Khi trẻ vừa được sinh ra hệ miễn dịch còn non nớt, nếu không may tiếp xúc với vi khuẩn sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng. Đặc biệt với những vi khuẩn nguy hiểm như trực khuẩn lao có khả năng lây truyền qua không khí và gây nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong những tháng đầu đời, việc tiêm phòng vắc xin lao phổi là cực kỳ quan trọng. Hãy cùng lắng nghe những lời khuyên dưới đây để chuẩn bị cho trẻ quá trình tiêm vắc xin phòng bệnh lao phổi an toàn nhất.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu rõ những thông tin cơ bản về vắc xin phòng bệnh lao phổi
Để có quá trình tiêm an toàn, cha mẹ trước hết cần hiểu và nắm rõ những thông tin cơ bản về vắc xin phòng lao phổi.
1.1. Thông tin cơ bản về vắc xin phòng bệnh lao phổi BCG
Vắc xin phòng lao phổi BCG (Bacille Calmette – Guerin) là vắc xin được sản xuất ngay tại Việt Nam. Vắc xin BCG giúp phòng ngừa hiệu quả các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Cụ thể là vắc xin BCG ngăn chặn sự hình thành của các thể lao sơ nhiễm, lao thứ phát, ngăn ngừa các diễn tiến lao nặng như: lao kê, phế quản phế viêm lao, lao màng não,… Vắc xin được bác sĩ khuyến khích tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất có thể bảo vệ sức khỏe trọn đời trước vi khuẩn lao, không cần tiêm nhắc lại.
1.2. Chỉ định và chống chỉ định khi tiêm vắc xin phòng bệnh lao phổi BCG
Đối tượng chỉ định tiêm vắc xin phòng lao phổi
Vắc xin phòng ngừa lao được áp dụng cho tất cả mọi người. Đặc biệt, ở những nước có nguồn lây nhiễm lao cao thì nên tiêm chủng phòng lao phổi càng sớm càng tốt.
Đối với trẻ sơ sinh, vắc xin phòng lao (BCG) được chỉ định tiêm cho trẻ có cân nặng từ 2kg trở lên và tiêm càng sớm càng tốt trong 30 ngày sau khi sinh. Việc tiêm vắc xin phòng lao phổi muộn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do hệ thống miễn dịch lúc này còn yếu ớt.
Đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng lao phổi
– Không tiêm vắc xin cho trẻ sinh ra có mẹ bị nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng tốt và dẫn đến lây truyền từ mẹ sang con.
– Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin như dị ứng với các thành phần của vắc xin.
Đối tượng hoãn tiêm vắc xin phòng lao phổi
– Đang mắc các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, đang sốt.
– Đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị thuốc có chứa thành phần corticoid, globulin miễn dịch.
– Cân nặng dưới 2 kg.
– Trẻ có tuổi thai dưới 34 tuần. Tiêm chủng vắc xin lại khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
2. Những lưu ý sau khi tiêm vắc xin lao phổi BCG cho trẻ
2.1. Khi trẻ xuất hiện các phản ứng phụ sau tiêm, cha mẹ cần làm gì?
Với những phản ứng phụ thông thường, các phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm chăm sóc trẻ tại nhà. Cụ thể:
– Cha mẹ cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn sau khi tiêm.
– Bế và quan sát các biểu hiện của trẻ thường xuyên, chú ý không chạm hay đè vào chỗ tiêm.
– Phản ứng tại chỗ tiêm gồm các triệu chứng đỏ và/hoặc sưng tại chỗ tiêm có thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Điều trị triệu chứng đau hoặc viêm đỏ với các thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
– Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ): cần cho trẻ uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng.
– Nếu viêm hạch bạch huyết thường là tự lành và không cần điều trị. Viêm hạch bạch huyết kể cả viêm hạch bạch huyết có mủ biểu hiện có 1 hạch lympho sưng to trên 1,5cm (bằng 1 đầu ngón tay người lớn) hoặc có 1 hốc rò rỉ trên 1 hạch lympho. Tình trạng này xảy ra trong vòng 2 đến 6 tháng sau khi tiêm vắc xin BCG. Trường hợp tổn thương dính vào da hoặc bị rò rỉ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu.
– Bầm tím hoặc chảy máu do giảm tiểu cầu thường là triệu chứng nhẹ và tự khỏi. Trường hợp trẻ bị nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc Steroid và truyền khối tiểu cầu.
2.2. Trường hợp nào cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị
Nếu xuất hiện một số phản ứng nặng sau tiêm chủng, cha mẹ phải khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị:
– Sốt cao trên 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ hoặc sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.
– Quấy khóc kéo dài, kém triệu chứng mệt xỉu, li bì và hôn mê.
– Nôn trớ, bú kém, bỏ bú.
– Phát ban.
– Co giật.
– Thở gấp, khó thở co kéo hõm ức hoặc thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chân tay.
– Chân tay lạnh, tím tái.
2.3. Lưu ý chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc xin phòng lao phổi
– Chú ý thường xuyên theo dõi biểu hiện trẻ sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất 24 giờ sau tiêm.
– Cha mẹ có thể cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm.
– Nếu trẻ sốt có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
– Vị trí được tiêm cần được giữ gìn sạch sẽ và khô thoáng. Cha mẹ chỉ nên sử dụng nước sạch hoặc nước ấm để làm sạch vết tiêm khi cần thiết. Tuyệt đối không được sử dụng dung dịch sát trùng, thuốc mỡ hoặc kem bôi.
– Không được dùng băng dán vết thương trực tiếp lên vết tiêm chủng. Trong trường hợp cần phải băng bó thì nên sử dụng băng khô với băng dính dán dọc hai bên, cho phép không khí được lưu thông qua vết tiêm.
Trên đây là những lời khuyên dành cho cha mẹ khi tiêm chủng phòng lao phổi dành cho trẻ. Nếu cha mẹ còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất nhé!