Nhiều bệnh viện tại TPHCM đều lên tiếng về tình trạng số trẻ nhiễm mới HIV đang tăng một cách đáng báo động.
Gia tăng số trẻ nhiễm HIV mới
Bé V.T.N.M (4 tháng tuổi, ở Gò Công Đông, Tiền Giang) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM điều trị với chẩn đoán viêm phổi. Tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng, các bác sĩ điều trị cho bé nhưng mãi không hết bệnh. Khi cho bé làm các xét nghiệm kiểm tra thì bé dương tính với HIV. Do bé bị viêm phổi nặng, không đáp ứng với điều trị nên tử vong sau đó.
Mẹ bé cho biết, trong thời gian mang thai chị có đi khám thai một lần ở một bệnh viện, sau đó sinh con tại một phòng khám tư nhân nhưng cả hai mẹ con đều không được phát hiện bị nhiễm HIV. Vì thế, khi bác sĩ thông báo hai mẹ con bị nhiễm HIV, chị rất choáng váng, không biết mình bị lây từ đâu, từ khi nào rồi lây sang con. Kiểm tra kỹ mới biết chị bị lây bệnh từ chồng. Người chồng đã từng có thời gian quan hệ tình dục với gái mại dâm mà không dùng biện pháp bảo vệ nào.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những năm trước, mỗi năm đơn vị chỉ tiếp nhận 1-2 trường hợp trẻ nhiễm mới. Tuy nhiên, 9 tháng năm nay, số trẻ nhiễm mới mà khoa tiếp nhận đã lên đến con số 14, đa số bệnh nhi sống ở TPHCM là dân nhập cư. Và chỉ trong khoảng 1 tháng, đã có 4 trẻ phát hiện bị nhiễm HIV từ mẹ.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ, tại Bệnh viện Hùng Vương là 3 ca. Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM, 8 tháng của năm 2016 có 22 trẻ nhiễm HIV từ mẹ, tăng 4 ca so với năm 2015, trong đó 15 trường hợp đến từ các tỉnh khác. Đặc biệt, trong năm 2016 số trẻ tử vong vì nhiễm HIV gia tăng đột biến, có đến 11 trẻ tử vong.
Trong nửa đầu năm 2016, thành phố đã xét nghiệm cho 618.500 thai phụ, phát hiện 563 thai phụ nhiễm HIV. Theo bác sĩ Trần Thị Đoan Trang, cán bộ phụ trách Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP đang khẩn trương rà soát lại hệ thống dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nhằm hạn chế tình trạng gia tăng này.
Nguy cơ “vỡ trận”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con mặc dù đã được nói đến nhiều nhưng thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, rất nhiều nữ công nhân có thai hoặc chuẩn bị có thai không được tiếp cận với dự phòng lây nhiễm HIV. Thực tế cho thấy, phần lớn các bà mẹ sinh con bị nhiễm HIV đều không biết tình trạng này trước khi sinh. Cùng với đó là tình trạng kỳ thị tại không ít tỉnh thành khiến người mắc bệnh không dám nói bị nhiễm HIV khi đi khám tại bệnh viện địa phương. Bên cạnh đó, một số không nhỏ bác sĩ nội khoa, nội nhi hiểu biết rất ít về HIV nên rất ngại làm công tác tham vấn trong khi trẻ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV, nếu cả bà mẹ và trẻ đều được uống thuốc dự phòng, hầu hết trẻ sẽ không bị lây bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng trẻ vị thành niên và trẻ trưởng thành (sau 18) tuổi, nếu không làm tốt công tác tâm lý phòng hộ, bảo vệ trẻ trong quan hệ tình dục, quan hệ xã hội thì sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bỏ thuốc, không tiếp tục điều trị, dẫn đến tình trạng kháng thuốc ARV và lây nhiễm gia tăng.
Trong tình hình các tổ chức quốc tế đang cắt dần nguồn viện trợ phòng chống HIV cho Việt Nam, các công tác như dự phòng lây nhiễm mẹ sang con, điều trị tâm lý… sẽ gặp không ít khó khăn, cùng với đó là có rất ít các tổ chức xã hội hỗ trợ cho bệnh nhi nhiễm HIV, các bác sĩ cảnh báo, nếu số trẻ lây nhiễm bệnh HIV từ mẹ gia tăng như hiện nay, mỗi năm sẽ phát hiện nhiều ca nhiễm mới. Những ca mới này sẽ là một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc, vì trẻ được sinh ra từ bà mẹ bỏ điều trị thuốc ARV. Khi trẻ kháng thuốc thì trong cộng đồng sẽ bị lây chéo sự kháng thuốc này, làm tình trạng HIV càng nặng.
Theo Lao động