Bệnh viêm võng mạc sắc tố do đột biến gen gây ra, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thị lực của mọi người. Người bệnh cần được khám và phát hiện sớm bệnh lý cũng như điều trị đúng cách để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm võng mạc sắc tố
Võng mạc là cơ quan quan trọng của mát, được cấu tạo bởi nhiều lớp tế bào là tế bào thần kinh thị giác, tế bào biểu mô sắc tố và lớp hắc mạc. Võng mạc nằm ở vị trí trong cùng của nhãn cầu mắt, chứa tế bào que, tế bào nón. Cơ quan này đảm nhiệm chức năng cảm thụ ảnh sáng và gửi hình ảnh lên trung khu thần kinh của não để mọi người có thể nhìn và ý thức được vật mà mình đang nhìn.
Bệnh viêm võng mạc sắc tố là tập hợp các bệnh phá hủy các tế bào que trong võng mạc. Do vậy, khi mắc bệnh, mọi người thường cảm thấy thị lực suy giảm dần, nhìn mờ, khó nhìn vật trước mắt. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể dẫn tới mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, viêm võng mạc sắc tố là bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ người mắc chỉ từ 1/4000-1/3000. Người bệnh thường có các biểu hiện thoái hóa tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Khi đó, các tế bào que và tế bào nón trong nhãn cầu dần thoái triển, thị trường mắt bị thu hẹp dần và giảm sút thị lực. Tình trạng này có thể xuất hiện từ khi người bệnh còn rất trẻ, thậm chí là từ sơ sinh.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, viêm võng mạc sắc tố chủ yếu hình thành do sự đột biến gen di truyền ở con người. Trong đó, gen di truyền lặn chiếm tỷ lệ gần 70% còn gen di truyền trội chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Số còn lại là gen di truyền liên kết NST giới tính X.
Do đó, nếu trong nhà có người có tiền sử mắc bệnh thì trẻ em sinh ra sẽ có nguy cơ mắc cao hơn. Ngoài ra, nếu cả bố và mẹ cũng mắc bệnh thì trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ cao mắc viêm võng mạc sắc tố.
Các hiểu hiện của bệnh thường xuất hiện từ rất sớm, ngay khi trẻ ra đời. Một số trường hợp lại xuất hiện khi mọi người đã ở giai đoạn trưởng thành từ 10-30 tuổi. Nam giới là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
3. Dấu hiệu nhận biết
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm võng mạc sắc tố có vai trò quan trọng trong việc giúp bác sĩ chẩn đoán sớm bệnh lý và điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng xảy ra.
Đối với những bệnh nhân mắc viêm võng mạc sắc tố, các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn sơ sinh, trẻ nhỏ. Dần dần, các dấu hiệu sẽ tiến triển nặng và rõ rệt hơn. Bệnh thường diễn tiến nặng, nghiêm trọng khi mọi người đã ở giai đoạn trưởng thành, trong điều kiện không được phát hiện và cũng không được điều trị đúng cách.
Các triệu chứng của bệnh:
– Thị lực suy giảm, đặc biệt là khi người bệnh ở trong môi trường ánh sáng yếu hoặc vào khi trời tối.
– Tầm nhìn ngoại biên bị hạn chế, thậm chí là mất hẳn, luôn có cảm giác mắt nhìn như ở trong đường hầm.
– Mắt nhìn kém nên người bệnh thường xuyên vấp ngã, chấn thương hoặc đi đứng khó vững.
– Một số trường hợp có thể mất tầm nhìn ngoại biên và tầm nhìn trung tâm, mắt không nhìn rõ được vật ở bên ngoài tầm nhìn và trung tâm tầm nhìn.
– Nhiều trường hợp người bệnh nhìn mờ, nhìn màu sắc không chuẩn và có thể chỉ nhi8fn thấy màu đen trắng.
– Ngoài ra, một số người có thể bị phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể dưới bao sau.
Bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mù lòa, do vậy mọi người cần đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu kể trên để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp để điều trị kịp thời.
4. Nguyên tắc điều trị
Hiện tại, viêm võng mạc sắc tố vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Nguyên tắc điều trị là làm giảm triệu chứng, sự ảnh hưởng của bệnh tới thị lực và làm chậm sự phát triển của bệnh.
Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ thường sẽ chỉ định điều trị bằng việc:
– Bổ sung các dưỡng chất cần thiết như vitamin A để cải thiện thị lực của mắt. Người bệnh không nên tự ý mua vitamin A mà cần có sự tư vấn về liều lượng, thời gian sử dụng của bác sĩ chuyên khoa.
– Sử dụng kính trợ lực như kính lúp, ống nhòm hồng ngoại để người bệnh có thể nhìn khi trời tối, điều kiện ánh sáng hạn chế.
– Sử dụng kính râm, kính chắn ánh sáng xanh, kính bảo vệ mắt để tránh tổn thương võng mạc do tia UV…
– Điều trị các bệnh lý như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm, tăng nhãn áp để làm chậm quá trình mắt lão hóa và suy giảm thị lực.
Phương pháp điều trị do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, người bệnh cần tiến hành kiểm tra sức khỏe thị lực kỹ lưỡng và tuân thủ phác đồ của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trong quá trình điều trị.
5. Chăm sóc phòng ngừa bệnh
Viêm võng mạc sắc tố không thể điều trị dứt điểm và nguy cơ biến chứng cao. Vì vậy, cách tốt để giảm thiểu sự ảnh hưởng của bệnh chính là xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Mọi người cần:
– Thực hiện các xét nghiệm gen trước khi xác định mang bầu để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra có bộ gen đột biến.
– Tầm soát nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh để bác sĩ có thể đưa ra giải pháp xử trí kịp thời.
– Không sử dụng thiết bị điện tử để làm việc, giải trí trong thời gian quá dài mà cần cho mắt nghỉ ngơi sau khoảng 45 phút làm việc.
– Tránh thức khuya, ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức dẫn tới cơ thể bị suy nhược.
– Bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và cho mắt như các loại vitamin A, D, C, E bằng thực phẩm lành mạnh.
– Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, có gas, chất kích thích có hại cho mắt.
– Vệ sinh mắt khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa mỗi ngày.
– Khám mắt định kỳ mỗi năm để chủ động kiểm soát sức khỏe thị lực và phát hiện sớm các bệnh lý bất thường.
Bệnh viêm võng mạc sắc tố tuy tỷ lệ người mắc không nhiều nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mắt. Vì vậy, bất kỳ ai cũng cần có ý thức với việc thăm khám sức khỏe thị lực thường xuyên hoặc khi phát hiện dấu hiệu bất thường để giảm thiểu nguy cơ mù lòa.