Bà bầu bị viêm kết mạc không hiếm gặp, bệnh thường xảy ra vào thời điểm xuân hè. Vậy bị viêm kết mạc khi mang bầu có gây ảnh hưởng đến thai nhi không và bệnh cần được xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin qua bài viết dưới đây của chúng tôi để được giải đáp thắc mắc cũng như nắm được nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm kết mạc
Bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, bệnh thường xảy ra vào mùa xuân hè do nhóm virus Adeno gây ra. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và mọi đối tượng, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Bởi khi mang thai, hệ miễn dịch của bà bầu bị suy yếu, nội tiết tố nữ thay đổi nên rất dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh. Mẹ bầu bị viêm kết mạc nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi.
Do đó, bị viêm kết mạc, mẹ bầu đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên thường xuyên dùng bằng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt hàng ngày nhằm đẩy bớt virus ra khỏi mắt và làm êm dịu mắt.
2. Triệu chứng khi bà bầu bị viêm kết mạc
Tùy vào các tác nhân gây bệnh mà người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau:
2.1 Bà bầu bị viêm kết mạc do virus gây ra
Viêm kết mạc do virus gây ra rất nguy hiểm và có thể lây lan thành dịch bệnh, bệnh có thể bị ở một hoặc cả hai mắt với các biểu hiện như:
– Kết mạc của mắt bị đỏ.
– Mắt bị ngứa, chảy nước mắt, cộm mắt.
– Mi bị phù, có thể xuất hiện giả mạc ở mắt.
– Người bệnh xuất hiện thêm các triệu chứng khác như: ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, nổi hạch…
– Những biến chứng nguy hiểm của viêm kết mạc có thể kể đến như: cảm giác bị chói mắt, giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc…
2.2 Bà bầu bị viêm kết mạc do vi khuẩn
– Người bệnh có các biểu hiện như: gỉ mắt màu xanh hay vàng dính ở 2 mí mắt khi thức dậy.
– Mắt ngứa và chảy nước mắt.
– Kết mạc mắt đỏ.
– Ở những trường hợp nặng có thể gây ra viêm loét giác mạc nặng, giảm thị lực không phục hồi.
2.3 Viêm kết mạc nguyên nhân do dị ứng
Với những trường hợp này, bệnh có thể xuất hiện theo mùa và hay tái phát, bao gồm các biểu hiện:
– Mắt ngứa nhiều và chảy nước mắt.
– Bệnh thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
3. Những nguyên nhân và cách điều trị khi mẹ bầu bị viêm kết mạc
Viêm kết mạc tuy là bệnh cấp tính, dễ lây lan nhưng bệnh lại ít ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sinh hoạt, học tập của người bệnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp, bệnh kéo dài và gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Dưới đây là các nguyên nhân khiến cho mẹ bầu bị viêm kết mạc mà bạn cần lưu ý:
– Nguyên nhân do virus: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, trong đó có khoảng 80% là do virus Adenovirus, bệnh thường dễ lây lan khi tiếp xúc với nước mắt mẹ bầu. Mẹ bầu bị viêm kết mạc di virus có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Việc điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng của bệnh như: chườm mát, rửa mắt bằng nước sạch, tránh cho mắt bị khô, ngứa bằng nước mắt nhân tạo kèm kháng sinh phòng bội nhiễm khuẩn.
– Nguyên nhân do vi khuẩn: Vi khuẩn bao gồm như tụ cầu, hemophilus, influenza… xâm nhập vào mắt. Bệnh có thể gây tổn thương mắt khi không được điều trị kịp thời. Người bệnh có thể được kê kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc tra mắt để điều trị bệnh và giảm các triệu chứng.
– Tác nhân dị ứng (Bụi, phấn hoa, lông động vật, mỹ phẩm, thuốc…): Bệnh thường xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng, bệnh xuất hiện tái đi tái lại nhiều lần có có tính chất theo mùa. Bệnh thường không lây lan và muốn điều trị dứt điểm người bệnh cần tìm ra tác nhân gây dị ứng. Sau đó tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê thuốc chống dị ứng, nước mắt nhân tạo phù hợp để giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
4. Viêm kết mạc ở mẹ bầu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Viêm kết mạc thường không ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên nếu mẹ bầu tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Do đó, mẹ bầu khi bị viêm kết mạc không được tự ý xông lá, đắp thuốc hay áp dụng các bài thuốc dân gian khi chưa có sự hướng dẫn, kiểm chứng bởi việc tự ý chữa trị có thể làm bệnh kéo dài và trầm trọng hơn.
Những lưu ý cho bà bầu để tránh bị viêm kết mạc:
– Bà bầu cần sử dụng khăn mặt và các vật dụng cá nhân riêng.
– Lưu ý không được dụi mắt, cần che miệng, mũi khi hắt hơi.
– Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày, đặc biệt là khi tiếp xúc với người bệnh.
– Lưu ý khi sử dụng kính áp tròng, khi đeo cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ.
– Cần sử dụng kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài đường hoặc làm việc ở môi trường khói bụi, hóa chất…
– Tăng cường bổ sung các vitamin cần thiết cho mắt như: vitamin A, C, E cho mắt..
Với những thông tin chúng tôi vừa chia sẻ, mong rằng sẽ giúp các mẹ bầu có thể giải đáp được thắc mắc về việc mẹ bầu bị viêm kết mạc có ảnh hưởng đến thai nhi không cũng như có thêm thật nhiều kiến thức để quá trình mang thai được suôn sẻ và an toàn. Khi mắt có các biểu hiện bất thường, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn để tìm ra nguyên nhân để từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả, triệt để.