Viên đặt phụ khoa là một trong những loại thuốc điều trị viêm nhiễm âm đạo phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới. Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em có cái nhìn đầy đủ về các loại viên đặt phổ biến hiện nay, cùng một vài lưu ý trong quá trình sử dụng.
Menu xem nhanh:
1. Các loại thuốc đặt phụ khoa mà chị em nào cũng biết
Chị em nào cũng có thể bị viêm phụ khoa ít nhất một lần trong đời, đặc biệt sau khi đã phát sinh quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vì lý do tế nhị mà nhiều người thường ngại đi khám. Thay vào đó, các chị em lưa chọn cách điều trị tại nhà bằng thuốc, phổ biến nhất hiện nay là viên đặt phụ khoa. Đây là một dạng thuốc được đặt vào âm đạo để điều trị các bệnh lý phụ khoa khác nhau, bao gồm: Nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn, nhiễm nấm men, viêm âm đạo do vi khuẩn, viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung,…
Trên thị trường hiện đang bày bán nhiều loại viên đặt với các dạng bào chế khác nhau là viên nén, viên nang và viên đạn. Hầu hết các loại viên đặt âm đạo đều chứa thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, thuốc chống nấm, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau để giảm thiểu cảm giác khó chịu vùng âm đạo. Các thành phần này có khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng hoặc khôi phục sự cân bằng bình thường của âm đạo. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc khác, kết hợp vệ sinh tại nhà và thay đổi lối sống khoa học nhằm đạt được hiệu quả của thuốc. Hai loại viên đặt điều trị bệnh phụ khoa phổ biến hiện nay là:
– Loại chứa một kháng sinh: Dùng dưới chỉ định và kê đơn của bác sĩ. Thông qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ tìm ra loại vi khuẩn gây viêm nhiễm để kê đơn với liều lượng phù hợp. Loại thuốc này có khả năng tấn công thẳng vào một tác nhân gây bệnh cụ thể, đem lại hiệu quả nhanh và ít gây tổn hại đến hệ vi sinh âm đạo.
– Loại chứa nhiều kháng sinh: Dùng cho trường hợp bị viêm phụ khoa do nhiều loại vi khuẩn gây ra. Thành phần thuốc chứa nhiều loại kháng sinh với phổ diệt khuẩn rộng rãi. Tuy nhiên, cũng vì thế mà loại viên đặt này có thể tiêu diệt cả những loại vi sinh có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo. Tình trạng này có thể kéo theo một số bệnh lý phụ khoa khác.

Trên thị trường có nhiều loại viên đặt phụ khoa với bào chế khác nhau
2. Đọc kỹ trước khi sử dụng viên đặt phụ khoa
Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất, chị em nên đọc kỹ những thông tin dưới đây trước khi quyết định sử dụng viên đặt chữa bệnh phụ khoa.
2.1. Thời gian ra bã của mỗi loại viên đặt phụ khoa là khác nhau
Viên thuốc sau khi được đặt vào âm đạo sẽ hoạt động nhờ vào độ ẩm và nhiệt độ ở môi trường bên trong. Vì thế, thời gian thuốc tan và ra bã còn phụ thuộc vào các yếu tố dược tính, dạng bào chế và thao tác đặt thuốc đã chuẩn hay chưa.
Thông thường, viên đặt dạng nang sẽ tan nhanh hơn viên đặt dạng nén khi tiếp xúc với độ ẩm bên trong âm đạo. Cụ thể, viên nang chỉ mất 5 – 10 phút là tan ra nhanh chóng, trong khi viên nén mất đến 20 – 30 phút để tan ra hoàn toàn. Chính vì thế, bác sĩ thường hướng dẫn người bệnh ngâm viên đặt dạng nén trong khoảng 20 giây trước khi đưa vào âm đạo để các hoạt chất nhanh tan hơn.
Thời gian sử dụng thuốc sẽ tùy theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các viên đặt có kháng sinh, người bệnh không nên sử dụng quá lâu vì dễ gây ra tình trạng nhờn thuốc hoặc kháng thuốc.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao
2.2. Kiêng quan hệ tình dục khi dùng viên đặt phụ khoa
Chị em cần kiêng quan hệ tình dục trong và sau quá trình đặt thuốc. Vì đây có thể là nguyên nhân khiến tình trạng viêm phụ khoa trở nên trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe của bản thân và bạn tình. Trường hợp phát sinh quan hệ trong khi đặt thuốc thì dễ làm giảm hiệu quả của thuốc, làm nặng thêm tình trạng viêm nhiễm, tăng nguy cơ gây bệnh cho bạn tình và giảm chất lượng cuộc yêu. Sau khi kết thúc liệu trình, người bệnh có thể quan hệ trở lại bình thường và thoải mái hơn.
2.3. Tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải
Phần lớn viên đặt phụ khoa thường an toàn và hiệu quả, nhưng chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ, chẳng hạn như gây kích ngứa âm đạo, đau bụng dưới, ra khí, tăng tiết dịch âm đạo. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng viên đặt phụ khoa, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trường hợp đau bụng dưới, ra bã và tiết dịch có màu lạ tương đối phổ biến sau khi đặt thuốc chữa viêm phụ khoa. Đây là cơ chế hoạt động để loại bỏ những vi khuẩn có hại của thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện ra máu hoặc không yên tâm về các triệu chứng gặp phải sau khi đặt thuốc thì hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng.

Nếu thấy bất thường trong quá trình sử dụng, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán
3. Lưu ý khi đặt thuốc âm đạo
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi đặt thuốc, các chị em cần chú ý trong suốt quá trình trước, trong và sau khi đặt thuốc. Cụ thể:
– Trước khi đặt thuốc cần rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo. Bên cạnh đó, hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc. Đặt thuốc đúng cách với liều lượng phù hợp sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao hơn.
– Tư thế đặt thuốc dễ dàng là nằm xuống với đầu gối cong và hai bàn chân đặt phẳng trên sàn. Dùng ngón trỏ từ từ đẩy thuốc vào âm đạo đến khi cảm nhận thấy cổ tử cung (phần cuối cùng của tử cung). Sau đó hãy nằm yên trong vài phút để thuốc có thời gian tan ra và thấm vào âm đạo.
– Hãy đặt thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ và sử dụng thêm băng vệ sinh để hạn chế tình trạng thuốc chảy ra ngoài âm đạo gây bẩn quần. Nếu đặt thuốc ban ngày thì hãy nằm nghỉ ngơi khoảng 15 đến 20 phút, tránh đi lại khiến thuốc rơi ra ngoài.
– Không đặt thuốc khi đang trong kỳ kinh nguyệt vì thời gian này niêm mạc âm đạo đặc biệt nhạy cảm và dễ bị nhiễm khuẩn.
– Sau khi đặt thuốc cần tránh thụt rửa âm đạo hoặc quan hệ tình dục để thuốc có thể phát huy tác dụng. Hãy rửa tay lại bằng nước và xà phòng để ngăn ngừa vi khuẩn.
Nếu vẫn còn thắc mắc trong quá trình sử dụng viên đặt chữa viêm phụ khoa, các chị em đừng ngại ngần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ và tư vấn đầy đủ.