Một số điều kiện ảnh hưởng đến tuyến yên có thể gây ra những rối loạn trong việc giải phóng các hormone, từ đó làm xuất hiện các bệnh lý liên quan đến tuyến này. Trong một số trường hợp, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Dưới đây là 6 bệnh tuyến yên thường gặp mà mọi người cần lưu tâm.
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về tuyến yên
Tuyến yên là tuyến nội tiết chính của cơ thể (hay còn gọi là tuyến chủ). Dù chỉ có kích thước bằng hạt đậu nhưng nó đóng vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận và các bộ phận thuộc hệ thống nội tiết như buồng trứng và tinh hoàn.
Tuyến yên được chia thành 3 thùy: thùy trước, thùy sau và thùy giữa (thùy trung gian). Mỗi thùy lại tiết ra các hormone khác nhau, thực hiện các chức năng tương ứng.
Nhìn chung, nhiệm vụ chính của tuyến yên là sản xuất, giải phóng những loại hormone giúp thực hiện một số chức năng quan trọng của cơ thể như tăng trưởng và phát triển; trao đổi chất; sinh sản; tiết sữa; phản ứng với stress hoặc chấn thương; cân bằng natri (muối) và nước… Ngoài ra, tuyến này cũng tác động đến hoạt động của một số cơ bắp, thận cùng nhiều cơ quan khác.
2. Các bệnh tuyến yên cần lưu tâm
2.1 Bệnh u tuyến yên
U tuyến yên là loại u trong sọ phổ biến, ước tính cứ 10 người trưởng thành sẽ có 1 người bị u tuyến yên. Hầu hết các khối u này đều không liên quan đến ung thư, phát triển chậm, không biểu hiện triệu chứng rõ ràng và thường không cần phải điều trị.
Tuy nhiên khi khối u phát triển, nó có thể kích thích tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone (u tuyến yên chức năng) hoặc khiến tuyến này sản xuất quá ít hormone (u tuyến yên không chức năng), dẫn đến các triệu chứng và biến chứng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Tùy thuộc vào kích thước u tuyến yên, loại hormone tiết ra mà người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như:
– Suy giảm thị lực: nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực ngoại vi.
– Đau đầu
– Thiếu hụt nội tiết tố: các triệu chứng có thể khác nhau tùy vào loại hormone thiếu hụt (như mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, da tóc khô, sưng đầu chi, nhịp tim chậm, táo bón, huyết áp thấp…)
Khi khối u gây ra các triệu chứng, dựa trên ảnh hưởng của khối u, tình trạng sức khỏe và mong muốn của người bệnh, bác sĩ sẽ can thiệp điều trị. Phương pháp phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ u tuyến yên.
2.2 Bệnh suy tuyến yên
Suy tuyến yên là bệnh lý khá hiếm gặp, liên quan đến suy giảm chứng năng tuyến yên, khiến tuyến này không sản xuất đủ các hormone đáp ứng nhu cầu cần thiết của cơ thể. Người mắc u tuyến yên có thể thiếu hụt một hoặc nhiều loại hormone.
– Thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH): gây chậm lớn ở trẻ em và rối loạn quá trình trao đổi chất ở người trưởng thành.
– Thiếu hụt hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone hình thành hoàng thể (LH): dẫn đến chứng suy sinh dục trung ương, ảnh hưởng đến khả năng tình dục và chức năng sinh sản. Ở phụ nữ có thể có các triệu chứng như bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt hoặc tắt kinh, rụng lông mua, không thể sản xuất sữa (với người vừa sinh con). Đối với nam giới, bệnh có thể gây rối loạn cương dương, rụng lông trên cơ thể, tâm trạng thất thường…
– Thiếu hụt hormone kích thích thích tuyến giáp (TSH): gây chứng suy giáp với các biểu hiện mệt mỏi, tăng cân, da khô, táo bón, khó chịu lạnh.
– Thiếu hụt hormone vỏ thượng thận (ACTH): gây suy thượng thận trung ương. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, huyết áp thấp, dễ nhiễm trùng, lú lẫn, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
Đối với suy tuyến yên, việc điều trị chủ yếu thực hiện bằng cách sử dụng liệu pháp thay thế, đồng thời theo dõi việc đáp ứng thuốc thông qua xét nghiệm.
2.3 Đột quỵ tuyến yên
Đột quỵ tuyến yên là bệnh tuyến yên xảy ra khi nguồn cấp máu nuôi tuyến yên bị thiếu hụt trầm trọng hoặc một vùng mô tại tuyến này bị xuất huyết (thường liên quan đến sự hiện diện của khối u tuyến yên). Đây là bệnh cấp tính với các triệu chứng khởi phát đột ngột. Người bệnh có thể có các triệu chứng như đột ngột nhức đầu nghiêm trọng, buồn nôn, nôn mửa, suy giảm thị lực… Một số triệu chứng khác như: suy thận cấp, tụt huyết áp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ tuyến yên nhưng bệnh thường có nguy cơ xảy ra cao hơn với các trường hợp từng có chấn thương tại vùng đầu, người có bệnh lý tăng huyết áp, từng phẫu thuật tim, người đang được điều trị bệnh bằng thuốc chống đông máu, có tiền sử xạ trị tuyến yên, phụ nữ đang trong thai kỳ…
Đột quỵ tuyến yên là một tình trạng khẩn cấp, có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
2.4 Bệnh tuyến yên – Đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt là rối loạn nội tiết hiếm gặp, liên quan đến sự suy giảm bài tiết hormone chống bài niệu (ADH) từ tuyến yên, gây mất nước tự do qua thận. Triệu chứng chính của đái tháo nhạt là người bệnh đi tiểu quá nhiều lần trong ngày (khoảng cách giữa mỗi lần đi tiểu chỉ cách nhau 30 phút hoặc ngắn hơn), lượng nước tiểu nhiều và nhạt màu.
Do liên tục đi tiểu nên người mắc bệnh thường xuyên cảm thấy khát và thèm nước lạnh. Nếu lượng nước uống không đủ đề bù lại lượng nước đã mất qua đi tiểu, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng mất nước như: chuột rút, đau đầu, chóng mặt, da khô, miệng khô… Đây là tình trạng nghiêm trọng vì khi diễn ra trong thời gian dài có thể gây rối loạn điện giải, giảm thể tích máu. Người bệnh vì thế cần được điều trị kịp thời.
2.5 Bệnh tuyến yên – To cực chi
Khi tuyến yên tăng tiết hormone tăng trưởng (GH) quá mức có thể dẫn đến bệnh tuyến yên to cực chi. Bệnh điển hình bởi sự phì đại, gia tăng kích thước các bộ phận trên cơ thể như: tay, chân, mũi, môi, trán… Tuy nhiên do bệnh thường tiến triển chậm nên chỉ có thể thấy rõ sự thay đổi khi so sánh ảnh chụp chân dung hiện tại và quá khứ.
Song song với sự phát triển bất thường ở các mô, xương, người bệnh bị to cực chi cũng có thể có các triệu chứng như đau đầu, đau khớp, tăng huyết áp, ngủ ngáy, giảm thị lực, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (với nữ), giọng trầm hơn… Tương đương với các triệu chứng này là các bệnh lý liên quan như viêm cột sống dính khớp, hội chứng ống cổ tay, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, suy tim, thậm chí gia tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa do rối loạn trao đổi chất.
2.6 Hội chứng Cushing
Khi tuyến yên tăng tiết hormone vỏ thượng thận (ACTH) quá mức sẽ kích thích tuyến thượng thận tạo cortisol là nguyên nhân thường gặp nhất gây hội chứng Cushing. Triệu chứng bệnh có thể khác nhau phụ thuộc vào mức độ dư thừa cortisol, có thể bao gồm: béo phì, teo cơ, tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương, rối loạn cảm xúc, sạm da, tiểu nhiều, chậm phát triển ở trẻ…
Phương pháp điều trị hội chứng Cushing do u tuyến yên phổ biến là phẫu thuật. Ngoài ra trong một số trường hợp có thể điều trị xạ trị hoặc điều trị nội khoa nếu người bệnh không đáp ứng phẫu thuật.
Nói tóm lại, tuyến yên đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống nội tiết và sức khỏe tổng thể. Khi xảy ra bất thường tại tuyến yên sẽ dẫn đến các bệnh tuyến yên. Tùy thuộc vào loại bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và trạng thái sức khỏe của người bệnh mà có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ, âm thầm đến các vấn đề nghiêm trọng, biến chứng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Thăm khám định kỳ là phương pháp giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nhằm có hướng điều trị kịp thời.