Lác mắt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ khi hai mắt không thể nhìn cùng một điểm. Bé bị lác mắt nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến thị lực và cả thẩm mỹ. Vậy dấu hiệu lác mắt ở bé biểu hiện như thế nào và làm sao để chẩn đoán bệnh chính xác?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh lác mắt
1.1. Định nghĩa
Lác mắt là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn do cơ hoặc do tổn thương các dây thần kinh chi phối cơ, dẫn đến việc hai mắt không thể nhìn thẳng mà nhìn theo hai hướng khác nhau. Một vài trường hợp lác mắt phổ biến ở trẻ có thể kể đến:
– Lác trong ở trẻ sơ sinh: Đây là trường hợp mắt nhìn lệch vào bên trong, thường xuyên bắt gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị lác trong không thể nhìn đồng thời bằng cả hai mắt.
– Lác trong do điều tiết mắt: Đây là loại thường gặp nhất ở trẻ em trong độ 2 tuổi hoặc hơn. Với trường hợp này, khi trẻ tập trung hai mắt để nhìn rõ vật thì mắt sẽ nhìn vào trong. Sự chuyển hướng này có thể xảy ra khi trẻ tập trung nhìn vật ở khoảng cách xa, gần hoặc cả hai.
– Lác ngoài: Đây là một dạng khác của lác, nó thường xuất hiện khi trẻ tập trung nhìn vật ở xa. Lác ngoài có thể chỉ xảy ra trong một vài khoảnh khắc, đặc biệt khi trẻ đang mơ màng hoặc mệt mỏi.
Nhìn chung, bệnh có thể gây suy giảm thị lực của trẻ. Cụ thể thị lực tốt được hình thành trong thời thơ ấu khi hai mắt có sự phối hợp tốt khi nhìn. Khi xuất hiện tình trạng mắt lác, não bộ sẽ tập trung vào hình ảnh được thu từ mắt nhìn thẳng và loại trừ hình ảnh từ mắt nhìn lệch, gây ra suy giảm thậm chí mất thị lực bên mắt này.
1.2. Nguyên nhân bé bị lác mắt
Nguyên nhân gây lác mắt là do tổn thương ở dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác hoặc tổn thương tại cơ vận nhãn. Cụ thể:
– Nhược thị thực thể như đục thủy tinh thể,…
– Tật khúc xạ như cận thị nặng, viễn thị không được chữa trị.
– Liệt cơ vận nhãn.
– Di truyền.
– Tổn thương não.
– Tổn thương dây thần kinh vận nhãn.
– Dị dạng hốc mắt.
– Biến chứng: tiểu đường, chấn thương sọ não, down, bại não,…
1.3. Dấu hiệu bé bị lác mắt
Một số dấu hiệu của bệnh có thể kể đến:
– Hay nheo mắt khi nhìn.
– Vật ở phía trước nhưng phải liếc mắt.
Bên cạnh đó một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng song thị. Để giảm triệu chứng này, người bệnh có xu hướng nghiêng đầu về một bên khi quan sát.
2. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị khi bé bị lác mắt
2.1. Các phương pháp chẩn đoán
Một số phương pháp chẩn đoán tại nhà bố mẹ có thể áp dụng cho bé bao gồm:
– Bố mẹ đứng đối diện và nhìn thẳng vào mắt của bé. Nếu thấy hai mắt bé nhìn bạn không đối xứng thì rất có thể bé bị lác.
– Bố mẹ đưa cho bé một món đồ chơi bé yêu thích và quan sát kĩ khi bé nhìn món đồ chơi đó mắt bé có bị lệch sang một bên không. Nếu có, rất có khả năng bé đã bị lác.
Bên cạnh đó khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám chuyên nghiệp. Hầu hết bác sĩ có thể chẩn đoán lác mắt thông qua thăm khám lâm sàng với sự hỗ trợ của kính y học trong việc tìm kiếm điểm khác nhau giữa hai mắt của bé. Ngoài ra, thần kinh và võng mạc mắt của bé cũng sẽ được kiểm tra để loại trừ nguyên nhân gây suy giảm thị lực, khó nhìn là do vấn đề ở hai nơi này.
Bệnh lác mắt ở trẻ có thể xảy ra rất đột ngột nên bố mẹ cần đưa bé đi khám định kỳ 6 tháng trên lần hoặc chú ý tự kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm bệnh. Khi nhận thấy bệnh ở trẻ, cần tiến hành điều trị sớm để đạt hiểu quả cao và tỉ lệ thành công lớn hơn. Các thống kê y khoa đã cho thấy nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị khi trẻ dưới 3 tuổi thì tỉ lệ thành công có thể lên đến 92%.
2.2. Các phương pháp điều trị
Tùy vào từng tình trạng bệnh cũng như độ tuổi của bé, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị lác mắt thích hợp. Mục đích chính của việc điều trị là giúp cải thiện thị lực của bên mắt bị lác tương đương với bên mắt khỏe mạnh. Một vài phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
– Đeo kính hoặc miếng che một bên mắt: Kính chuyên dụng hoặc dụng cụ che mắt sẽ được sử dụng để mắt khỏe hơn, tạo thói quen cho cơ thể và não bộ sử dụng và tiếp nhận hình ảnh từ bên mắt yếu hơn.
– Tập các bài tập: Một số bài tập đơn giản có thể giúp bé nhìn tập trung vào một hướng bằng cả hai mắt. Tuy nhiên việc này cần được thực hiện sớm và thường xuyên để mang lại kết quả như mong đợi.
– Phẫu thuật cơ mắt: Trong nhiều trường hợp lác mắt nặng, bên mắt bị lác quá yếu và không thể tăng cường. cải thiện thì phẫu thuật sẽ được xem xét để điều trị. Bác sĩ sẽ can thiệp vào vùng cơ mắt của bé để hướng nhìn của mắt bị lác được cân bằng. Tuy nhiên phẫu thuật này không thể cải thiện được thị lực của mắt, vì vậy việc tự luyện tập để phục hồi thị lực vẫn rất cần thiết.
Thực hiện phẫu thuật cơ mắt càng sớm, khả năng thành công càng cao đặc biệt là ở các bệnh nhân lác mắt nhỏ tuổi.
2.3. Các phương pháp ngăn ngừa tái phát
Bên cạnh việc điều trị, bố mẹ cần lưu ý áp dụng cho bé bị lác mắt các thói quen sinh hoạt, thói quen nhìn tốt để hạn chế tiến triển bệnh và ngăn ngừa tái phát. Cụ thể:
– Cho bé sử dụng kính hoặc miếng che mắt thường xuyên để luyện tập thị giác.
– Tái khám đúng lịch để kiểm tra tình trạng bệnh và xem xét điều trị phù hợp.
– Thông báo với bác sĩ nếu các biện pháp tự cải thiện thị lực cho bé không đem lại hiệu quả hoặc xuất hiện các tình trạng bệnh khác liên quan đến mắt ở bé.
Trên đây là những thông tin chung về bệnh lác mắt ở trẻ cũng như các phương pháp nhận biết, chẩn đoán và điều trị bệnh. Hi vọng bài viết đã phần nào giúp bố mẹ giải đáp được thắc mắc của bản thân. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bố mẹ có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn và giải đáp nhanh nhất.