Sự hình thành bất thường của khối u tuyến yên có thể gây rối loạn nội tiết tố cơ thể. Người bệnh u tuyến yên cần được theo dõi thường xuyên để có hướng điều trị khi kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về u tuyến yên
Khi các tế bào tuyến yên phát triển bất thường (tăng tiết prolactin quá mức), nó có thể dẫn đến sự hình thành khối u tuyến yên. U tuyến yên cùng với u di căn não, u màng não, u thần kinh đệm là 4 loại u phổ biến nhất được phát hiện trong sọ người bệnh.
Hiện nay, cứ 10 người thì có 1 người có khả năng mắc u tuyến yên. Song trên thực tế, những người bệnh này thường không cần phải điều trị vì đây là loại u lành tính, chỉ cần theo dõi nhằm dự phòng những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2. Ảnh hưởng sức khỏe gây ra do u tuyến yên
Tuyến yên chịu trách nhiệm sản xuất, điều hoà hormone tuyến nội tiết của cơ thể, do đó đóng vai trò quan trọng trong đối với việc duy trì các hoạt động bình thường của các cơ quan. Sự xuất hiện u tuyến yên gây rối loạn chức năng này. Người bệnh có thể gặp phải các vấn đề dưới đây:
2.1. Bệnh u tuyến yên gây rối loạn nội tiết
Tăng tiết prolactin
Đối với chức năng sinh sản của phụ nữ, prolactin là nội tiết tố quan trọng. Bệnh u tuyến yên có thể gây tăng tiết quá mức hormone này, dẫn đến tình trạng như: rối loạn kinh nguyệt (chậm kinh, mất kinh), tiết sữa ở vú dù đang không có thai, thậm chí vô sinh…
Nhiều trường hợp bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn nhiều năm không rõ nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng của loại u này. Đối với nam giới, mắc u tuyến yên có thể làm giảm ham muốn tình dục, bất lực…
Tăng tiết hormone tăng trưởng
Hormone tăng trưởng (hay còn gọi lại Growth hormone) được sản xuất quá mức có thể gây rối loạn phát triển. Khi thăm khám lâm sàng, có thể nhận biết tình trạng này thông quá các dấu hiệu như: đầu mặt to, trán dô, cằm bè rộng, môi dày, tứ chi to, đã thô ráp… Điều này khiến người bệnh có vẻ ngoài mất cân đối.
Tăng tiết ACTH
ACTH viết tắt của Adeno, Cortisol và Trophic hormone là nhóm hormone u tuyến yên sản xuất gây hội chứng Cushing. Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải như: tăng cân, bụng chướng to, cơ bắp kém rắn chắc, các chi nhỏ, có thể xuất hiện tình trạng rạn da…
Giảm tiết các hormone khác
U tuyến yên phát triển lớn có thể gây suy tuyến yên do chèn ép các tế bào lành tính khác. Điều này dẫn đến một loạt các vấn đề như: vô sinh, bất lực, mệt mỏi, kém phát triển, chán ăn, da tóc khô, dễ rụng…
Trường hợp u tuyến yên chảy máu, suy tuyến yên cấp tính xuất hiện triệu chứng có thể khiến người bệnh đau đầu dữ dội, nhìn mờ… Đây là tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh ảnh hưởng đến các khu vực thần kinh khác.
2.2. Người mắc bệnh u tuyến yên có thể bị rối loạn thị giác
Tuyến yên nằm ở hố yên, phía dưới gần khu vực có các dây thần kinh thị giác. Do đó, nếu u tuyến yên phát triển với kích thước lớn có thể chèn ép gây ảnh hưởng đến chức năng nhìn. Người bệnh dễ gặp phải các vấn đề như nhìn mờ hoặc chỉ nhìn được một phía.
Ngoài ra, u tuyến yên cũng có thể dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng hơn như: nhìn đôi, nhìn lác, tê bì mặt, chèn ép các dây thần kinh III, IV, V,…
2.3. U tuyến yên gây tăng áp lực nội sọ
Như đã đề cập, do u tuyến yên là một trong các loại u thường gặp trong sọ người bệnh. Điều này khiến khối u không chỉ chèn ép các cơ quan, dây thần kinh, mạch máu xung quanh mà còn tăng áp lực chung cho nội sọ. Bệnh nhân mắc u tuyến yên thường xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, giảm ý thức, huyết áp cao, thở nông, buồn nôn, trường hợp nặng có thể gây hôn mê sâu…
Tăng áp lực nội sọ cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như hôn mê kéo dài, tổn thương não không phục hồi, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
3. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh u tuyến yên
U tuyến yên là bệnh nội tiết phổ biến song do phần lớn các trường hợp khối u có kích thước nhỏ, lành tính, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng do đó không nhiều người biết đến bệnh lý này.
Các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh u tuyến yên. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:
– Di truyền: Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc u tuyến yên, khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn do yếu tố chính dẫn đến hình thành khối u tuyến yên liên quan mật thiết đến rối loạn di truyền.
– Yếu tố tuổi tác: Thông thường, u tuyến hay hay xuất hiện ở những người bệnh lớn tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Tuy nhiên điều này không loại trừ các trường hợp người bệnh nhỏ tuổi.
4. Phòng ngừa u tuyến yên như thế nào?
Từ các yếu tố nguy cơ, mỗi người có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh, hợp lý…
– Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Gồm các nhóm chất thiết yếu như protein, chất béo tốt, chất xơ. Đặc biệt ăn tăng cường các loại rau củ quả tươi nhằm bổ sung vitamin và chất chống oxy hóa.
– Hạn chế các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn chứa nhiều muối, đường, phẩm màu, chất bảo quản… Ăn ít các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.
– Bỏ hoặc hạn chế tối đa các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia…
– Ngủ đủ giấc, không thức quá muộn (sau 11h đêm)
– Bồi dưỡng tinh thần thư thái, thoải mái, tránh stress ảnh hưởng đến chức năng não bộ.
– Duy trì tập luyện thể thục thể thao ít nhất 3 buổi/ tuần, ít nhất 1h/ buổi.
– Có ý thức chủ động khám sức khỏe định kỳ, không bàng quan với những dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Người bệnh ngay khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh u tuyến yên, hãy đến trung tâm y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp. Dựa trên đánh giá kích thước, vị trí và ảnh hưởng của khối u đến sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn và phác đồ cụ thể cho từng trường hợp.