Bệnh phù võng mạc (phù hoàng điểm) là một loại bệnh lý về mắt thường gặp ở bệnh nhân bị tiểu đường. Khi mắc bệnh, các mạch máu vùng võng mạc bị tổn thương gây rò rỉ dịch, làm phù hoàng điểm và dẫn tới suy giảm thị lực trung tâm, thậm chí mù lòa nếu không kịp thời điều trị. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Nguy cơ phù võng mạc ở bệnh nhân tiểu đường
Võng mạc là lớp mô thần kinh ở mắt, hoạt động như một cuốn phim ở trong máy quay. Khi ánh sáng đi vào bên trong mắt, nó sẽ xuyên qua vùng giác mạc và thủy tinh thể sau đó được hội tụ trên võng mạc. Hoàng điểm là vùng trung tâm võng mạc, đảm nhiệm chức năng thị giác rõ nét và quan trọng nhất của võng mạc.
Bệnh tiểu đường khiến tổn thương mạch máu, trong đó có hệ mạch võng mạc, gây tắc nghẽn vi mạch và rò rỉ dịch. Hậu quả là làm tích tụ dịch tại hoàng điểm, dẫn tới phù hoàng điểm. Phù võng mạc (phù hoàng điểm) do tiểu đường có thể xảy ra ở cả tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Khoảng 8% bệnh nhân tiểu đường bị phù hoàng điểm gây suy giảm thị lực.
Khoảng gần 50% bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường có biến chứng phù hoàng điểm. Nguy cơ bị phù hoàng điểm sẽ gia tăng khi bệnh võng mạc tiểu đường nặng thêm. Tuy nhiên, biến chứng này có thể bắt gặp ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh võng mạc tiểu đường.
2. Dấu hiệu bệnh phù võng mạc do tiểu đường
Đây là bệnh lý có diễn tiến âm thầm, không xuất hiện triệu chứng báo hiệu sớm. Bệnh nhân thường chỉ đến khám và được chẩn đoán khi bệnh đã có biến chứng là giảm thị lực.
Dấu hiệu mà người mắc bệnh phù võng mạc có thể cảm nhận được đó là:
– Mất thị lực từng mảng
– Nhìn mờ.
– Nhìn đục.
– Khó phân biệt được màu sắc…
Tuy nhiên, khi xuất hiện những triệu chứng trên thì thị lực đã giảm. Việc điều trị ở giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn và hiệu quả thấp hơn so với điều trị từ sớm. Vì vậy, tốt nhất là người bệnh tiểu đường cần đi khám mắt định kỳ để được tầm soát, điều trị ngay khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hoàng điểm
3.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh phù võng mạc
Để chẩn đoán bệnh phù hoàng điểm, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các danh mục như sau:
– Kiểm tra thị lực: Người bệnh sẽ được đánh giá thị lực bằng phương pháp cơ bản với bảng đo thị lực và những dòng chữ nhỏ nhất. Qua đây, bác sĩ sẽ có đánh giá cơ bản về thị lực của bệnh nhân và xác định xem bệnh nhân bị mất thị lực do phù hoàng điểm hay không.
– Kiểm tra mắt khi giãn đồng tử: Phương pháp này sẽ hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ hơn võng mạc. Nó cũng cung cấp thêm thông tin về tình trạng của hoàng điểm và giúp bác sĩ phát hiện sự rò rỉ mạch máu hoặc u nang.
– Chụp mạch huỳnh quang: Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh bị mắc phù hoàng điểm, bác sĩ có thể chỉ định chụp động mạch bằng huỳnh quang. Bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc cản quang đặc biệt vào vùng cánh tay. Nhờ đó, máy chụp sẽ ghi lại nơi mà thuốc cản quang đi qua. Đối với trường hợp mạch máu bị tắc, thuốc cản quang sẽ không thể đi xuyên qua và trên hình ảnh sẽ hiện màu tối tại khu vực đó. Xét nghiệm này sẽ giúp xác định mức độ tổn thương và mức độ phù nề của hoàng điểm.
– Chụp cắt lớp quang học OCT: Bác sĩ sử dụng một loại ánh sáng đặc biệt để nhìn rõ được các lớp tế bào bên trong võng mạc, cũng như xác định mức độ sưng ở hoàng điểm. Sau điều trị, cùng với phương pháp chẩn đoán hình ảnh này, các bác sĩ sẽ biết được hiệu quả của việc chữa trị và theo dõi tình trạng sức khỏe cho người bệnh.
– Lưới Amsler: Phương pháp này có thể giúp bác sĩ phát hiện được những thay đổi nhỏ nhất ở tầm nhìn trung tâm của bệnh nhân.
3.2. Phương pháp điều trị bệnh phù võng mạc
Dựa vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất. Một số phương pháp giúp điều trị căn bệnh này có thể kể đến như:
– Laser hoàng điểm (tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là để lại vết sẹo trên võng mạc, chỉ điều trị hết phù chứ và không giúp bệnh nhân cải thiện được thị lực).
– Tiêm thuốc nội nhãn: Phương pháp này giúp thị lực của bệnh nhân có thể được cải thiện và duy trì tốt hơn, nhưng cần phải tiêm nhiều lần kết hợp theo dõi chặt chẽ. Thuốc cũng có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
– Phẫu thuật cắt dịch kính: Một số trường hợp bệnh nhân mắc phù hoàng điểm bởi tình trạng thủy tinh thể kéo theo điểm vàng. Với trường hợp này, bác sĩ có thể lựa chọn phẫu thuật để loại bỏ dịch kính. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể ra về trong ngày.
Điều trị sớm bệnh phù hoàng điểm do tiểu đường sẽ giúp cho bệnh nhân bảo tồn và/hoặc cải thiện được thị lực của mình.
4. Một số cách phòng ngừa bệnh phù hoàng điểm
– Kiểm soát tốt lượng đường huyết và những yếu tố nguy cơ khác đi kèm như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp,…
– Không hút thuốc lá.
– Luyện tập thể dục đều đặn.
– Kiểm soát tốt cân nặng và không để xảy ra tình trạng bị thừa cân, béo phì.
– Đi khám mắt định kỳ, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường.
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh phù võng mạc, phương pháp chẩn đoán cũng như biện pháp điều trị bệnh. Theo các bác sĩ, việc thăm khám mắt định kỳ có thể giúp nhận biết bệnh ngay khi chưa có biểu hiện ra bên ngoài và nâng cao hiệu quả điều trị. Đối với người có nguy cơ mắc bệnh cao thì việc thăm khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường lại đóng vai trò càng quan trọng hơn. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được giải đáp kịp thời nhé!