Xoay quanh việc điều trị bệnh trĩ nội độ 2 rất nhiều thắc mắc được đưa ra. Một trong số đó là ở giai đoạn trĩ này, bệnh đã cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ hay chưa. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên và cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị trĩ nội độ 2 được áp dụng phổ biến.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trĩ nội và trĩ nội độ 2
1.1. Các cấp độ trĩ nội
Bệnh trĩ nội là một dạng của trĩ khi các đám rối tĩnh mạch tạo thành búi trĩ bên trong thành trực tràng. Trĩ nội gây ra những khó khăn cho người bệnh như đau rát, chảy máu, ngứa ngáy vùng hậu môn và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Trĩ nội được phát triển theo 4 cấp độ nặng dần của bệnh như sau:
– Trĩ độ 1: Đây là giai đoạn đầu khi búi trĩ mới hình thành trong ống trực tràng.
– Trĩ độ 2: Thời kỳ búi trĩ phát triển và có thể sa ra ngoài khi đại tiện nhưng sẽ tự co lên được.
– Trĩ độ 3: Búi trĩ sưng to, sa ra hẳn ngoài hậu môn mỗi khi đại tiện và không thể tự co lên được mà phải dùng tay đẩy lên.
– Trĩ độ 4: Giai đoạn nặng của bệnh kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng. Búi trĩ sa ra ngoài ngay cả khi không đi đại tiện và dùng tay đẩy không lên.
1.2. Nhận biết bệnh trĩ nội độ 2
Việc nhận biết trĩ ở những giai đoạn đầu của bệnh là hết sức cần thiết vì sẽ giúp ích trong việc điều trị sau này. Điều trị sớm sẽ đơn giản hơn, cho hiệu quả tốt, giảm nguy đau đớn cùng nguy cơ biến chứng và hạn chế tối đa khả năng tái trĩ.
Chính vì vậy, người bệnh nên lưu ý tới những triệu chứng thường gặp sau đây của bệnh trĩ độ 2:
– Chảy máu: Đây là triệu chứng đầu tiên giúp nhận biết trĩ nội nói chung. Máu có thể vương trên giấy vệ sinh, lẫn trong phân hoặc chảy nhỏ giọt trong cầu tiêu mỗi khi đi đại tiện mà người bệnh hậu như không cảm thấy đau nhiều.
– Sa búi trĩ: Búi trĩ nội bên trong thành trực tràng có thể sa ra bên ngoài mỗi khi người bệnh cố dùng sức rặn mạnh và sau đó tự co lại vị trí cũ khi ngừng rặn.
– Lâu ngày có thêm cảm thấy đau rát, ngứa ngáy quanh vùng hậu môn.
– Bị táo bón kéo dài
– Đôi khi cảm giác vướng víu vùng hậu môn nhất là mỗi khi dùng sức (triệu chứng này không mấy phổ biến)
2. Giải đáp: Bệnh trĩ nội độ 2 có cần phải phẫu thuật không?
Về nguyên tắc, điều trị trĩ nội sẽ phụ thuộc vào cấp độ phát triển của trĩ cùng quá trình thăm khám và đánh giá chi tiết tình trạng cụ thể:
– Trĩ nội nhẹ (độ 1, độ 2): Ưu tiên điều trị nội khoa kết hợp cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
– Trĩ nội nặng (độ 3, độ 4): Cần phải phẫu thuật cắt trĩ mới khỏi.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Trĩ nội độ 2 có cần phẫu thuật không?” đó là chưa cần thiết. Phần lớn các trường hợp trĩ nội độ 2 có thể hoàn toàn được chữa khỏi bằng thuốc cùng chế độ chăm sóc tuân thủ các quy định về ăn uống, thói quen sinh hoạt của bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cần thực hiện phẫu thuật với bệnh trĩ độ 2 như:
– Búi trĩ độ 2 sa niêm mạc trực tràng
– Trĩ nội độ 2 kèm nguy cơ biến chứng cao
– Các trường hợp bệnh không thể đáp ứng những yêu cầu trong điều trị nội khoa hoặc thực hiện thủ thuật.
Trên hết, người bệnh trĩ cần gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa hậu môn – trực tràng để được thăm khám chi tiết. Điều trị trĩ cần đi đúng hướng, đúng đích ngay từ đầu. Qua quá trình thăm khám, bác sĩ mới tìm ra căn nguyên bệnh, đánh giá chính xác tình trạng bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
3. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ độ 2
Với trĩ nội độ 2, có thể được áp dụng cả các phương pháp điều trị trị nội khoa, thực hiện thủ thuật hoặc phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.
3.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa bằng thuốc được áp dụng với hầu hết các trường hợp bệnh trĩ ở giai đoạn đầu. Người bệnh thực hiện chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ và kết hợp chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể:
– Đầu tiên, người bệnh cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh sạch sẽ khu vực có búi trĩ mỗi ngày. Nên ngâm nước lạnh đều đặn 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút sẽ giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Dùng thuốc: Có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc uống và thuốc bôi theo chỉ định từ bác sĩ. Lưu ý, việc dùng thuốc phải tuân thủ đúng loại, đúng liều, không tự ý mua thuốc hay thay đổi các yêu cầu từ bác sĩ khi không được cho phép.
– Tái khám định kỳ theo hẹn để bác sĩ đánh giá hiệu quả của thuốc và kịp thời xử lý những phát sinh nếu có.
Ưu điểm:
– An toàn, đơn giản.
– Giảm các triệu chứng: Giảm đau, giảm ngứa, chống viêm, chống sưng,…
– Không phải nằm viện.
– Thời gian điều trị duy trì trong khoảng 1 tháng.
3.2. Điều trị bệnh trĩ nội độ 2 bằng cách tiến hành thủ thuật
Thủ thuật thường được áp dụng là thắt mạch, khâu treo búi trĩ. Bác sĩ sẽ xác định mạch trĩ bằng máy siêu âm Doppler, sau đó tiến hành khâu thắt mạch để giảm lưu lượng máu đổ về búi trĩ và làm búi trĩ tự thu nhỏ thể tích.
Ưu điểm:
– Áp dụng cho nhiều loại trĩ.
– An toàn
– Ít đau
– Rút ngắn thời gian nằm viện, người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
3.3. Phẫu thuật cắt búi trĩ
Phẫu thuật là phương pháp tối ưu giúp triệt tiêu hoàn toàn búi trĩ. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, ít đau luôn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong đó điển hình nhất có thể kể đến phương pháp mổ trĩ Longo.
Mổ trĩ Longo sử dụng súng khâu cắt tự động hiện đại được nhập khẩu từ Mỹ, dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ về lại vị trí bình thường, tiến hành cắt và khâu phần mạch máu dẫn tới búi trĩ, búi trĩ mất máu và tự hoại tử.
Ưu điểm:
– Áp dụng cho nhiều loại trĩ.
– Giải pháp an toàn, được chỉ định cho cả người cao tuổi, người bị huyết áp, tiểu đường, bệnh nhiễm trùng…vv
– Gần như không đau vì vị trí mổ nằm ở vùng vô cảm của ống hậu môn.
– Thời gian nằm viện được rút ngắn, có thể về sau 20-48 giờ.
– Hồi phục nhanh và tỷ lệ tái trĩ thấp.
Trên hết, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bệnh trĩ nội độ 2 sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa sau quá trình đi vào thăm khám chi tiết. Lưu ý, người bệnh tuyệt đối không tự chữa trĩ tại nhà vì rất dễ làm bệnh trở nặng, tốn thời gian, công sức và không mang lại hiệu quả điều trị.