Tất nhiên, khi bị đau răng thì cách chữa đau răng nhanh nhất và hiệu quả nhất là đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong lúc bạn chưa kịp đi khám ngay, hoặc cơn đau răng không quá nghiêm trọng, hãy tham khảo một số phương pháp làm giảm đau răng đơn giản tại nhà dưới đây nhé, nó sẽ giúp bạn giảm thiểu cơn đau hiệu quả tạm thời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu các nguyên nhân gây đau răng
Đau răng có thể do nhiều nguyên nhân từ ít nghiêm trọng cho tới nghiêm trọng, bao gồm:
– Sâu răng, viêm tuỷ
– Miếng trám sâu răng bị hỏng
– Chấn thương răng, nứt răng
– Do mọc răng khôn, răng ngầm
– Viêm nướu, viêm nha chu
– Nướu răng bị nhiễm trùng hoặc áp xe răng: Trường hợp này khá nguy hiểm vì dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng bao gồm: mất răng và xương nâng đỡ vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng tới sức khoẻ. Do đó, nếu do nguyên nhân này, bạn cần đi khám và điều trị khẩn cấp.
Ngoài đau răng, một số dấu hiệu cảnh báo áp xe răng như: nướu sưng đỏ, sốt cao, xuất hiện các vết sưng đỏ trong miệng, răng có máu hoặc mủ, cơn đau nhói ở răng, cảm thấy có vị mặn hoặc khó chịu trong miệng, sưng mặt hoặc hàm…
2. Hướng dẫn 9 cách chữa đau răng nhanh nhất tại nhà
Nếu như cơn đau răng của bạn không xuất phát từ các vấn đề nghiêm trọng hoặc bạn đang chờ đi khám bác sĩ, bạn có thể áp dụng những phương pháp sau đây để giảm đau răng tạm thời nhé.
2.1 Chườm lạnh
Nhìn chung, có hai cách để ngăn chặn hoặc làm giảm cơn đau nhức răng. Một trong những cách chữa đau răng nhanh nhất đó là làm gián đoạn tín hiệu đau đến não, bằng cách chườm túi lạnh hoặc đá lên bề mặt răng khoảng 20 phút mỗi lần. Để không làm hại làn da nướu, bạn nên sử dụng 1 tấm khăn mỏng chẳng hạn như khăn sữa của em bé để bọc ngoài viên đá, sau đó chườm lên răng. Bằng cách này có thể giúp giảm đau và giảm sưng.
2.2 Uống thuốc chống viêm
Đau răng thường do viêm gây ra, do vậy sử dụng thuốc chống viêm chẳng hạn như ibuprofen có thể giúp giảm đau và giảm sưng ở nướu. Tuy nhiên, việc dùng thuốc luôn phải có sự hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa. Một lưu ý nữa đó là đừng vì thấy đỡ mà ngưng thuốc sau 1 lần sử dụng, bởi cơn đau có khả năng quay trở lại. Hãy dùng đúng liều lượng và số lần theo khuyến cáo. Nếu không có ibuprofen, bạn có thể dùng acetaminophen để thay thế; tuy nhiên loại thuốc này chỉ giúp giảm đau chứ không phải thuốc chống viêm.
2.3 Súc miệng bằng nước muối ấm
Súc miệng nước muối được xem là cách chữa đau răng nhanh nhất và khá là hiệu quả, được khuyến cáo bởi các bác sĩ. Nước muối ấm sẽ giúp làm sạch vết nhiễm trùng và giảm đau tạm thời, đồng thời chữa lành vết thương ở miệng và giảm viêm. Bạn lưu ý cần súc miệng và nhổ ra, không nên nuốt vào trong.
2.4 Dùng túi chườm nóng
Chườm nóng cũng giúp bạn giảm cảm giác khó chịu. Bạn có thể dùng túi chườm nóng vào một bên hàm bị đau, hoặc nếu không có túi chườm thì có thể làm túi chườm nóng bằng cách đựng gạo vào chiếc túi vải, sau đó buộc chặt lại và đem quay lò vi sóng cho nóng. Tiếp theo, hãy đặt chiếc túi chứa gạo này vào răng. Hơi nóng từ túi chườm sẽ ngắt tín hiệu đau từ miệng tới não.
2.5 Sử dụng túi trà bạc hà
Túi trà bạc hà có đặc tính làm tê nhẹ, vì vậy sẽ giúp làm dịu cơn đau miệng trong thời gian ngắn. Để dễ chịu hơn, bạn có thể để vào tủ đá vài phút trước khi sử dụng. Bên cạnh chườm lạnh, bạn có thể chườm túi trà ấm, cũng có tác dụng xoa dịu cơn đau răng.
2.6 Dùng tỏi
Từ lâu tỏi được biết đến với rất nhiều công dụng chữa bệnh. Đây cũng là một “bài thuốc” chữa đau răng hiệu quả. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn có hại, nó cũng có tác dụng như một loại thuốc giảm đau. Để sử dụng tỏi chữa đau răng, bạn hãy nghiền nát một nhánh tỏi để tạo hỗn hợp dính và đắp lên vùng bị đau. Ngoài ra, bạn có thể nhai một nhánh tỏi tươi 1 lúc, sau đó nhổ bỏ bã.
2.7 Súc miệng bằng nước lá ổi
Lá ổi có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn nên có thể giảm đau và khử trùng vết thương ở miệng. Để sử dụng, bạn có thể nhai lá ổi tươi hoặc đun sôi lá đã giã nát trong nước để làm nước súc miệng.
2.8 Sử dụng dầu đinh hương
Dầu đinh hương từ lâu được nhiều người biết tới trong việc điều trị đau răng nhờ đặc tính giảm viêm và làm tê dịu cơn đau răng. Đó là do trong dầu đinh hương chứa eugenol, một chất khử trùng tự nhiên có thể khử trùng vết thương miệng. Cách sử dụng như sau: thoa một lượng nhỏ dầu đinh hương lên miếng bông sạch, sau đó chấm vào vùng bị đau. Bạn có thể pha loãng dầu đinh hương với một vài giọt nước, sau đó thấm vào vùng bị đau.
2.9 Nước súc miệng từ cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh mẽ. Để giảm bớt các triệu chứng đau răng, bạn có thể thêm một vài giọt tinh dầu cỏ xạ hương vào nước và làm nước súc miệng. Bạn cũng có thể pha loãng tinh dầu cỏ xạ hương với một vài giọt nước sạch và cho vào bông gòn. Sau đó, đặt nó vào chỗ bị đau, cơn đau sẽ biến mất nhanh chóng.
Hi vọng với các cách chữa đau răng mà chúng tôi vừa nêu trên có thể giúp bạn xóa tan cơn đau của mình. Tuy nhiên, đừng quên rằng những cách trên có thể không mang lại hiệu quả tuyệt đối, bạn cần đi khám nếu như cơn đau không biến mất hoặc có biểu hiện nặng. Tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị triệt để cơn đau. Chẳng hạn như với răng bị sâu, trám răng sẽ khắc phục được tình trạng này. Nếu bị viêm tuỷ răng, bạn cần điều trị và dùng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn….
3. Ngăn ngừa đau răng bằng cách nào?
Cách tốt nhất để đối phó với cơn đau răng là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy đánh răng thật kỹ 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần/ngày để có hàm răng khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, hoặc đồ nếp; Không nhai đá hoặc đồ cứng có thể làm gãy răng. Cuối cùng là lên lịch kiểm tra và làm sạch răng thường xuyên để điều trị các vấn đề răng miệng từ khi chúng còn nhỏ, trước khi nó trở thành các vấn đề nghiêm trọng và cần điều trị tốn kém.