Khi quan hệ bằng miệng với người mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, cả hai đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Mặc dù phương pháp này giúp giảm khả năng mang thai, nhưng bệnh tình dục lây qua đường miệng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cho cả nam và nữ.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân mắc bệnh do quan hệ tình dục qua đường miệng
Quan hệ tình dục qua đường miệng (còn gọi là quan hệ bằng miệng) có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs). Dưới đây là một số nguyên nhân lây nhiễm khi quan hệ tình dục qua đường miệng:
– Vi khuẩn: Các vi khuẩn có thể lây nhiễm qua đường miệng như chlamydia, gonorrhea và syphilis. Khi tuyến nước bọt chứa vi khuẩn tiếp xúc với bộ phận sinh dục của “đối tác”, chúng sẽ nhanh chóng “xâm nhập” vào sâu bên trong và phát triển thành bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
– Virus: Một số virus cũng có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng miệng, bao gồm virus herpes, virus HPV (gây sùi mào gà) và rất ít khả năng là virus HIV. Các virus này có thể gây ra các bệnh lý khác nhau như: viêm nhiễm, ung thư.
– Nấm: Nấm Candida có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng miệng, gây ra nhiễm trùng nấm ở miệng hoặc họng của người tiếp xúc.
2. 7 bệnh tình dục lây qua đường miệng phổ biến hiện nay
2.1. Lậu
Vi khuẩn gây bệnh Lậu là Neisseria gonorrhoeae, một loại vi khuẩn Gram âm dạng song cầu, có khả năng lây nhiễm qua đường sinh dục, đường miệng hoặc hậu môn. Phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu cũng có thể truyền nhiễm sang con trong quá trình chuyển dạ.
Thời gian ủ bệnh của lậu ngắn, khoảng 2-7 ngày. Ở nam giới, chỉ có 3% – 5% trường hợp nhiễm lậu mà không có triệu chứng. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ gặp vấn đề với tuyến tiền liệt và tinh hoàn. Ở phụ nữ, 70% trường hợp nhiễm lậu không có triệu chứng. Triệu chứng ban đầu thường nhẹ, nhưng nếu không được điều trị, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm vùng chậu, vô sinh, sảy thai…
2.2. Giang mai
Giang mai là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra và chủ yếu lây truyền thông qua quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh giang mai cũng có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc sinh nở, gây ra giang mai ở trẻ sơ sinh.
Chẩn đoán giang mai dựa trên các xét nghiệm máu và/hoặc lấy mẫu từ loét hoặc phát ban. Điều trị giang mai đúng cách có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, giang mai không tự khỏi nếu không được điều trị và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
2.3. Chlamydia
Chlamydia là bệnh tình dục lây nhiễm qua đường miệng phổ biến ở nam và nữ. Nhiều người bị nhiễm Chlamydia không có triệu chứng rõ ràng và nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm vùng chậu, vô sinh, thai ngoài tử cung ở phụ nữ.
Trường hợp lây nhiễm Chlamydia chủ yếu là do quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần xét nghiệm nước tiểu hoặc lấy mẫu từ âm đạo hoặc dương vật của người bệnh.
2.4. HIV
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, dẫn đến bệnh AIDS (Acquired Immunodeficiency Syndrome). HIV lây truyền qua các hoạt động như quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với máu nhiễm HIV, sử dụng chung kim tiêm và từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
Hiện nay, chưa có thuốc chữa khỏi HIV hoàn toàn, nhưng điều trị bằng thuốc chống virus (antiretroviral therapy – ART) có thể giúp kiểm soát virus và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Vì vậy, bệnh tình dục lây nhiễm qua đường miệng nguy hiểm nhất có thể kể tên HIV.
2.5. HPV
HPV là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các chị em phụ nữ. Đây là một nhóm virus gây ra các loại bệnh trên da và niêm mạc, bao gồm: sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn.
Để chẩn đoán HPV, bác sĩ sẽ kiểm tra các nốt sùi mào gà, lấy mẫu tổ chức hoặc xét nghiệm Papanicolaou (Pap test) ở phụ nữ. Điều trị HPV nhằm loại bỏ các nốt sùi mào gà, giảm nguy cơ ung thư và làm giảm triệu chứng sưng ngứa, khó chịu.
2.6. Herpes
Bệnh mụn rộp sinh dục (genital herpes) xuất hiện dưới dạng các ổ mụn nước ở vùng sinh dục, thường hình thành thành từng nhóm và có thể đi kèm sưng hạch trong một số trường hợp. Do không có triệu chứng rõ ràng, bệnh thường chỉ được phát hiện khi có đợt bùng phát, khi đó vùng bị lở loét gần khu vực virus xâm nhập vào cơ thể sẽ phát triển thành các mụn nước đau nhức.
Mụn rộp sinh dục có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh và người có hệ miễn dịch yếu.
2.7. Trichomoniasis
Trichomoniasis, thường được gọi là trich, là một bệnh tình dục lâu nhiễm qua đường miệng phổ biến do ký sinh trùng gây nên. Khi một người nhiễm trichomoniasis ở vùng âm đạo hoặc dương vật, họ có thể lây nhiễm cho người khác thông qua quan hệ tình dục bằng miệng. Người tiếp xúc với trichomoniasis sẽ phát triển bệnh này ở vùng họng.
3. Biến chứng và phòng ngừa các bệnh lây nhiễm do quan hệ tình dục đường miệng
3.1. Biến chứng của bệnh tình dục lây qua đường miệng
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) dễ lây nhiễm, khó điều trị, dễ tái phát và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
– Biến chứng trong thai kỳ: Phụ nữ mang thai có thể gặp sảy thai, sinh non và lây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
– Bệnh về mắt: Các STD như sùi mào gà và giang mai có thể gây ra các vấn đề về mắt như: viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm võng mạc, viêm thượng củng mạc, dẫn đến các bệnh mắt mãn tính và có thể gây mù lòa.
– Vô sinh: Các STD có thể gây tổn thương đến cơ quan sinh dục nam và nữ như: viêm tinh hoàn, viêm buồng tử cung, viêm tắc ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí gây vô sinh.
– Ung thư: Một số loại ung thư ở cổ tử cung, trực tràng và dương vật có liên quan đến virus HPV.
3.2. Phòng ngừa bệnh tình dục lây qua đường miệng
Bệnh lây nhiễm qua đường tình dục lây lan nhanh và dễ tái phát. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể áp dụng một số phương pháp để tránh hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể, các chuyên gia, bác sĩ của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI khuyến khích bạn nên:
– Mối quan hệ 1 – 1, chung thủy: Duy trì một mối quan hệ lâu dài và chung thủy là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.
– Tiêm phòng: Nên tiêm phòng sớm trước khi có tiếp xúc tình dục để đạt hiệu quả cao hơn trong việc ngăn ngừa bệnh. Có các loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa virus gây u nhú (HPV), viêm gan A và viêm gan B.
– Sử dụng bao cao su: Sử dụng bao cao su một cách đồng bộ và đúng cách khi quan hệ tình dục sẽ giúp bảo vệ hiệu quả khỏi nguy cơ lây nhiễm hoặc truyền bệnh cho người khác.
– Thăm khám sức khỏe sinh sản định kì hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường tại các cơ sở y tế uy tín.
Để được tư vấn thêm về sức khỏe sinh sản, nam khoa, phụ khoa, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.