Nhiều người có biểu hiện chóng mặt, ù tai tưởng mình không sao, nhưng sau khi thăm khám được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm dây thần kinh số 8. Cùng tìm hiểu bệnh viêm dây thần kinh số 8, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh ngay trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm dây thần kinh số 8 là gì?
Bệnh viêm dây thần kinh số 8 là tình trạng dây thần kinh số 8 bị tổn thương do một số nguyên nhân nào đó, gây ra ình trạng viêm dây thần kinh số 8.
Bệnh có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, không phân biệt tuổi tác.
Bình thường dây thần kinh số 8 sẽ đảm nhiệm hai chức năng là: chức năng thính giác (do dây thần kinh ốc tai) và chức năng giữ cảm giác thăng bằng (do dây thần kinh tiền đình) đảm nhiệm. Do một số nguyên nhân như: virus (cúm, quai bị, zona,…), lao, giang mai, viêm màng não, u góc cầu tiểu não, nhiễm độc,… gây tác động đến dây thần kinh số 8, cụ thể là dây thần kinh tiền đình khiến dây thần kinh này bị viêm, gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm dây thần kinh số 8
Người mắc bệnh viêm dây thần kinh số 8 thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý tai mũi họng hoặc bệnh tiền đình do có biểu hiện chóng mặt, ù tai vì đây là 2 dấu hiệu điển hình. Người bệnh cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khi có các biểu hiện sau, để được kiểm tra, có chỉ định chẩn đoán đúng và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả, loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm dây thần kinh số 8 là:
– Chóng mặt: người bệnh cảm nhận như mọi thứ đang quay xung quanh mình
– Ù tai: ù một bên tai, nghe như có tiếng ve kêu trong tai
– Khả năng nghe kém
– Có cảm giác đau đầu, cơn đau có thể âm ỉ ở vùng đỉnh đầu hoặc thỉnh thoảng có thể đau dữ dội lên từng cơn.
– Có cảm giác tê bì da ở vùng mặt và vùng tai
3. U dây thần kinh số 8 gây chóng mặt, ù tai
Một trong các nguyên nhân gây bệnh viêm dây thần kinh số 8 là người bệnh có khối u vùng góc cầu tiểu não. Ở vị trí góc cầu tiểu não thường có hai loại u có thể phát triển, đó là u màng não và u dây thần kinh số 8. Cả hai loại u này đều có thể gây tình trạng viêm dây thần kinh số 8.
Bệnh u dây thần kinh số 8 thường xuất hiện nhiều ở phụ nữ sau độ tuổi 30 và thường xuất hiện một bên, hiếm khi khối u xuất hiện hai bên.
U dây thần kinh số 8 là loại bệnh tiến triển khá chậm và phần lớn là u lành tính. Việc tiến triển chậm khiến cho các biểu hiện của bệnh không rõ ràng, khó nhận biết chính xác, điều này khiến người bệnh chủ quan, bỏ qua khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Khi khối u phát triển, cơ quan thính giác chịu ảnh hưởng đầu tiên. Người bệnh cảm nhận thấy thính lực giảm dần nặng có thể mất hẳn khả năng thính lực, triệu chứng ù tai xuất hiện và rối loạn khả năng giữ thăng bằng. Người bệnh còn có cảm giác buồn nôn và nôn, khó cử động quay đầu sang bên có khối u. Các triệu chứng này sẽ tăng lên khi người bệnh mệt mỏi hay làm việc quá sức.
Khi khối u dây thần kinh số 8 tiến triển dần, sẽ chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh điển hình là dây thần kinh số 5 và số 7, gây tình trạng đau tai, cơ mặt yếu, tê bì nửa mặt. Khi khối u lớn hơn, chèn ép vào não gây biến chứng đau đầu, buồn nôn, khàn tiếng, rối loạn thăng bằng, rối loạn chức năng nuốt, nặng có thể gây rối loạn hô hấp, có thể dẫn tới hôn mê và tử vong.
Phương pháp điều trị u dây thần kinh số 8 hiện nay là vi phẫu thuật hoặc xạ phẫu, tùy thuộc vào tình trạng bệnh ở mỗi bệnh nhân. Việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời giúp bệnh có thể điều trị triệt để mà không để lại di chứng nào.
Nếu phát hiện muộn, khối u quá to khiến việc phẫu thuật trở nên phức tạp hơn và khả năng để lại các di chứng như điếc một bên tai có khối u, liệt mặt,… cao hơn.
4. Làm gì khi có biểu hiện viêm dây thần kinh số 8?
Nếu có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh viêm dây thần kinh số 8, bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Hãy đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa thần kinh và chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Có rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây tình trạng chóng mặt, ù tai, do đó bạn cần đi thăm khám để bác sĩ thực hiện kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng như soi màng nhĩ, đo thính lực đồ, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính CT,… để chẩn đoán và điều trị phù hợp.