5 Cách chăm sóc sức khỏe sau khi tiêm ngừa vacxin

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Sau khi tiêm ngừa vacxin, cơ thể trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như sốt, sưng tấy vết tiêm, khó chịu, đau nhức… Tuy nhiên đây là những phản ứng thông thường của cơ thể. Để trẻ nhanh phục hồi và khỏe mạnh hơn, phụ huynh nên chú ý hơn trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ sau tiêm.

1. Những tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm ngừa vacxin

1.1. Sốt – Phản ứng thường gặp sau khi tiêm ngừa vacxin

Sốt là phản ứng thường gặp ở trẻ sau khi tiêm chủng. Đa số trẻ đều xuất hiện biểu hiện này sau khi tiêm, nhưng thường ở tình trạng sốt nhẹ, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi cơ thể bị sốt, cha mẹ cần theo dõi kiểm tra nhiệt độ của trẻ 2 – 3 giờ/lần hoặc 15 – 30 phút nếu trẻ bắt đầu sốt trên 38 độ C.

Nếu cơ thể sốt trên 38.5 độ C thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sốt dưới 38 độ C cần theo dõi nhiệt độ cơ thể và chườm ấm hoặc dán miếng hạ sốt.

1.2. Phản ứng tại vị trí tiêm

Trong một số trường hợp sau tiêm, tại vị trí vết tiêm có thể bị sưng, đỏ, đau hoặc cứng. Tình trạng này cũng có thể tự khỏi sau một vài ngày và không cần điều trị y khoa.

Tuyệt đối không được đắp bất kỳ vật gì lên vị trí vết tiêm như chanh, khoai tây… hoặc chườm đá, chườm nước nóng. Nếu trẻ có hiện tượng sưng đau vị trí tiêm, quấy khóc nhiều cần thông báo với bác sĩ để nhận chỉ định sử dụng thuốc.

Trong trường hợp đặc biệt có thể xuất hiện bầm tím ngay tại vị trí tiêm, nhất là đối với trẻ có bệnh lý về máu như giảm tiểu cầu.

sau khi tiêm ngừa vacxin

Tại vị trí vết tiêm bị sưng, đỏ, đau hoặc cứng có thể xuất hiện sau tiêm vacxin

1.3. Da phát ban đỏ hoặc nổi mụn nước

Sau khi tiêm ngừa vacxin sởi, sởi – quai bị – rubella có thể xuất hiện phát ban giả sởi trên da sau tiêm từ 5 đến 12 ngày. Tiêm vắc xin phòng thủy đậu sau 3 – 4 tuần cùng có một số ít trường hợp nổi mụn nước trên da như mụn nước của thủy đậu nhưng với số lượng ít và biến mất sau 1 – 2 ngày.

1.4. Rối loạn tiêu hóa nhẹ

Một số trường hợp trẻ sau khi tiêm vắc xin phòng tiêu chảy do rotavirus cũng có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đi ngoài nhiều lần (5 – 6 lần/ngày) và phân loãng hơn. Tuy nhiên, phản ứng này sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày mà không cần sử dụng thuốc hay men tiêu hóa.

1.5. Triệu chứng giả cúm

Một số trường hợp sau tiêm vacxin phòng cúm xuất hiện tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi trong, đau đầu và đau cơ nhẹ… Đây là những triệu chứng giả cúm sau khi tiêm ngừa vacxin. Triệu chứng này cũng có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày.

Khi trẻ sốt, sưng đau ở vị trí tiêm hoặc có xuất hiện một số phản ứng phụ sau tiêm, cơ thể trẻ cũng có thể khó chịu nên trẻ sẽ quấy khóc nhiều hơn, ăn uống kém hơn bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số phản ứng xảy ra quá mức thông thường hoặc là dấu hiệu sớm của phản ứng phản vệ. Do vậy sau khi tiêm xong, nên  cho trẻ nán lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng có thể xảy ra để xử lý kịp thời. Sau đó khi về nhà, cần tiếp tục theo dõi tình trạng cơ thể tối thiểu từ 24 – 48 giờ sau tiêm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

1.6. Một số phản ứng nặng sau tiêm

Những phản ứng nặng này rất hiếm có thể xảy ra, nên để đảm bảo an toàn cần cho trẻ tới cơ sở y tế ngay. Những phản ứng nặng có thể xảy ra sau tiêm:

– Sốc phản vệ.

– Phản ứng mẫn cảm cấp tính kèm với triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng, thanh quản phù nề, phát ban toàn thân…

– Sốt cao liên tục trên 38.5 độ C.

– Quấy khóc dai dẳng kèm theo la hét.

– Co giật.

– Áp xe tại vị trí tiêm.

– Nhiễm khuẩn huyết.

tiêm phòng vacxin

Nếu có xuất hiện những phản ứng phụ bất thường nên chủ động tới cơ sở y tế để điều trị kịp thời

2. Nguyên tắc ăn uống cần biết sau khi tiêm vacxin

2.1. Sau khi tiêm ngừa vacxin nên ăn những thực phẩm nào?

Để cơ thể có thể sản sinh nhanh miễn dịch, cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Sau khi tiêm mọi người nên bổ sung một số loại thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch:

– Nước: Có vai trò trong quá trình hấp thu, chuyển hóa và đào thải. Do vậy, việc bổ sung nước sau khi tiêm vắc xin vô cùng quan trọng, nhất là khi tiêm vào những ngày nắng nóng. Ngoài nước tinh khiết, bạn có thể bổ sung nước ép trái cây để tăng cường vitamin cho cơ thể. Nên chia nhỏ lượng nước, uống từ từ sẽ tốt hơn và làm giảm cơn khát hiệu quả.

– Cá: Trong cá có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, kẽm, sắt, omega – 3. Các dưỡng chất này giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm tốt.

– Thực phẩm giàu vitamin A: Là một dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và biệt hóa tế bào miễn dịch. Ngoài ra, còn bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp.

– Thực phẩm giàu vitamin C và E: Chất chống oxy hóa mạnh cho cơ thể, bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào giúp nâng cao sức đề kháng.

– Thực phẩm giàu vitamin D: Là chất quan trọng, giúp làm điều hòa những phản ứng miễn dịch (có trong thực phẩm từ sữa, cá, trứng…).

– Thực phẩm giàu kẽm: Là nhân tố giúp tăng cường miễn dịch giúp vết thương nhanh chóng hồi phục, duy trì vị giác và khứu khác (có trong tôm, cua biển, ghẹ….).

sau khi tiêm ngừa vắc xin

Một số loại thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch nên bổ sung sau tiêm

2.2. Loại thực phẩm không nên ăn sau tiêm vacxin

Bên cạnh những loại thực phẩm cần bổ sung sau khi tiêm ngừa vắc xin, bạn nên kiêng hoặc hạn chế một số loại thực phẩm không tốt trong quá trình phục hồi sức khỏe gồm:

– Chất kích thích: Nên tránh sử dụng thuốc lá, bia, cà phê đặc biệt là rượu sau khi tiêm. Rượu có thể gây ức chế miễn dịch, giảm khả năng ngừa nhiễm trùng và làm cơ thể bị mất nước. Ngoài ra, rượu cũng làm cho quá trình phân biệt phản ứng của rượu và vacxin khó khăn.

– Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm rất có hại cho cơ thể. Sau khi tiêm, bạn nên hạn chế thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…

Tùy từng cơ địa mỗi người sẽ có các phản ứng khác nhau. Do đó, nên cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tạo ra các kháng thể bảo vệ sức khỏe trẻ. Bài viết trên là một số cách chăm sóc sức khỏe đối với người sau khi tiêm ngừa vacxin. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp thêm, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital