Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là bệnh lý thường gặp phải ở những trẻ sinh non tháng. Đây là bệnh nghiêm trọng, diễn biến nhanh và gây nhiều nguy hiểm khi trẻ mắc phải. Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề liên quan tới bệnh lý này.
Menu xem nhanh:
1. Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân gì?
Bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh xảy ra khi ruột của trẻ bị nhiễm trùng và có nguy cơ hoại tử. Những trẻ sinh non thường mắc bệnh này. Đôi khi cả những trẻ sinh đủ tháng cũng có thể mắc bệnh lý này.
1.1 Nguyên nhân do trẻ sinh non, sinh thiếu tháng
Cho tới hiện nay vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Theo các nghiên cứu thì nguyên nhân có thể do khi trẻ sinh non. Khi này các cơ quan trong hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, ruột chưa trưởng thành. Khi các chức năng còn chưa hoàn thiện vì vậy dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công để gây bệnh.
1.2 Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn
Ngoài ra, sự phát triển của viêm ruột hoại tử có thể do các vi khuẩn trong ruột. Chúng xâm nhập vào cơ thể khi trẻ uống sữa ngoài không đúng cách. Tăng nhanh lượng sữa cho trẻ uống cũng khiến ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa vì chưa kịp thích nghi. Trẻ em mới sinh có sức đề kháng vô cùng yếu ớt vì vậy dễ mắc bệnh.
1.3 Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh do không được cung cấp đủ lượng máu
Một lý do khác là do giảm lưu lượng máu đến ruột. Ruột bị thiếu oxy cũng tác động đến sự phát triển của bệnh lý này.
Xảy ra hiện tượng máu chảy vào ruột gây tổn thương mô. Khi này cơ thể bị mất cân bằng trong điều hòa miễn dịch cũng dẫn tới hoại tử ruột.
2. Các dấu hiệu viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là gì?
Vì trẻ còn rất nhỏ nên các bậc cha mẹ cần nắm rõ các biểu hiện để giúp con phát hiện bệnh sớm. Bệnh viêm ruột hoại tử có một số đặc điểm chung dễ nhận biết như:
– Bụng trẻ phồng lên, chướng bụng
– Trẻ khóc nhiều vì đau bụng. Phần da bụng có màu sắc khác lạ so với các trẻ khác
– Trẻ bị nôn ói, nôn ra dịch
– Quan sát trong phân của trẻ có lẫn máu
– Bé bị hạ thân nhiệt, nhịp tim chậm, thậm chí có thể bị ngưng thở
3. Bệnh viêm ruột hoại tử ở bé sơ sinh có nguy hiểm không?
Bệnh viêm ruột hoại tử khiến ruột bị tổn thương, thủng, dẫn tới viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu khiến bệnh nhi tử vong. Bệnh có tiên lượng rất nặng với tỷ lệ tử vong cao lên tới 28%. Trẻ càng thiếu tháng nhiều thì tỷ lệ biến chứng càng cao.
Trẻ sơ sinh có thể gặp nhiều biến chứng: Khó khăn trong hấp thu chất dinh dưỡng, chậm phát triển,…Những trẻ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cũng có nguy cơ đối diện với các biến chứng lâu dài mà bệnh gây ra. Các vấn đề như: Vấn đề về não và mắt, bại não, hội chứng ruột ngắn cũng có thể xảy ra khi trẻ bị viêm ruột hoại tử.
Tóm lại bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề vì vậy cha mẹ cần hết sức lưu tâm khi con bị sinh non.
4. Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng cụ thể của mỗi bé. Trẻ sẽ được ngừng bú sữa và thay thế bằng việc nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Việc làm này sẽ giúp hệ tiêu hóa không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài để điều trị dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và loại bỏ không khí ra khỏi dạ dày. Trẻ được hỗ trợ hô hấp và thở oxy trong trường hợp khó thở do bụng bị sưng. Đồng thời bác sĩ chỉ định tiến hành chụp X-quang thường xuyên. Hình ảnh thu được từ phương pháp chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ quan sát tình trạng và tiến triển của bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Viêm ruột ở mức độ nặng, ruột bị thủng cần được phẫu thuật để loại bỏ phần ruột hỏng. Sau đó ruột sẽ được nối lại hoặc chuyển qua thành bụng thông qua hậu môn giả. Quá trình điều trị sẽ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ cho tới khi khỏi bệnh. Do trẻ còn quá nhỏ vì thế khi điều trị không thể tránh khỏi những rủi ro. Vì vậy các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới những thay đổi bất thường của con để báo cho bác sĩ kịp thời.
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ em
Để phòng ngừa bệnh các bà mẹ cần thực hiện thăm khám thai định kỳ, chăm sóc sức khỏe chu đáo để ngăn ngừa nguy cơ sinh non. Sau khi sinh trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Hiện nay chưa có cách phòng bệnh đặc hiệu tuy nhiên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh hơn uống sữa công thức. Trong sữa mẹ có nhiều chất bảo vệ giúp đường ruột phát triển tốt. Các kháng thể trong sữa mẹ có khả năng làm giảm vi khuẩn có hại trong ruột.
Để có nguồn sữa dồi dào, các mẹ bỉm sữa cũng cần nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt hạn chế căng thẳng, lo lắng. Khi tâm lý của người mẹ không ổn định, cơ thể sẽ tiết ra một số chất có hại cho sức khỏe của trẻ em.
Khi có con nhỏ các cha mẹ không được lơ là, cần chú ý tới những dấu hiệu bất thường ở trẻ để giúp phát hiện bệnh sớm.
Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ những kiến thức cần thiết về bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Do đối tượng mắc bệnh còn quá nhỏ chính vì vậy các bậc phụ huynh phải là người chủ động trong việc phát hiện và điều trị cho trẻ để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.