Nếu đang có các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, mất thăng bằng, tim đập nhanh, vã mồ hôi… bạn coi chừng, đây có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình. Nhiều người nghĩ rằng rối loạn tiền đình chỉ gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên trên thực tế rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt nam hay nữ. Cùng chúng tôi tìm hiểu về hội chứng rối loạn tiền đình, các triệu chứng nhận biết trên lâm sàng và cách điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Rối loạn tiền đình “không chừa một ai”
Hội chứng rối loạn tiền đình gồm 2 loại chính là: rối loạn tiền đình trung ương và rối loạn tiền đình ngoại biên. Trong đó, thường gặp nhất là rối loạn tiền đình ngoại biên (chiếm 90-95% các trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tiền đình).
Trước đây nhiều người cho rằng rối loạn tiền đình chỉ gặp ở những người lớn tuổi, tuy nhiên trên thực tế rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi đối tượng từ trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi và không phân biệt giới tính: nam hay nữ đều có thể bị rối loạn tiền đình.
2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Trước đây có nhiều người chưa biết nhiều về hội chứng rối loạn tiền đình nên thường nhầm lẫn rối loạn tiền đình với một số bệnh như động kinh, đột quỵ (tai biến mạch máu não), thiếu máu não,… Tuy nhiên, đây là các bệnh lý hoàn toàn khác nhau.
Rối loạn tiền đình là những rối loạn có liên quan đến sự mất cân bằng, xuất phát do dây thần kinh số 8 bị tổn thương, khiến thông tin bị dẫn truyền sai lệch, khiến hệ thống tiền đình không còn đảm nhận đúng vai trò ban đầu của nó là: giữ cân bằng cho cơ thể, phối hợp các cử động đầu – mắt – thân mình khi cơ thể thay đổi tư thế.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình phụ thuộc vào từng loại rối loạn.
– Nguyên nhân rối loạn tiền đình ngoại biên: viêm mê nhĩ, chấn thương, u góc cầu tiểu não, viêm dây tiền đình do virus, bệnh Meniere (rối loạn thính lực), thạch nhĩ lạc chỗ (sỏi tiền đình),…
– Nguyên nhân rối loạn tiền đình trung ương: thiếu máu não hệ sống nền, u thân não, xơ cứng dải rác, áp xe não, khối máu tụ vùng hố sau, u máu thể hang,…
3. Các triệu chứng nhận biết bệnh rối loạn tiền đình trên lâm sàng
Trên lâm sàng rối loạn tiền đình có 3 triệu chứng điển hình, nổi trội nhất, giúp các bác sĩ dễ nhận diện và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác cũng có biểu hiện tương tự đó là:
3.1 Chóng mặt – biểu hiện điển hình của bệnh rối loạn tiền đình
Đây là triệu chứng thường gặp và nổi trội nhất của người bị rối loạn tiền đình. Cơn chóng mặt thường diễn ra đột ngột, dữ dội, người bệnh có cảm giác các đồ vật xung quanh như nhào lộn, quay trong, cảm giác quay rất mạnh và rất khó chịu. Kể cả khi người bệnh nằm xuống nghỉ ngơi cơn chóng mặt vẫn diễn ra, nhắm mắt vào vẫn có cảm giác người choáng váng, chóng mặt như đang bị ngã. Một số biểu hiện kèm theo cơn chóng mặt đó là: buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã,… đây là các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật.
3.2 Rối loạn thăng bằng thường xảy ra ở người bệnh rối loạn tiền đình
Tùy vào tình trạng nặng hay nhẹ mà biểu hiện rối loạn thăng bằng cũng có sự khác nhau. Nếu rối loạn tiền đình nhẹ hoặc vừa, người bệnh sẽ có biểu hiện: đứng không vững, có xu hướng ngã về một phía, đi đứng loạng choạng,.. Nếu rối loạn tiền đình ở mức độ nặng, người bệnh có thể không đứng vững được, cảm giác chóng mặt dữ dội, kèm theo sợ ánh sáng, giảm thính lực, dễ cáu gắt, nổi nóng.
3.3 Rung giật nhãn cầu
Người bị rối loạn tiền đình thường có biểu hiện rung giật nhãn cầu, tức là chuyển động bất thường của nhịp mắt như: dao động lặp đi lặp lại theo nhịp hoặc không theo nhịp, có chu kỳ, không chủ ý của nhãn cầu,…
Ngoài ra, người bị rối loạn tiền đình tùy theo từng vị trí tổn thương mà còn có thể gặp phải một số biểu hiện khác đi kèm như: ù tai, giảm thính lực, liệt nửa người, rối loạn chức năng nuốt, hội chứng tiểu não,…
4. Điều trị bệnh rối loạn tiền đình bằng cách nào?
Điều trị rối loạn tiền đình cần phải căn cứ vào nguyên nhân, nguyên nhân gây bệnh khác nhau thì cách xử trí cũng sẽ khác nhau. Điều quan trọng cần làm bên cạnh việc tìm nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là cần có cách xử trí những cơn chóng mặt cấp, xảy đến bất ngờ, để phòng tránh tai nạn cho người bệnh.
Khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiền đình cần lưu ý: đặt người bệnh nằm nghỉ ngơi ở khu vực yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh, nếu người bệnh đang sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì nên cho người bệnh dùng thuốc theo đúng quy định (trừ trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nói khó, rối loạn chức năng nuốt thì không nên sử dụng vì uống thuốc lúc này có thể dễ khiến người bệnh bị sặc gây nguy hiểm đến hệ hô hấp).
Để phòng tránh các cơn rối loạn tiền đình tái phát, người bệnh cần điều trị và theo dõi với bác sĩ, kết hợp dùng thuốc với vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng rất cần thiết với người bị rối loạn tiền đình giúp tăng cường vận động của cơ thể, tăng cường vận động của hệ thần kinh, phục hồi sự mất cân bằng chức năng của hệ thống tiền đình.
Đặc biệt, người bệnh cần tránh lo âu, căng thẳng, giảm tối đa các áp lực bên ngoài. Nên thư giãn, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên và tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ. Hãy tin tưởng và hợp tác điều trị theo chỉ định của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu, điều này sẽ giúp bệnh hồi phục nhanh chóng hơn.