Chiếm tỉ lệ top đầu trong các bệnh lý răng miệng, bệnh sâu răng là nỗi ám ảnh của cả người lớn và trẻ em. Vậy, bạn đã hiểu về bệnh lý sâu răng này đúng, đủ chưa? Đừng bỏ qua bài viết dưới đây để hiểu hơn về vấn đề răng miệng này và có phương thức phòng ngừa, điều trị đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về sâu răng và những thông tin quanh bệnh lý này
1.1. Khái niệm
Sâu răng là bệnh lý phổ biến ở răng với tình trạng nhiễm khuẩn ăn mòn các tổ chức lớp men bảo vệ bên ngoài răng và tổ chức canxi trên răng, gây phá hủy thành phần vô cơ và các mô cứng, làm cho răng xuất hiện các lỗ đen và mất dẫn các tổ chức của răng. Có nhiều cách phân loại tình trạng sâu răng khác nhau, mà thông thường nhất là theo cách phân loại vị trí tổ chức bị sâu răng, gồm: sâu men răng, sâu ngà nông, sâu ngà sâu.
Bệnh sâu răng rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Ước tính hơn 90% người Việt có vấn đề về răng miệng, trong đó, khoảng 85% trẻ em có vấn đề sâu răng sữa và hơn 80% người bị sâu răng vĩnh viễn. Tình trạng này có tính lây lan và nếu để lâu không điều trị sẽ gây nên những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng.
1.2. Nguyên nhân
Tình trạng sâu răng hình thành bởi axit sinh ra do vi khuẩn trong lớp mảng bám răng. Lớp này ban đầu là một màng mỏng, thường có các vi khuẩn, mucin, tế bào biểu mô chết cùng các vụn thức ăn, thường được làm sạch trong 24h. Loại vi khuẩn thủ phạm này chính là Streptococcus mutans. Thường sau khoảng 72h, các mảng bám khoáng mềm hóa (với canxi, photphat, các khoáng chất khác) trở thành cao răng, là các mảng bám cứng hoặc vôi răng, rất khó để bàn chải đánh răng có thể làm sạch.
1.3. Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ khiến tình trạng sâu răng dễ dàng tiến triển hơn như:
– Việc kiểm soát mảng bám răng không tốt, thường do vấn đề vệ sinh.
– Khiếm khuyết nha khoa. Nhiều người có tình trạng răng có lỗ, khe nứt hay rãnh men hở, có thể chứa vi khuẩn trong đó, nhưng lại rất khó để làm sạch. Do đó, thường dẫn đến sâu răng.
– Chế độ ăn uống, đặc biệt là khi thường sử dụng tinh bột và đường. Những chất này dưới tác động của vi khuẩn sẽ nhanh chóng lên men và thành axit, tạo thành các mảng bám cứng. Đây cũng là nguyên nhân khiến sâu răng khá phổ biến và lan tràn diện rộng. Đó là do trẻ tiếp xúc lâu với các dạng sữa, sữa công thức, nước trái cây. Tình trạng trẻ đi ngủ với bình sữa hoặc bú mẹ cũng dễ khiến hình thành bệnh sâu răng. Đây cũng là lý do mà bác sĩ khuyến cáo chai bú bình khi ngủ của trẻ chỉ nên chứa nước.
– Môi trường nồng độ axit cao hoặc flour thấp.
– Vấn đề nước bọt (giảm tiết nước bọt, khả năng đệm và PH), di truyền, đặc tính hóa của răng, … Nhóm yếu tố này thường làm tăng hoặc giảm sâu răng cũng như gây vị trí lỗ sâu khác nhau. Đặc biệt, người cao tuổi hay dùng các thuốc làm giảm lượng nước bọt và gây bệnh sâu răng. Ngoài ra, do vấn đề tụt lợi và việc vệ sinh răng miệng giảm hiệu quả vì tuổi tác, họ cũng có tỷ lệ sâu chân răng cao hơn
– Tình trạng bổ sung canxi và dinh dưỡng của mẹ trong quá trình mang thai.
1.4. Triệu chứng
Tình trạng bệnh sâu răng có thể chia thành 2 giai đoạn: trước và sau khi hình thành lỗ sâu.
Giai đoạn tổn thương sâu răng sớm (chưa hình thành lỗ sâu): Là giai đoạn tổn thương nhẹ, thường là tổn thương sâu men răng. Chẩn đoán bệnh sâu răng ở giai đoạn này không sử dụng các dụng cụ nguy cơ làm sập lớp bề mặt tổn thương, mà thường được quan sát sau khi thổi khô bề mặt, xuất hiện các vết trắng. Giai đoạn này không có triệu chứng đau nhức, ê buốt răng.
Giai đoạn tổn thương sâu răng đã hình thành lỗ sâu: Là giai đoạn đã có các triệu chứng rõ ràng như:
– Ngà ê buốt (do nóng, lạnh, chua, ngọt,…)
– Có tổn thương ở mặt răng
– Xuất hiện các lỗ sâu đổi màu theo giai đoạn
– Sâu răng đang tiến triển có đáy lỗ sâu mềm và nhiều ngà mủn
– Sâu răng ổn định có đáy lỗ sâu cứng và nâu đen
1.5. Biến chứng
Bệnh sâu răng nếu để tiếp diễn tự nhiên, không có biện pháp phòng ngừa sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, răng bị phá hủy. Thông thường, cần phải nhổ răng hoặc thay thế bằng răng giả khi răng bị phá hủy, gây mất chức năng ăn nhai.
Sâu răng cũng có tính lây lan sang các răng khác nên càng cần phải đề phòng hơn. Khi răng sữa sâu cũng có thể lây lan sang các răng bên cạnh, gây viêm nướu, viêm nha chu, làm cản trở việc mọc răng vĩnh viễn, mất tính thẩm mỹ cho hàm răng.
Bệnh sâu răng làm mất cấu trúc men cũng như răng. Sâu răng có thể hủy hoại đến tủy răng, làm nhiễm trùng tủy, khiến vi khuẩn tích tụ và gây viêm trong ống tủy chân răng. Bệnh lý này cũng gây viêm quanh chóp chân răng, áp xe quanh chân có mủ, tiêu xương hàm, thậm chí gây nang xương hàm, biến dạng mặt.
2. Vấn đề phòng ngừa, điều trị
2.1. Phòng sâu răng
Phòng sâu răng được thực hiện bằng các việc đơn giản, tạo thành thói quen hằng ngày như:
– Chăm sóc tốt và đúng cách cho răng miệng: Chải răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng cũng như đường viền nướu.
– Thăm khám nha khoa: Thăm khám định kỳ sáu tháng một lần cũng như thăm khám nha khoa khi thấy sự bất ổn của răng nhằm phát hiện và ngăn chặn các vấn đề về răng miệng.
– Chọn sản phẩm chăm sóc răng miệng phù hợp: Dùng kem đánh răng chứa Flour để hỗ trợ men răng, ngăn ngừa sâu răng kết hợp nước muối súc miệng phù hợp.
– Có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các thực phẩm gây nguy cơ sâu răng như các loại tinh bột, đường,…
2.2. Điều trị sâu răng
Tùy theo mức độ sâu răng mà nha sĩ sẽ có những chỉ định thích hợp cho từng trường hợp bệnh lý.
2.2.1. Tái khoáng hóa
Phương pháp thường dùng cho giai đoạn đầu khi mới phát hiện tình trạng sâu răng, nhằm làm cứng men răng bằng canxi hoặc flour.
2.2.2. Vệ sinh vị trí sâu răng
Việc làm sạch mảng bám và vị trí sâu răng được thực hiện bằng việc dùng các công cụ như bàn chải điện, mũi khoan, … nhằm loại bỏ mảng bám và phần răng bị phá hủy, đồng thời làm sạch, làm phẳng các lỗ răng. Phương pháp này thường kết hợp với việc trám răng.
2.2.3. Trám răng
Áp dụng khi răng sâu chưa tác động đến tủy hay thần kinh răng. Sau khi loại bỏ phần sâu răng, bác sĩ sẽ lấp đầy lỗ sâu răng bằng nhựa composite hoặc amalgam.
2.2.4. Chụp tủy răng
Trong trường hợp răng sâu lan đến tủy hoặc dây thần kinh, bác sĩ sẽ đánh giá liệu răng có khả năng phục hồi tự nhiên không để chỉ định chụp tủy.
2.2.5. Lấy tủy răng
Trong trường hợp răng bị tổn thương, nhiễm trùng mức độ vừa hoặc nghiêm trọng, nha sĩ có thể chỉ định phương pháp lấy tủy răng.
2.2.6. Nhổ răng
Phương pháp này thực hiện khi răng bị sâu nghiêm trọng và không thể phục hồi, nhằm loại bỏ tình vấn đề sâu răng gây ra, ngăn chặn sự lây lan của răng sâu. Sau nhổ, bệnh nhân có thể trồng, cấy răng mới nhằm đảm bảo chức năng nhai và thẩm mỹ.
Lưu ý rằng, bệnh sâu răng có thể chữa nhanh chóng và răng được phục hồi đơn giản nếu phát hiện sớm và có những phương pháp phù hợp. Chính vì thế, khi có những nghi ngờ răng miệng, nên đến các cơ sở y tế răng hàm mặt để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, phát hiện và xử lý vấn đề sớm, tránh để tình trạng sâu răng nặng, gây biến chứng lan tràn và để lại nhiều hậu quả về chức năng răng miệng cũng như vấn đề thẩm mỹ.