Mất trí nhớ ở người già trong xã hội hiện nay khá phổ biến và cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trên thế giới ước tính có khoảng 8 triệu người mắc phải căn bệnh này. Bệnh không chỉ làm người mắc bị mất kí ức mà còn khiến họ quên cả các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Vậy bệnh lý này cần chú ý những gì? và nguyên nhân nào dẫn tới bệnh? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, vì vậy hãy cùng theo dõi nha.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh lý
Bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng não bộ đang hoạt động không bình thường. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở độ tuổi từ ngoài 60, khi cơ thể đang trên đà lão hóa. Căn bệnh này sẽ khiến người bệnh thường xuyên nhầm lẫn, trí nhớ suy giảm, nói trước quên sau, thậm trí mất cả khả năng tự chăm sóc bản thân. Một số trường hợp người bệnh không thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình.
2. Nguyên nhân dẫn tới mất trí nhớ ở người lớn tuổi
Mặc dù bệnh mất trí nhớ ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên có thể kể tới hai nguyên nhân chính đó là:
– Do độ tuổi: đó là sự lão hóa của cơ thể khi đến một độ tuổi nhất định. Mà đây là sự lão hóa tự nhiên nên không thể thay đổi được. Khi này, não bộ cũng dần lão hóa và tình trạng rối loạn trong đó cũng diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt là với những hoạt động đòi hỏi suy nghĩ, tư duy, ghi nhớ, phản xạ có điều kiện. Neuron khi đã lão hóa thì không thể phục hồi lại được. Vì thế, nếu bệnh nhân không được chú ý và giám sát, khơi gợi tư duy thường xuyên sẽ rất dễ bị rơi vào lãng quên toàn bộ.
– Do mắc phải một số bệnh liên quan đến não bộ. Chứng mất trí nhớ có thể xảy ra do người bệnh bị: chấn thương sọ não, viêm não, Alzheimer, tai biến, rối loạn tuần hoàn não, lạm dụng thuốc trầm cảm,… Triệu chứng của bệnh sẽ càng nguy hiểm nhất là với người cao tuổi.
3. Dấu hiệu để nhận biết bệnh
Những dấu hiệu phổ biến được liệt kê dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết bệnh cho mình hoặc cho người thân xung quanh.
– Hỏi đi hỏi lại một vấn đề trong một cuộc hội thoại ngắn.
– Lúc nhớ lúc quên tên những người thân xung quanh.
– Gặp khó khăn trong các công việc hàng ngày: không thể tự mặc đồ, nấu cơm, hay thậm trí là gọi điện hay gọi người thân,…
– Khó khăn trong giao tiếp hay biểu lộ mong muốn cá nhân.
– Quên những nơi rất quen thuộc như: đường về nhà, nơi muốn tới. Thậm chí khi về đến nhà nhưng vẫn mơ hồ không biết đúng hay sai.
– Bị mất nhận thức về thời gian, ngày đêm.
– Người bị mất trí nhớ sẽ hay nghi ngờ, khó chịu, bồn chồn, lo lắng, dễ kích động.
4. Chăm sóc đối với người bệnh mất trí nhớ tại nhà
Qua các nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết trên, thì câu hỏi đặt ra là: công việc chăm sóc và theo dõi người bệnh thế nào? Người nhà cần chú ý những gì?
4.1. Chăm sóc về ăn uống sinh hoạt cho bệnh mất trí nhớ ở người già
Với những người bình thường, chế độ ăn uống không đòi hỏi quá khắt khe. Tuy nhiên, với người già lại đang có dấu hiệu mất trí nhớ thì chế độ và giờ giấc ăn uống là điều cần được quan tâm. Vì họ không thể nhớ mình đã ăn gì, đã uống gì, thậm chí là đã ăn hay chưa? Nếu cứ để tự nhiên khi đòi hỏi mới cho ăn thì rất dễ dẫn tới tình trạng thiếu nước, thiếu dinh dưỡng gây ra suy nhược. Do đó, người thân bên cạnh cần để ý tới giờ giấc ăn uống và dùng thuốc cho người bệnh. Ngoài ra cũng cần thay đổi khẩu phần ăn để nạp đầy đủ dinh dưỡng và kích thích ăn cho họ.
Người nhà hay người chăm sóc trực tiếp nên chuẩn bị thêm các bữa phụ nhỏ cho bệnh nhân, để đảm bảo cho họ đủ no.
4.2. Mất trí nhớ ở người già và chế độ dinh dưỡng hợp lý
Bệnh lý này tuy không thể chữa trị dứt điểm, tuy nhiên có thể cải thiện thông qua chế độ dinh dưỡng thường ngày. Cần tăng cường bổ sung các thực phẩm để hỗ trợ cho não bộ. Đặc biệt cần tuân thủ theo các điều sau:
– Hạn chế tối đa đồ ăn dầu mỡ, nhất là mỡ động vật có chứa nhiều cholesterol. Thay vào đó thì cần bổ sung chất béo dưới dạng: omega-3 có nhiều trong các loại cá, giúp tế bào não chống lại lão hóa. Năng lượng từ chất béo cần được hạn chế ở mức 25% tổng nhu cầu năng lượng trong ngày.
– Tích cực trong việc bổ sung thực phẩm từ rau xanh, củ quả. Đặc biệt là những loại rau sẫm màu (giúp chống lại lão hóa).
– Tăng cường bổ sung thêm các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như:
Folate và vitamin B12: giúp giảm hemocysteine (chất làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer).
Vitamin E và C: chất oxy hóa chống lại sự giải phóng các gốc tự do khiến tế bào não tổn thương.
Axit Folic: Giúp giảm viêm và cải thiện lưu thông máu lên não.
Phosphatidyl serine: thành phần cấu tạo nên màng trong của tế bào neuron thần kinh có khả năng làm giảm nguy cơ mất trí nhớ.
4.3. Chăm sóc về vệ sinh cá nhân
Vấn đề về tắm rửa, vệ sinh cá nhân hàng ngày, người nhà cũng cần chủ động nhắc nhở hoặc hỗ trợ. Những trường hợp chớm bệnh có thể chuẩn bị đồ và nhắc nhở họ. Còn với những người bị mất trí nhớ nặng thì sẽ cần vệ sinh hộ vì họ có thể gặp các vấn đề hay sự cố khi tự làm. Có thể sử dụng ghế trong tắm để phòng tránh việc té, ngã một phần cũng để quá trình tắm dễ dàng hơn.
4.4. Đối với giấc ngủ
Giấc ngủ cũng là yếu tố rất quan trọng với người bị mắc bệnh mất trí nhớ. Để người bệnh có một giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm, thì người nhà hoặc người chăm sóc cần:
– Khuyến khích họ nên vận động và sinh hoạt nhiều vào ban ngày.
– Hạn chế uống quá nhiều nước vào buổi tối, vì hệ tiêu hóa của người già không còn được tốt như chúng ta.
– Không nên lạm dụng thuốc ngủ cho người bệnh nếu chưa được chỉ định từ bác sĩ.
– Ban ngày không nên để bệnh nhân nằm hay ngủ quá nhiều.
Trên đây là các thông tin, kiến thức cần thiết về bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi. Người thân trong gia đình cũng nên khích lệ, động viên người bệnh tăng cường vận động hay tham gia các trò chơi giúp luyện tập trí nhớ.