Viêm gan C là bệnh lý về gan phổ biến, gây ra bởi virus viêm gan C – HCV. Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng tránh? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây về bệnh viêm gan C, mời bạn đọc cùng theo dõi.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu khi mắc viêm gan C
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus viêm gan C có thời gian ủ bệnh khá dài, khoảng 6 – 8 tuần. Sau giai đoạn này là thời kỳ khởi phát bệnh. Phần lớn người mắc viêm gan C không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không rõ ràng.
Người bệnh có thể bắt gặp các biểu hiện sau đây:
– Mệt mỏi, suy nhược;
– Chán ăn, đầy bụng, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, giảm cân không rõ nguyên nhân;
– Đau nhẹ vùng gan – vùng bụng hạ sườn phải;
– Dễ chảy máu, dễ bầm tím;
– Ngứa da, nổi mạch máu trên da (Angiomas);
– Vàng da, vàng mắt (phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng);
– Nước tiểu sẫm màu;
– Phù chân, đau cơ, đau khớp, viêm khớp;
– Thường xuyên buồn ngủ, lú lẫn, trí tuệ sa sút.
Các triệu chứng trên thường có mức độ nhẹ, người bệnh dễ bỏ qua dù viêm gan C đã tiến triển đến giai đoạn nặng.
Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau khi trải qua giai đoạn toàn phát (kéo dài 6 – 8 tuần). Tuy nhiên, chỉ 15 – 30% trong số đó thật sự khỏi bệnh. Các trường hợp còn lại trở thành người lành mang virus hoặc người mắc viêm gan C mạn tính.
2. Bệnh viêm gan C nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan C nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng như: xơ gan, suy gan, ung thư gan,…
2.1. Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không – Biến chứng xơ gan
Xơ gan là một trong những biến chứng đầu tiên của viêm gan C. Bạn cần hiểu rằng bất kỳ yếu tố nào khiến gan tổn thương trong thời gian dài đều có khả năng gây xơ gan. Tế bào gan bị phá hủy, hoại tử sẽ dần hình thành mô sẹo. Các mô sẹo này sẽ cần khoảng 20 – 30 năm để tiến triển thành xơ gan.
Cụ thể, HCV tấn công vào các tế bào gan khỏe mạnh, gây ra các vết sẹo và những mô sợi. Điều này khiến dòng chảy của máu qua gan bị chậm lại, máu ứ trệ trong các tĩnh mạch của hệ tiêu hóa.
Xơ gan giai đoạn đầu thường chỉ có những triệu chứng nghèo nàn, mơ hồ như: mệt mỏi, chán ăn, đau nhẹ vùng hạ sườn phải, hoặc đôi khi không có bất kỳ dấu hiệu nào.
Xơ gan thường dẫn đến biến chứng tăng áp tĩnh mạch cửa – nơi giúp vận chuyển máu giữa các cơ quan của hệ thống tiêu hóa và gan. Giãn, vỡ tĩnh mạch thực quản là biến chứng thường gặp của xơ gan, đe dọa tính mạng người bệnh.
2.2. Suy gan
Bệnh xơ gan do virus viêm gan C nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, nguy cơ suy gan sẽ rất cao. Các mô sẹo tiếp tục phát triển và lan rộng khiến chức năng gan suy giảm nghiêm trọng. Suy gan khiến gan không thể thực hiện các chức năng thông thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn cơ thể.
Ở giai đoạn suy gan, người bệnh sẽ có các biểu hiện nghiêm trọng như: vàng da, vàng mắt, tiểu ít, sưng phù chân tay, cổ trướng, tính cách thay đổi,…
Xơ gan và suy gan là những biến chứng rất nghiêm trọng của viêm gan C. Người bệnh cần được điều trị kháng virus để thải loại HCV ra khỏi cơ thể.
2.3. Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không – Biến chứng ung thư gan
Viêm gan C cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Đây là biến chứng muộn và nguy hiểm nhất của viêm gan C và các bệnh lý gan mật nói chung. Người nhiễm HCV có nguy cơ ung thư gan cao gấp 12 lần so với người bình thường. Trên thực tế, ung thư thường xảy ra ở những trường hợp xơ gan.
Với người nhiễm virus viêm gan C, các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan gồm: hút thuốc, lạm dụng bia rượu, béo phì, đồng nhiễm HIV, hàm lượng sắt trong gan cao,…
2.4. Các biến chứng khác của bệnh viêm gan C
Bên cạnh tấn công và hủy hoại lá gan, virus viêm gan C còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Lý do là bởi hệ thống miễn dịch hình thành kháng thể chống lại HCV sẽ tạo ra những phản ứng có hại đến các cơ quan khác.
Những biến chứng thường gặp là: tổn thương thận; tổn thương dây thần kinh gây tê, ngứa và đau; đau khớp; da mẩn đỏ, loét;… Đồng thời, người bệnh cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh khác gồm đái tháo đường, trầm cảm,…
3. Cách phòng tránh lây nhiễm và ngăn ngừa biến chứng viêm gan C
Viêm gan C lây qua 3 con đường chính: đường máu, đường quan hệ tình dục và đường từ mẹ sang con.
3.1. Phòng tránh nhiễm virus viêm gan C với người chưa mắc
Hiện nay chưa có vaccine hiệu quả chống lại virus viêm gan C. Vì vậy, cần phòng tránh nhiễm HCV dựa vào việc giảm nguy cơ lây truyền virus:
– Đảm bảo an toàn khi dùng kim tiêm, đảm bảo vô khuẩn, tuyệt đối không dùng chung với người khác.
– Xử lý an toàn rác thải y tế, các vật sắc nhọn.
– Chủ động xét nghiệm kiểm tra viêm gan C để có biện pháp xử trí hiệu quả, kịp thời.
– Quan hệ tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ, tránh tiếp xúc máu.
– Dùng bao tay, dụng cụ bảo vệ khi tiếp xúc với dịch có chứa máu; vệ sinh sạch sẽ sau khi phẫu thuật hay tiếp xúc với bất kỳ dịch có chứa máu.
– Tăng cường sức khỏe lá gan bằng các biện pháp: Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng; tránh uống rượu bia; tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc;…
3.2. Phòng ngừa biến chứng với người đã mắc viêm gan C
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo những người nhiễm HCV cần:
– Được tư vấn, giải thích về phác đồ chăm sóc và điều trị.
– Tiêm vaccine phòng viêm gan A và viêm gan B, bảo vệ gan khỏi nguy cơ nhiễm trùng từ các virus viêm gan này.
– Thăm khám gan sớm, định kỳ và điều trị phù hợp. Việc điều trị cần kết hợp giữa dùng thuốc kháng virus, chế độ ăn uống – nghỉ ngơi hợp lý, theo dõi thường xuyên để chẩn đoán sớm viêm gan C mạn tính.
Như vậy, đáp án cho câu hỏi “Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không ?” chính là “Có!”. Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với nhiều biến chứng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe lá gan và toàn cơ thể. Bên cạnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hãy chủ động kiểm tra để sàng lọc và điều trị sớm bệnh lý này, tránh những biến chứng nguy hiểm.