Hạt xơ dây thanh quản thường xuất hiện ở những người có đặc thù công việc phải nói nhiều, nói thường xuyên. Bệnh thường gây ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói và sinh hoạt của người bệnh.
Menu xem nhanh:
Hạt xơ dây thanh quản là gì?
Xơ dây thanh quản là tình trạng dây thanh bị tổn thương dạng có khối u nhỏ có chân rộng, mọc cả 2 bên dây thanh gọi là hạt xơ. Các hạt xơ thường mọc ở cả 2 dây thanh và đối xứng nhau và có kích thước tương đương nhau.
Nguyên nhân dẫn đến hạt xơ dây thanh quản
Hạt xơ dây thanh quản thường là kết quả của tình trạng viêm thanh quản mạn tính không được điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Hầu hết xơ dây thanh quản đều không phải là bệnh lý ác tính nhưng lại khá nguy hiểm với bệnh nhân. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng đờm có máu, cổ mọc hạch…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạt xơ dây thanh, trong đó phải kể tới:
- Viêm thanh quản mạn tính không được điều trị dứt điểm.
- Nói nhiều, nói to, nói liên tục trong nhiều giờ liền.
- Người nghiện rượu, thuốc lá.
- Người mắc bệnh viêm họng, viêm xoang mạn hay mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản kéo dài.
Triệu chứng của bệnh xơ dây thanh quản
Triệu chứng thường gặp của bệnh xơ dây thanh quản chủ yếu là: Khản tiếng, mất tiếng do hai dây thanh khép không kín, rung không đều; Khản tiếng tăng nặng khi người bệnh mắc bệnh cảm lạnh hay sau mỗi lần la hét, nói nhiều; Giọng nói thô, phát âm khó, khi nói nhanh thường bị mệt.
Điều trị bệnh xơ dây thanh quản
Điều trị nội khoa
Khi hạt xơ dây thanh còn nhỏ, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh sử dụng nhóm thuốc chống viêm, kháng sinh, súc họng bằng nước muối sinh lý, đồng thời tránh nói to, không uống nước lạnh, rượu và hóa chất, đề phòng khô họng,…
Tuy nhiên, phương pháp điều trị trên chỉ giúp giảm các triệu chứng mà không thể giải quyết tận gốc hạt xơ nên bệnh rất dễ tái phát.
Điều trị ngoại khoa
Nếu hạt xơ to, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật nội soi bóc tách nhằm trả lại sự rung động mềm mại của dây thanh.
Sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh, khàn tiếng có thể vẫn tái phát nên người bệnh cần hạn chế nói một thời gian để thanh quản được phục hồi. Nếu phải thường xuyên nói nhiều, người bệnh nên sử dụng các thiết bị trợ âm nhằm khuếch đại tiếng, hạn chế tác động mạnh đến dây thanh.
Bên cạnh đó, luyện âm là phương pháp quan trọng sau phẫu thuật giúp dây thanh mềm mại và uyển chuyển trở lại, giúp cải thiện chất lượng giọng nói. Việc tập luyện phát âm đòi hỏi phải kiên trì đồng thời cần csos sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để tìm lại giọng nói trong sáng.