7 dấu hiệu của đột quỵ não cần cảnh giác

Tham vấn bác sĩ

Tai biến mạch máu não nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong và nhiều di chứng nguy hiểm như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức,… Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ 7 dấu hiệu của đột quỵ giúp bạn nhận biết kịp thời, từ đó bảo vệ tính mạng cho bản thân và những người xung quanh. 

1. Đột quỵ và mức độ nguy hiểm

Bệnh đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc ngừng hẳn. Nguyên nhân chính của tình trạng gồm: tắc mạch máu não (thường do xơ vữa động mạch hoặc huyết khối), vỡ mạch máu não (do tăng huyết áp nội sọ, dị dạng mạch máu não, túi phình mạch,…). 

Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng”, người bệnh có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong theo thống kê lên tới 50%. Đáng nói, những ảnh hưởng của đột quỵ đối người bệnh không chỉ ở thời điểm phát bệnh mà còn ở những di chứng sau đột quỵ. Ngay cả khi đã thoát khỏi nguy hiểm tới tính mạng, người bệnh cũng dễ gặp phải các di chứng như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức,… . Bệnh nhân đột quỵ thường phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Họ dễ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. 

Vì vậy, cần nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ để giảm tới mức tối đa những ảnh hưởng của bệnh.

Bệnh đột quỵ là gì? Các dấu hiệu nhận biết của bệnh

Đột quỵ là tình trạng não bị ngưng cung cấp máu đột ngột do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch, dẫn đến tổn thương và hoại tử.

2. Bật mí 7 dấu hiệu của đột quỵ não thường gặp nhất

2.1 Biến đổi khuôn mặt – Một trong 7 dấu hiệu của đột quỵ phổ biến

Dấu hiệu đột quỵ có thể biểu hiện ở những thay đổi trên khuôn mặt của bệnh nhân. Tiêu biểu nhất là lệch, méo 1 bên mặt, lệch nhân trung khiến khuôn mặt trở nên buồn rầu. Nặng hơn, người bệnh có thể bị tê liệt, không cử động được một phần hoặc một nửa khuôn mặt.

Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng oxy trong máu cung cấp cho não bộ giảm, gây tổn thương thần kinh điều khiển cử động của cơ mặt. 

Để xác định rõ hơn tình trạng này, hãy yêu cầu bệnh nhân cười. Nếu thấy nụ cười bị lõm một phần, mặt xệ xuống ở 1 bên thì đó là dấu hiệu tai biến cần cảnh giác.

2.2 Giảm khả năng vận động

Tình trạng rối loạn vận động có thể xảy ra ở các bệnh nhân đột quỵ do lượng máu lên não không đủ. Biểu hiện gồm:

– Khả năng vận động bị thuyên giảm: Thường thể hiện rõ nhất ở cánh tay. Người bệnh thường sẽ cảm thấy cánh tay tê dại, cử động khó hoặc không thể cử động được. Khi được yêu cầu giơ hai tay lên cao, một bên tay của người bệnh sẽ không thể giơ lên được hoặc rũ thõng xuống.

– Liệt nửa người: Sau khi yếu, tê liệt một cánh tay, người bệnh có thể gặp tình trạng tê liệt một phần cơ thể, khó cử động một số bộ phận trên cơ thể dù đã cố điều khiển. Thậm chí người bệnh có thể bị liệt nửa người. 

– Dáng đi bất thường: Người bệnh có thể không đi lại được hoặc đi lại rất khó, dáng đi bất thường do bị rối loạn phối hợp các chi trên cơ thể. Điều này thường xảy ra do giảm lượng máu cung cấp cho não. Nếu trước đó bệnh nhân vẫn đi lại bình thường thì các bất thường này là rất đáng báo động, cần phải đi cấp cứu ngay. Trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn trong việc di chuyển từ trước, cần theo dõi thật kỹ để xem có phải mức độ ảnh hưởng đang tăng dần không hay có nguyên nhân khác.

Méo miệng - 1 trong 7 dấu hiệu của đột quỵ

Những biến đổi trên khuôn mặc như méo miệng, lệch nhân trung,… có thể là một nhóm dấu hiệu đột quỵ.

2.3 Rối loạn ngôn ngữ

Sự xuất hiện của các cục máu đông có thể gây cản trở quá trình lưu thông máu đến vùng não điều khiển việc sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp. Lúc này người bệnh sẽ có các dấu hiệu như nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu, không nói được câu dài. Để kiểm tra, bạn có thể yêu cầu bệnh nhân nói lại 1 câu ngắn. Nếu bệnh nhân không lặp lại được hoặc khó diễn đạt thì rất có thể cơn đột quỵ sắp đến.

2.4 Thị lực giảm dần

Nếu thùy não bộ – cơ quan chịu trách nhiệm về khả năng nhìn – không được cung cấp đủ oxy hoặc hoạt động của thùy não giảm thì có thể gây ảnh hưởng đến thị lực. Do vậy, thị lực giảm dần cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo tai biến cần lưu ý. Triệu chứng này thường chỉ bản thân người bệnh mới nhận thấy, người ngoài khó có thể phát hiện được. Vì thế nếu cảm thấy mọi thứ bắt đầu nhòe mờ đi, người bệnh cần chủ động báo ngay cho người nhà để được đưa đi cấp cứu kịp thời.

2.5 Hoa mắt, chóng mặt

Hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng cũng là một biểu hiện thường gặp của việc thiếu máu não. Dấu hiệu này xảy ra ở hầu hết các trường hợp đột quỵ.

2.6 Đau đầu – Xảy ra thường xuyên nhất trong 7 dấu hiệu của đột quỵ

Thiếu oxy lên não có thể gây cảm thấy đau đầu dữ dội, đau theo cơn và ngày càng khốc liệt. Đau đầu do đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời sẽ có khả năng dẫn đến biến chứng chết não. Vì vậy, nếu gặp dấu hiệu này cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay. 

Đau đầu có phải một trong những dấu hiệu đột quỵ?

Nếu thấy tình trạng đau đầu dữ dội, chóng mặt thì đừng chủ quan vì đó rất có thể là triệu chứng đột quỵ.

2.7 Khó thở

Tình trạng thiếu oxy và suy giảm các chức năng có thể khiến bệnh nhân có thể thấy khó thở, thở hổn hển, tim đập nhanh. Đặc biệt là những trường hợp đột quỵ bắt nguồn từ nguyên nhân tim mạch. 

Ngoài ra, một số người, đặc biệt là nữ giới còn gặp phải tình trạng nấc cục. 

3. Thực hiện phòng tránh ngăn đột quỵ xảy ra

Giải pháp hàng đầu để bạn không phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm bỗng dưng ập đến gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống là thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm. Giải pháp này giúp bạn nhận biết được bản thân mình đang có nguy cơ, từ đó sẽ chủ động hơn trong việc thay đổi lối sống, kiểm soát bằng điều trị để ngăn chặn tối đa khả năng bị đột quỵ.

Trên đây là thông tin về các triệu chứng của đột quỵ biểu hiện đa dạng trên mỗi người bệnh. Bệnh nhân có thể có một vài trong các dấu hiệu tai biến kể trên tùy từng vùng não bị ảnh hưởng và mức độ tổn thương. Có khi những dấu hiệu trên chỉ diễn ra trong thời gian rất nhanh và biến mất hoàn toàn sau đó, được gọi là tiền đột quỵ hay tai biến mạch máu não thoáng qua. Điều này có thể khiến người bệnh chủ quan và dễ đột mặt với cơn đột quỵ thực sự trong tương lai. 

Khi thấy các dấu hiệu của đột quỵ, người bệnh cần được cấp cứu sớm để được khám và xử trí kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital