Tuyến yên (tuyến não thùy) là tuyến nội tiết quan trọng, có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến, cơ quan nội tiết trong cơ thể như tuyến giáp, tuyến thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn… Mọi thất thường xảy ra tại tuyến này, bao gồm bệnh suy tuyến yên có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về tình trạng suy tuyến yên
Suy tuyến yên là tình trạng thiếu hụt một hoặc nhiều loại hormone do tuyến yên sản sinh.
Trong nhiều trường hợp, suy tuyến yên là hệ quả của khối u tuyến yên phát triển quá mức, gây chèn ép vào các mô tuyến yên, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị bệnh suy tuyến yên do tác động từ một số biến cố, bệnh lý hay phương pháp điều trị. Cụ thể:
– Người bệnh bị chấn thương tại vùng đầu.
– Phẫu thuật não hay phẫu thuật tuyến yên có thể để lại biến chứng suy tuyến yên.
– Xạ trị đi qua vùng đầu mặt cổ có thể dẫn đến các rối loạn hormone tại tuyến yên.
– Do các bệnh lý khác tại tuyến yên như hội chứng Sheehan, hoại tử tuyến yên sau sinh, đột quỵ tuyến yên…
– Ảnh hưởng từ tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể như nhiễm trùng não (viêm màng não) hay nhiễm trùng có thể lây lan đến não (lao, giang mai…)
– Gặp các vấn đề về mạch máu như: viêm động mạch thái dương, xuất huyết… đều có tác động lên tuyến yên nên suy giảm hormon của tuyến.
2. Bệnh suy tuyến yên có gây nguy hiểm?
2.1 Bệnh suy tuyến yên gây thiếu hụt hormone tăng trưởng
Suy tuyến yên dẫn đến các hormone tăng trưởng (GH) không được giải phóng đủ. Trẻ em thiếu hụt hormone tăng trưởng thường chậm lớn, dậy thì trễ. Trong khi thiếu hormone GH ở người lớn có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất. Người bệnh dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, yếu cơ, biến đổi thành phần chất béo trong cơ thể.
2.2 Bệnh suy tuyến yên là nguyên nhân gây chứng suy sinh dục
Đây là tình trạng xảy ra khi tuyến yên không sản xuất đủ lượng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH). Suy sinh dục đồng nghĩa với người bệnh bị giảm khả năng tình dục và chức năng sinh sản.
Ở phụ nữ, bệnh gây giảm sản xuất trứng và estrogen cùng với các triệu chứng như: bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh, rụng lông mu, không sản xuất được sữa…
Đối với nam giới, bệnh gây giảm sản xuất tinh trùng và testosterone. Người bệnh có các triệu chứng như rối loạn cương dương, rụng lông trên cơ thể, thay đổi tâm trạng thất thường.
Trong nhiều trường hợp, suy tuyến yên liên quan trực tiếp đến trường hợp các bệnh nhân bị vô sinh.
2.3 Người bệnh bị suy tuyến thượng thận trung ương
Vấn đề này thường xuất hiện khi tuyến yên không sản xuất đủ hormone vỏ thượng thận (ACTH). Sự thiếu hụt hormone ACTH cũng dẫn đến cơ thể không giải phóng được cortisol.
Người bệnh có thẻ gặp phải các triệu chứng như: mệt mỏi nghiêm trọng, tụt huyết áp, thậm chí ngất xỉu. Cơ thể thiếu ACTH cũng dễ bị nhiễm trùng, thời gian viêm nhiễm thường kéo dài hơn bình thường. Một số dấu hiệu khác có thể bắt gặp như: đau bụng buồn nôn, nôn, lú lẫn…
2.4 Suy giáp trung ương
Là hệ quả của sự thiếu hụt hormone kích thích tuyến giáp (TSH) được bài tiết bởi tuyến yên. Điều này dẫn đến các triệu chứng như: tăng cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, da tóc khô yếu, táo bón, người bệnh không thể chịu được lạnh…
Suy tuyến yên có thể ảnh hưởng đến nhiều nơi trong cơ thể, từ nhẹ đến nặng. Trường hợp không được phát hiện kịp thời, bệnh khi tăng nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh suy tuyến yên
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bệnh suy tuyến yên, bạn cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
3.1 Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh suy tuyến yên
Xét nghiệm máu: Dựa trên việc đánh giá nồng độ hormone tuyến giáp, hormone tuyến thượng thận, hormone sinh dục… trong máu, bác sĩ có thể phát hiện sự thiếu hụt của hormone tuyến yên (Nồng độ các hormone nội tiết chịu sự chỉ đạo của tuyến yên thấp gợi ý sự thiếu hụt hormone tuyến yên)
Kích thích hoặc thử nghiệm động: là phương pháp giúp đo nồng độ hormone tuyến yên sau khi người bệnh sử dụng một số thuốc kích thích sản xuất hormone.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: người bệnh có thể được chụp cộng hưởng từ (MRI) não hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) não nhằm phát hiện các bất thường, tổn thương trong cấu trúc tuyến yên.
Kiểm tra thị lực: giúp đánh giá sự ảnh hưởng của bệnh tuyến yên lên thị giác.
3.2 Điều trị suy tuyến yên
Điều trị suy tuyến yên như thế nào thường tuỳ vào mức độ bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân. Trong đó 2 phương pháp phổ biến được áp dụng là sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Hay còn gọi lại liệu pháp thay thế hormone, giúp nồng độ hormone trong máu duy trì ở mức ổn định. Đặc biệt lượng hormone được đưa vào cơ thể sẽ được tính toán đề phù hợp với lượng mà cơ thể có thể sản xuất trong trường hợp không bị suy tuyến yên. Các loại thuốc thay thế hormone có thể bao gồm các nhóm thuốc: thuốc về nội tiết tố, hormone tăng trưởng, hormone sinh sản,…
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến yên có thể được chỉ định nếu tuyến yên ảnh hưởng đến mô gần não hoặc có sự phát triển bất thường tại tuyến.
Điều trị khối u tuyến yên cũng có thể liên quan đến phẫu thuật loại bỏ u tuyến yên nếu đây là nguyên nhân gây bệnh.
Trong một số trường hợp, điều trị bằng xạ trị có thể được áp dụng khi cần thiết.
4. Phòng bệnh suy tuyến yên như thế nào?
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh suy tuyến yên như người từng bị chấn thương vùng đầu, từng phẫu thuật, xạ trị vùng đầu cổ… cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ để sớm phát hiện các rối loạn chức năng tuyến yên, bao gồm suy tuyến yên. Từ đó có hướng điều trị bệnh hiệu quả.
Trường hợp được chẩn đoán suy tuyến yên cũng cần lưu ý để phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng hoặc biến chứng. Người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám theo yêu cầu của bác sĩ. Trong quá trình điều trị cần sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, không tự ý ngưng thuốc khi thấy bệnh cải thiện. Đặc biệt, ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt, buồn nôn… cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Nói tóm lại, bệnh suy tuyến yên là tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hại đến khỏe về nhiều mặt. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là phương pháp tối ưu để phòng ngừa, phát hiện cũng như có kế hoạch điều trị suy tuyến yên.