Bệnh lý glocom góc đóng hay còn được gọi với tên là bệnh thiên đầu thống, tăng nhãn áp dạng góc đóng là một trong những bệnh mắt nguy hiểm, có khả năng làm tổn thương dây thần kinh thị giác và rất khó hồi phục. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu về bệnh lý này để có biện pháp thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về bệnh lý Glocom dạng góc đóng
1.1. Khái niệm bệnh lý glocom góc đóng là gì?
Bệnh glocom dạng góc đóng là một trong những dạng bệnh lý của các dây thần kinh thị giác. Glocom dạng góc đóng có sự đặc trưng bởi sự chết đi của các tế bào nằm ở vị trí hạch võng mạc. Kéo theo đó, những tổn thương cho hệ thần kinh thị giác do bệnh gây ra cũng ít hồi phục lại như ban đầu.
Glocom dạng góc đóng biểu hiện ở việc tại mống mắt xuất hiện tình trạng bị kéo trước, đẩy sau liên tục khiến mống mắt bị áp sát vào mặt sau của phần giác mạc. Việc này làm cho đường lưu thông thủy dịch sẽ bị tắc nghẽn lại và dễ gây ra vấn đề về tăng nhãn áp.
Bệnh lý glocom dạng góc đóng cũng có thể xuất hiện dưới dạng nguyên phát hoặc thứ phát, cấp tính hoặc mãn tính. Glocom cũng thường xảy ra ở nữ giới tỉ lệ nhiều hơn nam giới, đặc biệt tập trung ở những phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh. Theo đó, người già (70 tuổi) trở lên có nguy cơ mắc bệnh glocom cao hơn gấp 3 – 8 lần so với những người dưới 40 tuổi.
1.2. Những nguyên nhân nào gây ra bệnh lý glocom góc đóng
Bệnh glocom có khả năng dẫn tới hiện tượng suy giảm thị lực của đôi mắt, làm ảnh hưởng các sợi thần kinh. Hiện nay glocom gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có 2 cơ chế chính có thể gây ra bệnh lý này đó là:
– Hiện tượng nghẽn đồng tử: đây là hiện tượng xảy ra đối với các đôi mắt đã tồn tại sẵn những bất thường về cấu trúc giải phẫu trong góc tiền phòng. Lúc này, phần đồng tử bị giãn ra, khiến cho diện tích tiếp xúc giữa mống mắt và mặt trước thủy tinh thể bị tăng lên. Điều này làm cho quá trình thủy dịch di chuyển từ hậu phòng ra tiền phòng sẽ gặp khó khăn. Thủy dịch bị ứ lại, không thoát được sẽ khiến áp lực trong hậu phòng cũng tăng lên, ép đẩy phần chân mống mắt có xu hướng nhô ra đằng trước, áp vào vùng bè, gây đóng góc, tăng nhãn áp.
– Hiện tượng nghẽn góc đóng tiền phòng: hiện tượng xảy ra do lúc ban đầu mống mắt thường chỉ áp sát vào vùng bè nhưng chưa dính vào góc thực thể. Do đó, nếu không được điều trị hạ nhãn áp, tách dính thì quá trình đóng góc kéo dài sẽ có thể gây ra tình trạng dính góc hoàn toàn, làm cho tắc nghẽn ở góc đóng tiền phòng ở vị trí dính đó.
2. Một số triệu chứng khi bị bệnh lý Glocom góc đóng
2.1. Tình trạng glocom dạng góc đóng cơn cấp
Khi bị glocom cơn cấp, các triệu chứng bệnh có thể xảy ra ở lần đầu, hoặc sau những cơn sơ phát trước.
Một số triệu chứng bệnh điển hình khi cơn cấp đó là:
– Mắt có biểu hiện nhức, đỏ, phù nề.
– Phần giác mạc có hiện tượng mờ.
– Đồng tử bị giãn méo.
– Nhãn áp tăng cao.
– Mắt bị giảm thị lực, nhìn thấy các quầng sáng có nhiều màu.
– Bệnh nhân bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi liên tục,…
Hiện tượng glocom dạng góc đóng cơn cấp này cần được theo dõi sát sao các triệu chứng, và nhanh chóng có các biện pháp điều trị càng sớm càng tốt.
2.2. Tình trạng glocom dạng góc đóng bán cấp
Khi gặp tình trạng này, giai đoạn góc đóng diễn ra không hoàn toàn. Lúc này, các triệu chứng kéo theo cũng ít gây nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể gặp phải một số biểu hiện như: mắt đau nhức, căng, nhìn mờ, nhãn áp tăng cao,…
Các giai đoạn glocom tiến triển mạnh mẽ thì các cơn bán cấp này dần dần sẽ phát triển thành dạng cơn cấp dữ dội và nguy hiểm, hoặc có thể tái đi tái lại rất nhiều lần.
2.3. Glocom dạng góc đóng mãn tính
Hiện tượng này ít gặp hơn so với 2 tình trạng glocom kể trên. Thường tình trạng mãn tính sẽ xảy ra sau khi góc đóng cấp hoặc khi nhãn áp bị tăng dần, góc tiền phòng đang đóng dần.
Lúc này, các triệu chứng lâm sàng của chúng có dấu hiệu tương đồng với bệnh lý glocom góc mở, gần như không có triệu chứng.
3. Cần điều trị bệnh lý Glocom dạng góc đóng như thế nào?
Đối với glocom dạng góc đóng, phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng laser để giúp ngăn chặn tình trạng dính góc, nghẽn góc trong mắt. Sau đó, bác sĩ thường sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thêm các loại thuốc bổ sung.
3.1. Đối với tình trạng góc đóng cấp tính
Khi bệnh nhân bị glocom dạng góc đóng cấp tính thì cần phải có biện pháp điều trị ngay. Bởi nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân sẽ đối mặt với việc bị mất thị lực vĩnh viễn nhanh chóng. Trong thời gian theo dõi tiến triển bệnh, bệnh nhân sẽ cần sử dụng một số loại thuốc giúp điều.
Để tiến hành điều trị bằng laser đối với glocom dạng góc đóng cấp tính thì bác sĩ sẽ thực hiện laser cắt mống mắt chu biên. Đây là một phương pháp sẽ giúp tạo đường thoát cho các dịch từ hậu phòng được chảy ra khu vực tiền phòng. Điều này giúp giải quyết được tình trạng tắc nghẽn đồng tử. Trước khi thực hiện phương pháp điều trị này, cần đảm bảo giác mạc đã trong và kiểm soát được tình trạng viêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần làm cắt mống mắt chu biên cho cả 2 mắt để đề phòng trường hợp có cơn cấp ở bên mắt còn lại.
3.2. Đối với tình trạng glocom góc đóng mãn tính
Khi bệnh nhân bị mắc bệnh glocom ở dạng đóng góc mãn tính, bán cấp hoặc không thường xuyên xảy ra, thì bác sĩ thường tư vấn cho bệnh nhân điều trị bằng việc cắt mống mắt chu biên để dự phòng việc đóng góc. Tuy nhiên, với dạng bệnh glocom này thì cần chống chỉ định sử dụng laser trong việc tạo hình vùng bè.
Hiện nay, bệnh lý glocom góc đóng vẫn chưa có phương pháp nào để phòng tránh việc mắc phải. Do đó, điều quan trọng nhất cần làm là chúng ta cần chủ động đi thăm khám định kỳ hoặc bất cứ khi nào thấy xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu bất thường.
Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho rất nhiều bệnh nhân. Với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa đầu ngành, cùng hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến, bệnh nhân khi tới thăm khám sẽ được tư vấn tận tình, kỹ càng. Liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất bạn nhé.