Bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ là bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây lan nhanh chóng. Bệnh thường xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ nhỏ. Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý để có biện pháp điều trị bệnh và phòng ngừa kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh thủy đậu ở trẻ em là gì?
Bệnh thủy đậu là tên của một bệnh truyền nhiễm do một loại virus có tên là Varicella Zoster gây ra và nó chiếm tới 90% số trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh này nhất.
Virus gây ra bệnh thủy đậu thường lây lan nhanh chóng qua đường không khí, người bệnh sẽ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt bắn khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, chảy nước mũi…
Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu còn có thể lây lan từ nốt phỏng rạ khi bị vỡ ra, những nốt phỏng rạ này đều có chứa virus gây bệnh. Phụ nữ mang thai khi bị thủy đậu sẽ vô cùng nguy hiểm và có thể lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
2. Bệnh thủy đậu ở trẻ em do nguyên nhân nào?
Virus có tên là Varicella Zoster chính là nguyên nhân chính gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em, bệnh lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Do đó, đa số các trường hợp mắc bệnh đều do tiếp xúc với người bị thủy đậu thông qua đường không khí như: hít phải nước bọt khi trẻ bị bệnh thủy đậu ho, hắt hơi, hay tiếp xúc với dịch tiết bên trong mụn nước.
Đặc biệt, việc sử dụng chung các vật dụng với người bị thủy đậu như: khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo, ăn uống cũng là nguyên nhân gây ra lây nhiễm bệnh.
Thông thường, bệnh thủy đậu thường lây nhiễm trong khoảng từ 1 đến 2 ngày trước khi trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ cho đến khi các mụn nước này khô lại và bong tróc vảy.
3. Những triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu?
Bệnh thủy đậu thường có biểu hiện điển hình qua từng giai đoạn, cụ thể:
– Ở thời kỳ ủ bệnh (từ 14 đến 17 ngày): Bệnh thường không có các triệu chứng lâm sàng.
– Giai đoạn khởi phát (khoảng 1 ngày): Trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, không chịu chơi, quấy khóc. Bên cạnh đó, trẻ có thể sốt cao, từ 39 đến 40 độ C, trẻ mệt mỏi, trằn trọc, co giật, viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp.
– Giai đoạn toàn phát (mọc ban): ban đầu là những ban màu đỏ mọc lên khắp cơ thể của trẻ, sau vài giờ có sẽ hình thành phỏng nước trong, nông trên da. Tiếp đến khoảng từ 24 đến 48 giờ, các nốt này ngả màu vàng, có hình cầu nổi lên trên mặt da 2mm. Đặc biệt, các ban này mọc rải rác toàn cơ thể, kể cả chân tóc, niêm mạc miệng tuy nhiên hầu như không mọc ở lòng bàn tay, bàn chân.
Thông thường, cứ khoảng 3 đến 4 ngày sẽ mọc 1 đợt ban, vì vậy, trên da của trẻ có thể thấy các nốt ban có kích thước và độ tuổi khác nhau.
Sau khoảng từ 4 đến 6 ngày, các nốt thủy đậu này sẽ tự khô và đóng vảy màu nâu sẫm, khô bong sau 1 tuần, không để lại sẹo trừ khi các nốt này lở loét và bị bội nhiễm.
Trẻ bị thủy đậu nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp…
4. Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần được điều trị như thế nào?
Bệnh thủy đậu là do virus gây ra do đó chưa có thuốc đặc trị, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cách giảm các triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp các mụn nước bị viêm nhiễm, tổn thương thì cần được điều trị nội trú để được theo dõi và có cách xử lý phù hợp.
4.1 Bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ có thể chăm sóc tại nhà
– Trẻ bị thủy đậu cần hạn chế tiếp xúc với nhiều người và đi đến các nơi công cộng để hạn chế khả năng lây lan. Thời gian cách ly từ khoảng 7 đến 10 ngày tính từ ngày phát ban.
– Cha mẹ nên lựa chọn cho trẻ quần áo rộng rãi, mỏng, nhẹ và thấm hút mồ hôi để tránh cọ xát vào da và làm vỡ các mụn nước.
– Người bệnh cần được tránh gió vì lúc này cơ thể của trẻ yếu và rất dễ bị cảm lạnh.
– Trẻ bị thủy đậu cần dùng đồ cá nhân riêng như: cốc, chén, muỗng, đũa, khăn mặt sạch sẽ.
– Tuyệt đối không tự ý gãi hay nặn các nốt phỏng rạ vì các mụn nước này có thể lây lan ra các vùng da xung quanh.
– Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: sốt cao kéo dài, co giật, hôn mê, xuất huyết thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và có phương pháp chữa trị kịp thời.
4.2 Bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ được điều trị bằng thuốc
– Với các nốt ban đỏ trên cơ thể của trẻ, bạn có thể cho trẻ sử dụng thuốc tím để bôi lên các nốt mụn viêm đề kháng viêm, ngăn ngừa hình thành sẹo xấu.
– Khi các nốt mụn nước vỡ, cha mẹ có thể dùng dung dịch Methylen để bôi cho trẻ, lưu ý, cha mẹ không nên bôi thuốc mỡ như: Tetraciclina, Penicillin, thuốc đỏ…
– Khi các nốt mụn đóng vảy, cha mẹ có thể kết hợp để trẻ sử dụng các kem chống dị ứng, thuốc trị ngứa. Trường hợp, trẻ dưới 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai tuyệt đối không được sử dụng các kem trị ngứa có chứa thành phần Phenol.
– Nếu trẻ sốt cao, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt, tuy nhiên liều lượng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại các biến chứng nặng nề. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín chất lượng để được bác sĩ thăm khám và điều trị.