9 tháng 10 ngày mang nặng, đẻ đau, người mẹ phải trải qua cả một quá trình thay đổi tâm sinh lý, thay đổi về thể chất để có thể đón con yêu chào đời bình an. Không chỉ vậy, sau sinh, cơ thể người mẹ một lần nữa trải qua sự thay đổi. Quá trình phục hồi trong thời gian ở cữ cần được chú ý sát sao. Người phụ nữ cũng nên chú ý một số điều nhằm giúp cho cơ thể ổn định tốt hơn. Vậy sản phụ đẻ thường xong nên làm gì trong quá trình ở cữ?
Menu xem nhanh:
1. Sau đẻ thường, tại sao chị em phải chú ý đến việc ở cữ?
Thời gian ở cữ sau sinh được coi là khoảng thời gian quan trọng nhất của sản phụ. Những tổn thương và mệt mỏi sau khi hành trình sinh nở kết thúc sẽ được cải thiện trong khoảng thời gian này. Nếu không chú ý giữ gìn, các mẹ có thể gặp phải nhiều di chứng sau sinh, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, sức khỏe sinh lý.
Tầm quan trọng và những lợi ích của việc ở cữ sau sinh đem lại là không thể phủ nhận. Không chỉ vậy, các mẹ còn có thể ở cữ đúng cách, không phải ép mình với những quy tắc cổ hủ, khiến bản thân khó chịu như kiêng tắm gội trong khoảng 1 tháng, kiêng ăn hải sản, bò, gà, rau ngót, nằm ủ than,… Thời gian ở cữ trong khoảng 3 tháng 10 ngày có thể trôi qua một cách nhẹ nhàng với những lợi ích tuyệt vời:
– Ổn định trạng thái, tâm lý của người mẹ:
Sau sinh, người mẹ thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy, quá trình ở cữ, các mẹ sẽ có nhiều thời gian cho bản thân hơn, được chăm sóc, quan tâm nhiều hơn để nhanh chóng ổn định trạng thái, tâm lý sớm.
– Giúp phòng ngừa các vấn đề, bệnh lý hậu sản:
Sinh thường là quá trình người phụ nữ phải trải qua những cơn đau. Người ta thường ví cơn đau chuyển dạ có cường độ ngang với việc gãy 20 chiếc xương sườn. Vậy nên, thời gian ở cữ là cần thiết để sản phụ có thể phục hồi lại cơ thể vốn đã yếu ớt sau sinh.
Quá trình sinh thường, con chào đời qua ngả âm đạo, vậy nên nếu không chăm sóc cẩn thận, không có thời gian ở cữ, bộ phận sinh dục của chị em sẽ không có khả năng phục hồi. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh hậu sản, suy nhược cơ thể là rất cao.
2. Sản phụ đẻ thường xong nên làm gì trong quá trình ở cữ?
Trong thời gian ở cữ, điều mà các mẹ nên làm là chú ý đến quá trình sinh hoạt của bản thân, vệ sinh bộ phận sinh dục, thân thể và ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng khoa học.
2.1. Phụ nữ đẻ thường xong nên làm gì? Ăn uống đủ nhóm chất và không kiêng khem quá đà
Nhiều phụ nữ sau sinh nở thường bị gia đình, người thân gây áp lực rất nhiều trong chế độ dinh dưỡng, ăn uống hàng ngày. Ngoài ra, một số chị em quan tâm tới việc giữ dáng, giảm cân sau sinh cũng thường quá khắt khe trong việc xây dựng chế độ ăn.
Tuy nhiên, việc quá khắt khe trong chế độ ăn sau sinh sẽ khiến các mẹ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như cản trở quá trình tạo sữa. Theo đó, nếu sản phụ không được bổ sung đầy đủ các nhóm chất protein (đạm), carbohydrate (bột đường), lipid (chất béo) và khoáng chất, vitamin (canxi, photpho, sắt, i ốt, vitamin A, D, C và nước), cơ thể sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đề kháng suy giảm, khó ổn định, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, khiến chị em đau mỏi nhiều, hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, tổn thương khó lành,…
Ngoài ra, việc kiêng khem quá đà sẽ dẫn đến cơ thể không có đủ sức để tạo sữa cho con bú. Đặc biệt, các thực phẩm chứa chất xơ, vitamin, khoáng chất rất cần thiết cho việc kích hoạt nội tiết tố, tuyến sữa, nang sữa tiết sữa.
Các mẹ cần hiểu rằng, nhu cầu dinh dưỡng sau sinh sẽ nhằm mục đích cung cấp đủ sữa và đảm bảo chất lượng sữa cho con bú. Vì vậy, mẹ nên nạp đủ:
– Năng lượng: Năng lượng cần thiết lúc này sẽ tương đương với năng lượng cần để cơ thể mẹ bài tiết sữa. Cụ thể, sản phụ cần bổ sung 550 đến 625 kcal/ngày, nhiều hơn so với nhu cầu năng lượng ở người trưởng thành.
– Protein: Protein mà sản phụ cần bổ sung nhiều hơn người trưởng thành từ 20 đến 25gr/ ngày. Đây là lượng protein cần thiết để phục hồi các bó cơ, giúp cho cơ thể của chị em bớt trùng nhão, đồng thời cũng cung cấp đạm cho hoạt động của các cơ quan.
– Lipid (chất béo): Nhu cầu lipid ở sản phụ sau sinh tối đa là 30%. Trong đó, sản phụ được khuyến khích sử dụng các loại chất béo không no thường có trong dầu thực vật, mỡ cá, dầu cá,… Lipid rất quan trọng trong việc cải thiện trí não và thị lực của trẻ thông qua sữa mẹ.
– Vitamin: Một số loại vitamin cần thiết cho việc tăng cường đề kháng, khả năng tự phục hồi của cơ thể và cải thiện chất lượng nguồn sữa mẹ như B2, C, A, folate là những loại vitamin mà các mẹ có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
– Chất khoáng: Các loại khoáng chất như sắt, kẽm và canxi thực sự rất cần cho quá trình tái tạo tế bào máu và cơ xương khớp sau sinh. Đây là những phần bị tổn thương và thiếu hụt ở sản phụ dù là đẻ thường hay đẻ mổ, bởi vậy các mẹ hãy đặc biệt chú ý.
2.2. Vận động nhẹ nhàng, hạn chế tập luyện nặng
Tập luyện sau sinh là một trong những việc mà sản phụ luôn cố gắng làm từ sớm để cải thiện vóc dáng. Không những giúp cải thiện hình thể sau sinh, việc vận động sớm còn giúp máu huyết lưu thông, kích thích quá trình tuần hoàn của cơ thể, cải thiện tình trạng đau nhức cơ, phù nề, mệt mỏi, choáng váng sau sinh.
Tuy vận động luôn được khuyến khích vì nó có thể giúp cải thiện hình thể sau sinh, giúp mẹ bầu giảm cân, nhanh chóng lấy lại vóc dáng, song tập thể dục quá mức lại khiến cơ thể mệt mỏi, khó phục hồi. Các mẹ chỉ nên chú ý đi lại nhẹ nhàng, chậm rãi và vận động chân tay, xoa bóp khi nằm, ngồi, hạn chế tập luyện các động tác nặng và khó thực hiện.
2.3. Hạn chế mang vác nặng
Tương tự như việc vận động mạnh, chị em sau đẻ thường không nên mang vác vật nặng. Điều này khiến cho các bó cơ bị kích thích đột ngột, gây tình trạng căng cứng. Ngoài ra, với phụ nữ đẻ thường có rạch tầng sinh môn, việc làm này có thể khiến vết rạch bị bục, gây áp lực xuống vùng chậu dẫn đến hiện tượng ra máu.
2.4. Dùng thuốc theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa
Đối với các mẹ đang ở cữ, cho con bú sau sinh, việc sử dụng thuốc hay bất cứ loại thực phẩm chức năng nào cũng cần thông qua ý kiến, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bởi lẽ, thời gian cho con bú, tất cả những gì mẹ ăn, uống vào cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa tiết ra, từ đó tác động tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
2.5. Không quan hệ tình dục trong thời gian ở cữ
Sau sinh, tầng sinh môn và âm đạo của người phụ nữ vẫn đang cần thời gian phục hồi. Đặc biệt, với những chị em có thực hiện rạch tầng sinh môn trong quá trình đẻ thường, thời gian phục hồi cần kéo dài hơn. Bởi vậy, việc quan hệ tình dục sớm là một trong những việc mà các mẹ cần tuyệt đối tránh. Điều này vừa giúp hạn chế những biến chứng hậu sản như viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm trùng,… vừa hạn chế được khả năng tổn thương ngả âm đạo, tầng sinh môn.
2.6. Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế để bản thân quá mệt mỏi
Sản phụ đẻ thường xong nên làm gì? Ngoài những vấn đề liên quan tới thể chất, chị em cần quan tâm tới vấn đề phục hồi và ổn định tinh thần sau sinh. Khi tâm trạng quá căng thẳng, mệt mỏi, quá trình tiết sữa cũng sẽ bị ảnh hưởng và từ đó càng khiến mẹ rơi vào “bế tắc” trong thời gian ở cữ.
2.7. Uống nhiều nước, tránh xa thức uống chứa cồn và cafein
Một trong những loại thức uống ảnh hưởng trực tiếp tới sữa và quá trình tiết sữa mẹ sau sinh chính là những loại đồ uống có cồn và cafein. Những chất này có thể đi vào sữa mẹ, ảnh hưởng tới giấc ngủ và tinh thần, sự phát triển não bộ của em bé.
Thay vì uống những loại thức uống này, các mẹ nên uống nhiều nước lọc để kích thích khả năng tuần hoàn và kích thích sữa ra nhiều.
2.8. Chị em đẻ thường xong nên làm gì? Nên tắm nước ấm
Sau khoảng 3 ngày, sản phụ đẻ thường đã có thể lau người, thậm chí tắm gội, vệ sinh cơ thể. Tuy nhiên, các mẹ cần sử dụng nước ấm để vệ sinh cơ thể. Nên thực hiện trong phòng tắm kín gió và thao tác nhanh, tránh để người ướt hoặc ngâm bồn quá lâu.
3. Một số vấn đề sau sinh thường mẹ cần lưu ý
Trong thời gian ở cữ sau sinh, nếu mẹ gặp phải một số dấu hiệu, triệu chứng bất thường này thì nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ hỗ trợ thăm khám:
– Nhiệt độ cơ thể trên 38 độ.
– Vết rạch tầng sinh môn có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng đỏ, đau và có thấy ra máu.
– Sản dịch ra nhiều, kéo dài và có cục máu đông.
– Dịch âm đạo kết cấu bất thường, mùi khó chịu.
– Cơ thể mệt mỏi, khó chịu, nôn nao.
– Tiểu khó, thường xuyên đau khi tiểu tiện.
– Sưng và viêm đau bầu ngực, vú.
– Đau bụng, đau vùng chậu nhiều.
– Có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, luôn mệt mỏi, ủ rũ, mất ngủ thường xuyên, suy nghĩ tiêu cực.
Trên đây là một số việc mẹ đẻ thường xong cần chú ý. Bên cạnh vấn đề đẻ thường xong nên làm gì, các mẹ cũng nên chú ý đến các triệu chứng, biểu hiện bất thường của cơ thể để có thể kịp thời liên hệ với bác sĩ khi cần được hỗ trợ, tránh những biến chứng phức tạp.