, các thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Cần tránh làm dụng các loại thuốc gây hại cho gan (như kháng sinh, thuốc giảm đau…).
– Thăm khám định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn bệnh chuyển sang giai đoạn 4.
Trên đây là các giai đoạn của bệnh xơ gan, cách phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Hãy cảnh giác với các nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời chủ động thăm khám gan mật định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện sớm các bất thường, tăng khả năng điều trị thành công.