Bệnh viêm dây thần kinh mắt, viêm dây thần kinh sọ não khiến người bệnh giảm thị lực, đau đớn, khó chịu. Ảnh hưởng tới tầm nhìn, sinh hoạt cũng như hiệu suất công việc. Nguyên nhân nào khiến người bệnh bị viêm dây thần kinh mắt, bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn.
Menu xem nhanh:
1. Viêm dây thần kinh mắt là như thế nào?
Viêm dây thần kinh mắt hay còn gọi là viêm dây thần kinh thị giác. Đây là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc (mắt) về thùy chẩm ở não để phân tích hình ảnh. Từng dây đảm nhận nhiệm vụ cho từng bên mắt, trên một thị trường riêng biệt. Hai dây thần kinh này đối xứng nhau về hai bên bán cầu não. Viêm dây thần kinh sọ não ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chi phối các vùng tương ứng của cơ thể.
2. Dấu hiệu cảnh báo viêm dây thần kinh mắt
Viêm thần kinh mắt thường chỉ gây ảnh hưởng đến một bên mắt độc lập, vì hai bên hoạt động độc lập. Nếu vấn đề xảy ra cả hai bên mắt, trước tiên cần nghĩ đến bệnh lý khác thay vì viêm thần kinh thị giác. Các triệu chứng dễ nhận biết của viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:
2.1 Đau nhức
Cơn đau nhức ở mắt từ từ âm ỉ, mơ hồ, đến dữ dội, đặc biệt là khi cử động mắt.
2.2 Mất thị lực ở một mắt
Viêm dây thần kinh thị giác làm người bệnh giảm thị lực nhiều giờ, nhiều ngày với nhiều mức độ. Thị lực giảm rõ rệt trong giai đoạn tiến triển. Một số trường hợp giảm thị lực nặng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
2.3 Mất thị trường thị giác
Thị trường của mắt là vùng không gian mà mỗi bên mắt quan sát được. Khi viêm thì thị trường của một mắt bị thu hẹp một phần hay có thể mất hẳn một bên có thể khiến người bệnh không nhìn thấy.
2.4 Mất thị lực màu
Viêm ở dây thần kinh thị giác làm ảnh hưởng đến võng mạc, nơi đảm nhận độ nhạy màu sắc. Người bệnh sẽ không phân biệt được màu sắc rõ rệt, kém sinh động hơn.
2.5 Ánh sáng nhấp nháy
Xuất hiện những đốm sáng nhấp nháy như ánh đèn khi viêm dây thần kinh thị giác. Mức độ xuất hiện hình ảnh đốm sáng tăng lên khi người bệnh di chuyển nhãn cầu.
2.6 Tê, yếu chi
Viêm dây thần kinh thị giác còn gây tổn thương các dây thần kinh khác. Làm người bệnh xuất hiện những triệu chứng tê, yếu một hoặc nhiều chi, rối loạn tri giác.
3. Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh mắt
3.1 Tổn thương gây viêm Myelin
Myelin giúp tạo dòng xung điện di chuyển từ nơi tiếp nhận kích thích là mắt đến não, chuyển đổi thành thông tin thị giác. Khi Myelin bị tổn thương, làm trì hoãn truyền tín hiệu hình ảnh, làm thị lực suy giảm. Nguyên nhân dẫn đến viêm Myelin hiện tại vẫn chưa được xác định rõ. Có thể, do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào myelin của dây thần kinh thị giác, làm tổn thương Myelin.
3.2 Bệnh xơ cứng rải rác hay còn gọi là đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng là bệnh lý mà hệ thống tự miễn của cơ thể tấn công vào vỏ myelin bao phủ các sợi thần kinh trong não và tủy sống, ảnh hưởng đến myelin của dây thần kinh thị giác. Ở những trường hợp bị viêm dây thần kinh thị giác cấp tính, có tới 50% nguy cơ tiến triển thành bệnh đa xơ cứng suốt đời.
3.3 Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn
Nhiễm vi khuẩn, virus có thể dẫn tới viêm dây thần kinh thị giác: bệnh Lyme, sốt mèo cào và giang mai, sởi, quai bị và mụn rộp… Bệnh sarcoidosis và lupus ban đỏ gây viêm dây thần kinh thị giác tái phát nhiều lần.
3.4 Thuốc có chứa quinine và một số kháng sinh khác
Một số loại kháng sinh gây viêm dây thần kinh thị giác, trong có có Quinine.
3.5 Tuổi tác, giới tính, chủng tộc
Viêm thần kinh thị giác thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Những người da trắng xuất hiện bệnh lý nhiều hơn người da đen.
3.6 Di truyền
Gen đột biến di truyền từ đời này sang đời khác, gen nhạy cảm với tác nhân gây viêm dây thần kinh thị giác hoặc người nhà có người bị mắc đa xơ cứng.
4. Hậu quả của bệnh viêm dây thần kinh mắt
4.1 Tổn thương thần kinh thị giác
Tổn thương ở dây thần kinh mắt có thể tồn tại vĩnh viễn sau đợt cấp tính, nếu triệu chứng quá rầm rộ trên lâm sàng.
4.2 Giảm thị lực
Đa số người bệnh lấy lại thị lực bình thường hoặc gần như bình thường trong vòng vài tháng sau đợt viêm dây thần kinh mắt cấp tính. Tuy nhiên, nhầm lẫn màu sắc vẫn có thể kéo dài. Một số trường hợp bị mất thị lực hoàn toàn, mặc dù tình trạng viêm đã giảm.
4.3 Dễ nhiễm trùng, loãng xương, viêm loét dạ dày…
Steroid là loại thuốc sử dụng trong điều trị viêm thần kinh thị giác, nhằm ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, hạn chế tác động vào Myelin của dây thần kinh thị giác. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị ức chế, là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn dễ dàng tấn công. Tạo điều kiện để cơ thể bị bệnh: loãng xương, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, rối loạn dung nạp đường… Khiến người bệnh tăng cân, tâm lý bất ổn, dễ gây nghiện.
5. Phòng tránh bệnh viêm dây thần kinh mắt
5.1 Thay đổi chế độ sinh hoạt giúp hạn chế bệnh viêm dây thần kinh mắt
Thiếu ngủ, stress, ăn uống nhiều chất dầu mỡ, sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, tiếp xúc với chất độc hại, nhiễm virus, nhiễm vi khuẩn. Làm cơ thể có những rối loạn, gây biến đổi gen. Một số biến đổi gen dễ nhạy cảm với tác nhân gây viêm dây thần kinh thị giác. Chị em trang điểm, đeo len thì số mỹ phẩm đánh vào phần mắt có thể gây viêm mắt, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công.
5.2 Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, đặc biệt những người thường xuyên trang điểm, đeo len, những người cận thị. Kiểm tra ngay khi có những dấu hiệu nhìn mờ đột ngột, đau mắt… Để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.
5.3 Làm việc kết hợp nghỉ ngơi giúp giảm nguy cơ bệnh viêm dây thần kinh mắt
Mắt khi hoạt động căng thẳng dễ gây viêm, suy nhược. Vì thế cần làm việc kết hợp nghỉ ngơi, đặc biệt là những người làm việc nhìn máy tính, điện thoại nhiều. Nên làm việc 25 phút nghỉ 5 phút hoặc làm việc tập trung 50 phút nghỉ ngơi 10 phút. Giúp mắt được nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe tốt hơn.
5.4 Chăm sóc mắt
Đối với những người thị lực yếu, thường xuyên dùng đồ trang điểm mắt… hãy chăm sóc kỹ hơn. Sử dụng thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo, nước rửa mắt… mỗi khi đi làm về sẽ giúp đôi mắt sáng khỏe hơn. Bổ sung vitamin B, PP, A… theo đợt cho mắt giúp mắt được khỏe hơn.
5.5 Hạn chế sử dụng ánh sáng xanh, ánh sáng mạnh
Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính sẽ khiến mắt bị kích thích nhiều hơn. Khiến người bệnh căng thẳng, đau đầu. Hãy làm việc khoa học, hạn chế tối đa thời gian sử dụng thiết bị điện tử cũng như nghỉ ngơi giữa những thời gian sử dụng. Giữ khoảng cách từ 30 – 45cm với màn hình máy tính, điện thoại.
5.6 Ngừng những chất gây nhiễm độc thần kinh
Khi sử dụng kháng sinh hoặc thuốc, khiến cơ thể có triệu chứng nhìn mờ, đau mắt. Ngay lập tức dừng thuốc để hạn chế biến chứng nặng hơn. Đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được hỗ trợ kịp thời.
Viêm dây thần kinh mắt, viêm dây thần kinh sọ não là bệnh lý nguy hiểm, cần điều trị cấp để khôi phục khả năng nhìn của bệnh nhân càng sớm càng tốt. Bệnh này có thể khiến mất thị lực vĩnh viễn ở những người biến chứng nặng. Vì thế, hãy áp dụng một số cách mà Thu Cúc TCI chỉ trên để hạn chế viêm và đi khám ngay khi có triệu chứng đau, giảm tầm nhìn.